Trung Quốc đang hạn chế công dân xuất cảnh, kể cả công dân Hoa Kỳ
Trung Quốc đang hạn chế người dân rời khỏi đất nước, và ngay cả thường trú nhân Hoa Kỳ hoặc công dân Hoa Kỳ cũng bị mắc kẹt vào chiến dịch này.
Trong năm 2021, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã chia sẻ trên mạng xã hội những khó khăn khi xin sổ thông hành. Đối với những người có giấy tờ đi lại, trong quá trình kiểm tra xuất cảnh tại phi trường, các quan chức đã hỏi họ những câu hỏi khó và kiểm tra kỹ sổ thông hành và thị thực của họ, một số cư dân mạng kể lại. Một người thậm chí còn nói rằng sổ thông hành của họ đã bị thanh tra xé ngay tại chỗ.
Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Quốc gia Trung Quốc (NIA) hồi tháng 07/2021 xác nhận rằng chính quyền đang thắt chặt các quy định đối với những người rời khỏi nước này.
Tại một cuộc họp báo vào ngày 30/07/2021, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cho biết, trong nỗ lực ngăn chặn virus corona từ ngoại quốc, họ đã thực hiện một loạt các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế người dân ra hải ngoại: đình chỉ phát hành sổ thông hành phổ thông cho những việc không thiết yếu, không khẩn cấp; và khuyên người nộp đơn hủy bỏ hoặc hoãn kế hoạch đi lại nếu chúng không cần thiết hoặc khẩn cấp.
Theo số liệu thống kê tại cuộc họp báo này, số lượng sổ thông hành phổ thông được cấp trong nửa đầu năm 2021 chỉ bằng 2% so với nửa đầu năm 2019. Hầu hết các sổ thông hành được cấp cho mục đích học tập, làm việc, và đi công tác.
Chính sách thắt chặt đột ngột này đã làm gián đoạn kế hoạch của nhiều người, trong đó có cả những công dân Trung Quốc định cư ở Hoa Kỳ trở về thăm thân. Cư dân mạng trên mạng xã hội cho biết đơn xin gia hạn sổ thông hành nộp trước đó sáu tháng đã không được chấp thuận, do đó khiến họ khó có thể rời đi.
Anh Trương Thắng Kỳ (Zhang Shengqi), một doanh nhân Trung Quốc sống ở Hoa Kỳ, nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) hồi tháng 08/2021 về tình trạng khó khăn của bạn mình. Theo anh Trương, người bạn từng làm việc tại một trường cao đẳng ở Hoa Kỳ của anh đã mắc kẹt ở Trung Quốc trong một thời gian dài. Nhà tuyển dụng đại học đã nộp đơn xin gia hạn sổ thông hành của anh ấy trước đó sáu tháng, nhưng vẫn đang chờ kết quả. “Khi anh ấy rời Hoa Kỳ, đứa con mới sinh của anh ấy chưa đầy tháng, lúc này đứa bé đã gần nửa tuổi. Vợ anh ấy phải một mình chăm con.”
Anh Trương nói thêm rằng mặc dù người bạn đã sử dụng các mối quan hệ của mình nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Anh ấy không chắc khi nào mình sẽ được đoàn tụ cùng gia đình.
Đến cuối năm 2021, khi Trung Quốc phải đối diện với nhiều đợt bùng phát của biến thể Delta, các hạn chế xuất cảnh vẫn tiếp tục và thậm chí còn đi xa hơn. Một phụ nữ Trung Quốc là thường trú nhân tại Hoa Kỳ đã phàn nàn trên mạng hồi tháng 12/2021 về những gì đã xảy ra với cô tại phi trường khi cô đưa các con đến Hoa Kỳ.
Thanh tra xuất cảnh đã hỏi cô ấy làm sao mà cô trở thành thường trú nhân tại Hoa Kỳ. Cô trả lời rằng cô đã nhận được nó thông qua việc xin tị nạn. Người thanh tra đã dồn dập chất vấn cô để biết được lý do xin tị nạn, khiến cô cảm thấy lo lắng và không thể thốt nên lời. Viên thanh tra sau đó đã cắt sổ thông hành của cô khiến nó mất giá trị, và chỉ cho phép các con cô lên phi cơ, người phụ nữ này viết trong một bài đăng trên mạng xã hội.
