Trung Quốc: Hàng loạt chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine và virus qua đời
Pinnacle View Team
Có rất nhiều thông tin ghi nhận về những trường hợp tử vong đột ngột sau khi chích các loại vaccine của Trung Quốc.
Ông Lý Quân (Li Jun), một nhà sản xuất truyền hình độc lập, cho biết trong chương trình Pinnacle View (Diễn đàn Tinh anh) của The Epoch Times rằng vaccine Sinovac đã bị nghi ngờ ngay lần đầu tiên được tung ra [thị trường], và có rất nhiều trường hợp tử vong đột ngột có liên quan đến hoạt động chích ngừa này.
Ông Lý cho biết nhiều chuyên gia về vaccine Trung Quốc lần lượt qua đời ở độ tuổi còn khá trẻ.
Ngày 01/10/2023, ông Tào Tiểu Bân (Cao Xiaobin) – quản lý cao cấp của Công ty TNHH Sinovac Biotech – qua đời ở tuổi 45. Vào ngày 27/10/2023, ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou) – trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc – qua đời ở tuổi 60. Hồi tháng 10/2022, ông Ngô Kiến Quốc (Wu Jianguo), một nhà virus học tại Đại học Vũ Hán, qua đời ở tuổi 66. Các nhà khoa học đã qua đời khác gồm có nhà nghiên cứu vaccine COVID Triệu Chấn Đông (53 tuổi), Tằng Binh (52 tuổi), Lưu Bân (37 tuổi), và nhà nghiên cứu xét nghiệm acid nucleic Bạch Hiểu Hủy (42 tuổi).
Trong số các chuyên gia này có ông Chu Dục Sâm (Chu Yusen) – chuyên gia vaccine tại Học viện Khoa học Quân y – vốn là một trong những người đầu tiên nộp đơn xin cấp bằng sáng chế vaccine sau khi dịch COVID-19 bùng phát, nhưng vài tháng sau đó ông đã đột ngột qua đời.
Trong tháng 01/2024, nhà sản xuất vaccine Trung Quốc Sinovac thông báo họ đã ngừng sản xuất vaccine.
Hồi năm 2022, một cuộc khảo sát ở Hồng Kông cho thấy trong số 1,300 người tử vong đã được chích ngừa, 87% đã chích vaccine Sinovac.
Còn vào tháng 08/2021, bé Lý Bác Nghệ (Li Boyi), một bé gái 12 tuổi ở tỉnh Hà Nam, bị sốt cao hai ngày sau khi chích vaccine Sinovac và tử vong ngay sau đó. Mẹ bé gái, người đang tìm lại công lý cho sự qua đời của con gái, đã bị công an bắt giữ và đánh đập.
Hôm 11/01, ông Giang Dũng (Jiang Yong, bí danh) – một cư dân ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô – nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng trong hai năm qua, hơn chục bạn bè và thân quyến của anh đã đột ngột qua đời sau khi chích vaccine.
Trong khi một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng vaccine Sinovac mới đầu được phát triển dành cho chủng virus nguyên gốc và không còn có tác dụng sau khi chủng virus này đột biến, thì ông Hoành Hà (Heng He) – một nhà phân tích và chuyên gia công nghệ sinh học Trung Quốc – lại có quan điểm khác.
Ông nói với Diễn đàn Tinh anh rằng nếu vaccine Sinovac có hiệu quả, dựa trên tốc độ phát triển ban đầu, họ vẫn có thể tiếp tục phát triển vaccine chống lại các biến chủng của virus, và sẽ không tệ đến mức phải ngừng sản xuất.
“Là một công ty vaccine với kinh nghiệm dày dạn và có thị trường rộng lớn lại đột ngột dừng sản xuất như thế, làm sao có thể lấy nguyên nhân là ‘đột biến’ để giải thích cho hành động này được,” ông cho biết, đồng thời nói thêm rằng nguyên nhân lớn nhất có thể là do phẩm chất của vaccine.
Chuyên gia Trung Quốc này giải thích rằng khi vaccine Sinovac lần đầu ra mắt, Trung Cộng thực chất đã sử dụng vaccine này như một chiêu thức ngoại giao để “lôi kéo bằng hữu” [về phía mình].
“Hiện tại các nhà chức trách đang ra sức khuyến nghị về mức độ hiệu quả của các loại vaccine khác,” ông nói. “Vậy thì chất lượng của vaccine bất hoạt mà chính phủ đã khoe khoang bấy lâu nay là không đúng sự thật. Trừ khi họ thừa nhận rằng chất lượng của loại vaccine này vốn đã kém, hoặc có trục trặc trong quá trình sản xuất, nếu không thì rất khó để giải thích.”
Vaccine thật nguy hiểm hơn vaccine giả
Bà Quách Quân (Guo Jun) – giám đốc chi nhánh Hồng Kông của The Epoch Times – đã xác thực rằng phẩm chất của vaccine do Trung Quốc sản xuất là rất kém. Bà kể lại những gì một người bạn của bà ở Hồng Kông đã trải qua – được chích vaccine vào buổi trưa và qua đời vào buổi chiều – để chứng minh cho thực tế này.
Bà kể: “Thông tin chi tiết về những ca tử vong này đều công khai ở Hồng Kông vì chính quyền Hồng Kông luôn quy định phải tiết lộ những thông tin đó, không giống như Trung Cộng hầu như không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về tác dụng phụ của hai loại vaccine Sinovac và Sinopharm.”
Bà Quách cũng nhắc đến những người bạn của mình ở Trung Quốc đã mắc bệnh lao sau khi chích vaccine.
