Trung Quốc đang gài bẫy TT Biden về trí tuệ nhân tạo
Gordon G. Chang
“Trung Quốc đã tỏ ra quan tâm đến việc tham gia các cuộc thảo luận để thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn cho AI, và chúng ta nên hoan nghênh điều đó,” ông Bonnie Glaser thuộc Quỹ Marshall Đức cho biết. “Tòa Bạch Ốc quan tâm đến việc khuyến khích Trung Quốc hạn chế vai trò của AI trong việc chỉ huy và kiểm soát vũ khí hạt nhân.”
“Không ai muốn thấy vũ khí hạt nhân do AI điều khiển, phải vậy không?” ông Joe Wang – một cựu nhân viên Bộ Ngoại giao và NSC, hiện đang làm việc tại Dự án Nghiên cứu Cạnh tranh Đặc biệt tại Arlington, Virginia, chuyên về AI và các công nghệ mới nổi. “Như vậy, ngay cả nhà độc tài điên rồ nhất cũng có thể đồng ý.”
Họ cho rằng tôi điên rồi, nhưng không, Mỹ không nên tham gia bất kỳ thỏa thuận AI nào về “hạt nhân C2” – chỉ huy (command) và kiểm soát (control) – hoặc bất kỳ vấn đề nào khác với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Đúng vậy, “AI là một công nghệ thay đổi nền văn minh,” như nhà phân tích công nghệ Brandon Weichert nói với Viện Gatestone, và không, không ai muốn máy móc kiểm soát việc khai triển vũ khí hạt nhân. Nhiều người sực nghĩ đến WarGames, một bộ phim được sản xuất năm 1983 với sự tham gia của nam diễn viên Matthew Broderick, trong đó một máy điện toán quân sự của Mỹ tự mình mô phỏng một cuộc tấn công tổng lực của Liên Xô và gần như phát động một cuộc phản công của Hoa Kỳ vào Liên Xô.
Thực tế diễn ra đúng như trong phim. Vừa bước qua ngày 26/09/1983 chỉ vài giờ, một người là Trung tá Stanislav Petrov tình cờ được giao nhiệm vụ trực tại trung tâm cảnh báo sớm Serpukhov-15 ở phía nam Moscow. Các báo động liên tiếp cho thấy Mỹ đã phóng năm quả phi đạn Minuteman từ Montana về phía Mẹ Nga. Hơn ba mươi cuộc kiểm tra độ tin cậy ở Serpukhov-15 đã xác nhận rằng cuộc tấn công thực này sự đã diễn ra. Các thủ tục phòng vệ của Liên Xô yêu cầu phải tiến hành phóng phi đạn đáp trả.
Tuy nhiên, ông Petrov đã tin vào trực giác của mình và phớt lờ những cảnh báo. “Người tôi ướt đẫm mồ hôi,” cựu quân nhân Liên Xô này nhớ lại. “Mọi người la hét, còi báo động reo lên ầm ĩ. Nhưng một cảm giác trong lòng tôi mách bảo tôi rằng có điều gì đó không đúng.”
Quả thật là đã có điều không đúng. Hóa ra, các cảm biến trên vệ tinh Kosmos 1382 đã nhầm lẫn ánh sáng mặt trời chiếu từ đỉnh mây là các phi đạn đang bay tới.
Bản năng của một người – điều mà sau này ông Petrov gọi là “một cảm giác khang khác trong lòng” – đã cứu lấy phần lớn nhân loại khỏi bị thiêu thành tro vào ngày hôm đó. Một hệ thống do AI điều khiển trong tình huống này có thể đã phát động thứ mà nó nghĩ là một cuộc phản công nhằm vào đất Mỹ nhưng trên thực tế sẽ trở thành cuộc tấn công khơi mào. Tuy công nghệ AI tân tiến là vậy, nhưng không đến mức có thể đưa “linh cảm” vào các thuật toán.
Tuy nhiên, chỉ vì điều gì đó thực sự cần thiết không có nghĩa là phải ai cũng đồng thuận để thực hiện.
Trên thực tế, một thỏa thuận quy định rằng một con người đưa ra các quyết định khai triển [vũ khí hạt nhân] – như một điều diễn ra trong thực tế – sẽ không thể thực thi. Chẳng hạn, không ai ở Trung Quốc, Nga, hay Hoa Kỳ cho phép các quốc gia khác nghiền ngẫm hàng triệu dòng mã máy điện toán của họ và cho phép người ngoại quốc ở lại các cơ sở của họ để kiểm tra các bản cập nhật.
