Trung Quốc đề nghị xây dựng trung tâm đào tạo cảnh sát tại Quần đảo Solomon
ALDGRA FREDLY
Hôm 26/05, Ngoại trưởng Jeremiah Manele cho biết Trung Quốc đang xem xét đề nghị thành lập trung tâm đào tạo cảnh sát ở Quần đảo Solomon, khi Bắc Kinh tìm cách đưa quan hệ song phương của họ lên “một cấp độ cao hơn”.
Ông Manele đưa ra nhận xét trên trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị; ông Vương đang có chuyến công du 10 ngày tới 8 quốc đảo Thái Bình Dương.
Hiệp hội Truyền thông Quần đảo Solomon (MASI) đã tẩy chay cuộc họp báo này vì họ chỉ được phép đặt một câu hỏi cho ông Manele, trong khi ông Vương chỉ trả lời những câu hỏi từ các phóng viên Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông của quốc gia dân chủ này đã phản đối việc một quốc gia hải ngoại hạn chế khả năng đưa tin về sự kiện này của họ.
“Trung Quốc sẽ xem xét thêm đề nghị về một trung tâm đào tạo cảnh sát và hỗ trợ đối với cơ sở hạ tầng và các tài sản của cảnh sát, vì xét thấy môi trường an ninh mong manh của quốc gia này,” ABC News dẫn lời ông Manele.
Hai nước đã chính thức hóa “một số khuôn khổ hợp tác phát triển” trong cuộc họp của họ, bao gồm cả một thỏa thuận hàng không dân dụng sẽ tạo cơ sở cho các hãng hàng không của cả hai quốc gia mở đường bay.
“Hai quốc gia đã ký một thỏa thuận hàng không dân dụng. Điều này sẽ cho phép ngành hàng không kinh doanh với Trung Quốc và mở ra thị trường du lịch và kinh doanh,” trang web của Chính phủ Quần đảo Solomon đưa tin.
Hôm 27/05, ông Vương cũng đã đến thăm Samoa và gặp Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mata’afa để đàm phán về “biến đổi khí hậu, đại dịch, hòa bình và an ninh”. Hai quốc gia đã ký một “thỏa thuận hợp tác kinh tế và kỹ thuật”.
Theo một tuyên bố của chính phủ Samoa, Trung Quốc và Samoa đã ký một thỏa thuận nhằm xây dựng một phòng thí nghiệm dấu vân tay cùng với học viện cảnh sát đã được công bố trước đó ở nước này.
Chuyến công du của ông Vương gồm có sáu quốc gia khác là Kiribati, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea, Fiji, và Đông Timor.
Tháng trước, Quần đảo Solomon đã ký một thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh – điều mà các quốc gia khác lo ngại sẽ cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự cách bờ biển Úc 1,700 km và gây mất ổn định khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, ông Vương đã bác bỏ suy đoán đó, nói rằng Trung Quốc không có ý định thiết lập các căn cứ quân sự ở quốc đảo Thái Bình Dương này.
Ông nói trong một tuyên bố: “Bất kỳ sự bôi nhọ và tấn công nào nhằm vào quan hệ hợp tác an ninh bình thường Trung Quốc–Quần đảo Solomon sẽ không khởi tác dụng, và bất kỳ sự can thiệp và phá hoại nào sẽ tất phải thất bại.”
Một bản dự thảo thông cáo chung về Tầm nhìn Phát triển Chung của Trung Quốc–Các quốc đảo Thái Bình Dương và kế hoạch hành động 5 năm, bị rò rỉ cho Reuters, đã được gửi tới các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia Thái Bình Dương, trước chuyến công du của ngoại trưởng Trung Quốc tới 8 quốc gia trong khu vực này.
Thông cáo chung đề nghị một Khu vực Mậu dịch Tự do Trung Quốc–Các quần đảo Thái Bình Dương, bao gồm cả hỗ trợ cho biến đổi khí hậu. Trong khi đó, kế hoạch hành động này bao gồm đối thoại cấp bộ trưởng về việc thực thi pháp luật và hợp tác cảnh sát trong năm 2022.
Hôm 25/05, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết Hoa Thịnh Đốn đã biết về kế hoạch của Trung Quốc nhằm đạt được “một loạt các thỏa thuận” với các quốc gia thuộc Quần đảo Thái Bình Dương và lo ngại rằng các hiệp định đã được đàm phán trong “một quá trình gấp rút, không minh bạch.”
Ông Price tuyên bố rằng các thỏa thuận an ninh được thực hiện với “ít sự tham vấn trong khu vực, gây ra lo ngại chung không chỉ ở Hoa Kỳ mà trên toàn khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương”.
Ông nói: “Chúng tôi không tin rằng việc tiếp nhận lực lượng an ninh đến từ Trung Quốc và các phương pháp của họ sẽ giúp ích cho bất kỳ quốc gia nào của Đảo Thái Bình Dương; mặt khác, làm như vậy có thể chỉ làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực và quốc tế, và gia tăng lo ngại về việc Bắc Kinh mở rộng nội bộ, bộ máy an ninh nội bộ của họ sang Thái Bình Dương.”