“Một người bạn [của tôi] ở Trung Quốc cho biết anh ấy thà chích vaccine giả mà ở trong có thể chỉ là nước cất, còn hơn cái gọi là vaccine thật ở Trung Quốc, vốn là loại vaccine có tác dụng phụ độc hại, thậm chí gây tử vong.”
Bà Quách tiếp tục nói về việc có bao nhiêu nhân viên y tế ở Trung Quốc chưa được chích ngừa.
“Rất nhiều bằng hữu của tôi trong ngành y tế hoàn toàn không muốn nhận mũi chích đó” bà cho biết. “Điều này đặc biệt đúng đối với các chuyên gia đã thực hiện nghiên cứu về vaccine.”
“Dựa trên những gì chúng tôi đã biết, các quan chức cao cấp của Trung Cộng – đặc biệt là những quan chức từ cấp phó trở lên trong bộ máy nhà nước – không chích vaccine nội địa cũng không chích vaccine của ngoại quốc.
“Một số chuyên gia y tế phân tích rằng lý do khiến giới lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Cộng thực hiện chính sách zero-COVID nghiêm ngặt là vì chính họ cũng chưa chích ngừa và không thể tiếp xúc với môi trường nơi virus tồn tại.”
Tại cuộc họp gần đây của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã đề xướng rằng ngành dược phẩm sẽ nằm trong số năm lĩnh vực chống tham nhũng trọng điểm vào năm 2024.
Bà Quách giải thích: “Trong bốn năm vừa qua của dịch bệnh COVID-19, tất cả các ngành nghề ở Trung Quốc đều rơi vào tình trạng trì trệ. Ngành dược phẩm là ngành duy nhất kiếm được nhiều tiền, từ vaccine, xét nghiệm acid nucleic, các sản phẩm khử trùng khác nhau, và các thiết bị y tế như thiết bị hỗ trợ hô hấp và khẩu trang.”
“Một số người giới thiệu những loại thuốc đó với tư cách là những chuyên gia, nhưng thực ra họ đang quảng cáo những loại thuốc mà chính gia đình họ có cổ phần. Tất cả những điều này đang nhen nhóm trong nội bộ Trung Cộng và phản ứng dội lại rất mạnh mẽ, thế nên một số chuyện lớn có thể xảy ra với ngành dược phẩm trong năm nay.”
Đại dịch báo hiệu sự thay đổi triều đại
Từ cuối năm 2023, một làn sóng dịch bệnh mới xuất hiện ở Trung Quốc, bắt đầu từ trẻ em sau đó lây sang thanh niên và người trung niên. Những ca tử vong đột ngột xảy ra thường xuyên hơn ở nhiều nơi tại Trung Quốc. Ở một số thành phố lớn, kể cả Bắc Kinh, các lò hỏa táng hoạt động với công suất cao mỗi ngày, giống như thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19.
Ông Hoành Hà bình luận rằng vấn đề của Trung Quốc nằm ở chỗ là chế độ này không minh bạch, vì thế người dân không nắm được thông tin chính xác và không biết chuyện gì đang thực sự diễn ra.
Ông nói: “Trong trường hợp xảy ra đại dịch, phải có một loại virus cụ thể nào đó chiếm ưu thế trong đại dịch, nhưng các loại virus khác cũng có tồn tại … [Loại virus chính đó] chiếm tỷ lệ là bao nhiêu? Liệu tỷ lệ này đã đạt đến mức độ của dịch bệnh chưa? Có phải một số virus đang cùng đồng thời lưu hành hay không? Chúng ta không biết gì cả.”
“Sự thiếu minh bạch và vô trách nhiệm của chế độ này đã khiến mọi việc trở nên rất khó hiểu.”
Sau đó, ông đặt câu hỏi về “nguồn gốc xã hội” của những đại dịch dai dẳng và đề cập đến đại dịch năm 1918.
“Trong đại dịch năm 1918, có ba đợt bùng phát có tỷ lệ tử vong rất cao, nhưng sau ba đợt đó, đại dịch đột nhiên biến mất không dấu vết,” ông nói. “Khác với đại dịch hiện tại, vốn không bắt đầu với tỷ lệ tử vong cao như vậy, nhưng kéo dài trong thời gian dài và dường như khó có thể biến mất.”
“Trong lịch sử nhân loại, những đại dịch như vậy thường kết thúc sau khi có sự thay đổi về triều đại. Cúm Tây Ban Nha kết thúc sau Đệ nhất Thế chiến. Khi chiến tranh kết thúc, căn bệnh này cũng biến mất.”
Lập luận này giống như ý kiến trong một bài xã luận của Epoch Times vào tháng 01/2023 có nhan đề “Sự thật về đại dịch tại Trung Quốc và sự sụp đổ của Trung Cộng”, trong đó so sánh cuộc đàn áp của chế độ cộng sản lên các nhóm tín ngưỡng hiện nay với các sự kiện lịch sử trong quá khứ.
Bài xã luận này viết: “Lịch sử đã cho chúng ta thấy những ví dụ trước đây về điều này. Ở La Mã cổ đại, cuộc bức hại các tín đồ Cơ Đốc đã dẫn đến bốn bệnh dịch, khiến Đế chế La Mã hùng mạnh suy tàn và cuối cùng đi đến diệt vong. Trong lịch sử Trung Quốc, sự thay đổi triều đại thường xảy ra khi triều đình trở nên bại hoại và đạo đức xã hội xuống cấp; hậu quả theo sau thường là dịch bệnh.”
“Cuối cùng, cách chữa trị tốt nhất cho bệnh dịch này là tránh xa Trung Cộng.”
“Chúng tôi hy vọng mỗi một người đều có thể vượt qua thảm họa này một cách an toàn và có một ngày mai tươi sáng hơn.”