Mỹ không cần thêm một thỏa thuận có vẻ tốt đẹp với Trung Quốc. Mỹ đã có các thỏa thuận như vậy, đặc biệt là Công ước Vũ khí Sinh học không kèm theo cơ cấu thực thi. Các nghĩa vụ nghiêm túc của Trung Quốc trong hiệp ước đó không ngăn được chế độ này duy trì một loạt các cơ sở sản xuất vũ khí sinh học, bao gồm cả Viện Virus học Vũ Hán, và cố tình lây lan COVID-19 ra ngoài biên giới quốc gia này.
Như người ta nói, hy vọng hiện đang lấn lướt kinh nghiệm. Hôm 16/11, một ngày sau hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ở San Francisco, Tổng thống Joe Biden cho biết: “Chúng tôi sẽ tập hợp các chuyên gia của mình để thảo luận về các vấn đề rủi ro và an toàn liên quan đến trí tuệ nhân tạo.” Kiểm soát AI là một trong ba lĩnh vực mà ông cho biết nhà lãnh đạo Trung Quốc này đã đồng ý thảo luận thêm.
Bất cứ điều gì Trung Quốc mong muốn thì gần như chắc chắn đều không có lợi cho cả Hoa Kỳ lẫn cộng đồng quốc tế. Điều rủi ro là, trong một thỏa thuận không thể thực thi khác, Hoa Kỳ sẽ mất quyền sử dụng những lợi thế quan trọng mà AI mang lại trong việc nhắm mục tiêu vào các loại đạn dược quy ước.
Ông Hamlet Yousef – giám đốc điều hành của IronGate Capital Advisors, một công ty đầu tư vào công nghệ phòng thủ lưỡng dụng – cho biết: “Bởi vì các hệ thống tự động sẽ sớm có ảnh hưởng lớn trong chiến tranh, nên các quy tắc về AI sẽ tương đương với các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân trong thế kỷ 21.”
Dù chúng ta muốn hay không thì thế giới cũng đang chứng kiến “Sự trỗi dậy của Máy móc”. Viễn cảnh về robot sát nhân thật đáng rùng mình – ngay cả đối với những người chưa xem bất kỳ tập phim “Kẻ hủy diệt” (Terminator) nào – nhưng những thiết bị khủng khiếp như vậy, như vũ khí hạt nhân, không thể bị xóa bỏ thông qua tiến trình lập pháp. Nhiều người có thể cảm thấy thật tai hại khi nhân loại đã tạo ra những vật khủng khiếp như vậy trên đời, nhưng các thỏa thuận với các chế độ vốn dĩ không đáng tin cậy, chẳng hạn như chế độ Trung Quốc, sẽ không khắc phục được tình trạng này.
Chính quyền Trung Quốc muốn bàn bạc về trí tuệ nhân tạo phần lớn là vì họ đang đi sau Hoa Kỳ và cho rằng một thỏa thuận sẽ giúp họ bắt kịp. Ông Weichert, cũng là tác giả của cuốn sách “Biohacked: China’s Race to Control Life” (Tấn Công Sinh Học: Cuộc Đua Kiểm Soát Sinh Mạng của Trung Quốc), nêu ra rằng một thỏa thuận về AI với Bắc Kinh sẽ mở đường cho Trung Quốc tiếp cận công nghệ này của Hoa Kỳ, thứ mà họ chưa có. Ông Yousef nhận định, “Trung Quốc không làm bất cứ điều gì vô ích – họ mong muốn Hoa Kỳ nới lỏng các hạn chế trong việc tiếp cận các chất bán dẫn tân tiến.” Như câu nói của ông Weichert, “Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu về kỹ thuật trong thiết kế vi mạch bán dẫn so với Trung Quốc, mang lại cho Hoa Kỳ những lợi thế mang tính quyết định trong tương lai gần.”
Vì vậy, theo ông Bonnie Glaser, thế giới không nên “hoan nghênh” việc Trung Quốc sẵn sàng đàm phán với Mỹ về trí tuệ nhân tạo. Giới tinh hoa của Hoa Thịnh Đốn có thể không nhận ra được điều này, nhưng nước cờ khai cuộc của Trung Quốc, theo cách nói thông thường, được gọi là một “cái bẫy”.
Ông Gordon G. Chang là viện sĩ cao cấp ưu tú tại Viện Gatestone, một thành viên Ban Cố vấn của viện, và là tác giả quyển “The Coming Collapse of China” (Sự Sụp Đổ Sắp Tới của Trung Quốc).
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.