Trải nghiệm của cô đã thúc đẩy nhiều cuộc thảo luận trực tuyến. Một cư dân mạng viết: “Người ta có nên bị thẩm vấn và phải có lý do chính đáng khi rời khỏi một đất nước, như khi nhập cảnh không?”
Câu chuyện này cũng gây lo ngại cho một số cộng đồng người Hoa ở Hoa Kỳ, vì nhiều công dân Trung Quốc là thường trú nhân tại Hoa Kỳ và đã quen với việc quay trở lại Trung Quốc khi họ mong muốn.
Lệnh cấm xuất cảnh
Ngay cả công dân Hoa Kỳ ở Trung Quốc cũng có thể bị buộc phải ở lại trong nước nếu chế độ cộng sản cho là cần thiết. Theo luật của nước này, các nhà chức trách Trung Cộng có toàn quyền trong việc ngăn chặn các công dân ngoại quốc rời khỏi nước này.
Chính phủ Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo các công dân Hoa Kỳ đang cân nhắc đến Trung Quốc du lịch về các lệnh cấm xuất cảnh của Bắc Kinh. Tháng 01/2021, chính phủ cựu Tổng thống Trump đã ban hành một Bản Tư vấn Du lịch Trung Quốc, nêu rõ rằng chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng các lệnh cấm xuất cảnh và giam giữ tùy ý để buộc công dân Hoa Kỳ tham gia các cuộc điều tra của họ, gây áp lực buộc các thành viên gia đình của họ phải trở về Trung Quốc từ hải ngoại và đạt được đòn bẩy thương lượng với các chính phủ ngoại quốc (kiểu hành xử này còn được gọi là “ngoại giao con tin” — dịch giả).
Bắc Kinh không công nhận hai quốc tịch, vì vậy bản tư vấn đưa ra những cảnh báo đặc biệt cho người Mỹ gốc Hoa. “Công dân Hoa Kỳ-Trung Quốc và công dân Hoa Kỳ gốc Trung Quốc có thể bị sách nhiễu nhiều hơn,” bản tư vấn viết. Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc có thể ngăn Đại sứ quán Hoa Kỳ cung cấp các dịch vụ lãnh sự, bản tư vấn cho biết thêm.
Trường hợp của anh Daniel Hứa là một ví dụ minh họa. Công dân Hoa Kỳ này đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc trong bốn năm cho đến tháng 11/2021. Chính quyền Trung Quốc đã bắt anh làm con tin để ép buộc cha anh trở về Trung Quốc đối diện với công lý vì bị cáo buộc biển thủ khoảng 63,000 USD hơn hai thập niên về trước.
Bốn ngày trước khi Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau trực tuyến hồi tháng trước, lệnh cấm xuất cảnh kéo dài của anh bất ngờ được dỡ bỏ và anh được yêu cầu quay trở lại Hoa Kỳ trong vòng 48 giờ.
Trong một trường hợp khác, hai chị em ruột là công dân Hoa Kỳ đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc trong hơn ba năm trước khi trở lại Hoa Kỳ hồi tháng 09/2021.
Anh Victor Lưu, một sinh viên đại học và cô Cynthia Lưu, một tư vấn viên, đã đến Trung Quốc hồi tháng 06/2018. Các nhà chức trách Trung Quốc đã chặn không cho hai chị em này rời khỏi đất nước và giam giữ mẹ của họ, cũng là một công dân Hoa Kỳ, để buộc người cha sống tại Hoa Kỳ của họ, người bị cảnh sát Trung quốc truy nã vì vai trò của ông trong một vụ lừa đảo, trở về Trung quốc và tự ra đầu thú.
Họ đã được phóng thích ngay sau khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho phép bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) — giám đốc tài chính của đại tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc, người từng ở Canada đấu tranh chống lại việc dẫn độ về Hoa Kỳ vì một vụ gian lận liên bang — quay trở lại Trung Quốc.