Trung Quốc: Hoảng loạn lương thực có phải vì thiếu lương thực?
Sai lầm nhỏ của Bắc Kinh biến các gia đình thành những người tích trữ
Lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình dường như không thể nghỉ ngơi được. Có lẽ ông ta không đáng được hưởng một ngày nghỉ. Năm nay, ông ta phải đối mặt với tình huống của Evergrande, tình trạng dư thừa bất động sản nói chung, một đợt lây nhiễm COVID-19 mới, và tình trạng thiếu điện rải rác trên khắp đất nước. Gần đây nhất, Bắc Kinh đã phải đối phó với tình trạng hoảng loạn về lương thực.
Có vẻ như một đợt truyền thông thiếu chu đáo của chính quyền đã gây ra những lo ngại về việc thiếu hụt lương thực và việc tích trữ không thể tránh khỏi của người dân. Các nhà chức trách đã phải rút lại chỉ thị của họ, một sự kiện hiếm khi xảy ra ở Trung Quốc. Nhưng điều thú vị hơn là những suy nghĩ của người dân trong cơn hoảng loạn này.
Chuỗi sự kiện này đủ để hiểu rằng Bắc Kinh đã dọn đường để chuốc lấy phiền phức. Họ đã nhấn mạnh phải tránh lãng phí lương thực và đưa nội dung này vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, lần đầu tiên đề cập đến các mục tiêu sản xuất ngũ cốc kể từ thời Mao Trạch Đông. Chỉ riêng điều đó chắc hẳn đã làm một số người cảnh giác. Sau đó, ông Tập nhấn mạnh việc Trung Quốc phải tự cung tự cấp về ngũ cốc, nói một cách văn vẻ rằng “bát cơm phải được giữ chắc trong tay Trung Quốc.”
Với ý thức cao, cách đây vài tuần Bộ Thương mại đã thông báo rằng mọi người nên dự trữ các nhu yếu phẩm, để chuẩn bị cho các đợt phong tỏa và kiểm dịch mới nếu sự lây nhiễm COVID-19 tăng trở lại. Gần như ngay lập tức, một cảm giác khẩn cấp lan truyền trong dân chúng. Những người lớn tuổi bắt đầu gợi nhớ lại đại nạn đói kém năm 1958–1962, và chủ các gia đình ngay lập tức tích trữ lương thực. Những hàng dài nối tiếp nhau tại các cửa hàng thực phẩm; những nơi này nhanh chóng hết sạch sản phẩm. Giá cả tăng phản ánh áp lực về hàng hóa.
Bắc Kinh đã hành động nhanh nhất có thể để dập tắt cơn hoảng loạn. Bộ Thương mại đã gỡ bỏ hướng dẫn về việc tích trữ, trong khi tất cả các cơ quan chính phủ đều đưa thông tin thể hiện rằng nguồn cung cấp thực phẩm ở Trung Quốc là quá đầy đủ. Các hãng thông tấn công bố số liệu thống kê về diện tích đất trồng trọt của Trung Quốc và mức độ gia tăng của hoạt động canh tác theo thời gian. Bắc Kinh còn giải thích cách nền kinh tế tập trung vào các loại cây trồng thiết yếu, lúa mì, gạo, và nhờ đó Trung Quốc giảm nhập cảng lúa mì khoảng 40% và là nước xuất cảng gạo ròng. Hành động “vụng chèo khéo chống” này còn giải thích tiếp rằng nhập cảng đậu nành và ngô chỉ đơn giản là để bổ sung cho sản xuất trong nước và chúng cũng rất dồi dào.
Mọi chuyện đã lắng dịu, nhưng sự hốt hoảng của các gia đình Trung Quốc lại nói lên điều gì đó căn bản hơn. Bên cạnh những lo lắng từ việc kiểm dịch và phong tỏa năm ngoái và đầu năm nay, khuynh hướng hoảng loạn này dường như cũng cho thấy sự mất lòng tin đối với khả năng hoạch định của Bắc Kinh. Hẳn là một số ít người có thể trích dẫn các chương hoặc các đoạn từ lý thuyết kinh tế, nhưng cuộc sống dưới một hệ thống tập trung chắc chắn đã khiến người Trung Quốc cảm nhận được những cạm bẫy và yếu điểm.
Vấn đề là một hệ thống tập trung đưa ra quyết định cho toàn bộ nền kinh tế. Do đó, sai lầm sẽ xảy ra ở cấp độ cao, và thường dẫn đến lãng phí lớn và phân bổ sai nguồn lực khủng khiếp. Vấn đề nhà ở của Trung Quốc ngày nay thể hiện điều này.
Hiện nay, dù Bắc Kinh nói gì về gánh nợ quá mức và sự cần thiết phải điều tiết, thì các nhà quy hoạch của họ đã ‘chạy theo’ việc xây dựng nhà ở dân cư trong nhiều năm qua. Chính quyền cấp tỉnh và địa phương từ lâu đã tích cực làm việc với các nhà phát triển bất động sản. Giờ đây thực tế đã cho thấy những tính toán sai lầm nghiêm trọng, không chỉ về việc Trung Quốc cần bao nhiêu căn nhà, mà còn là ở đâu. Theo số liệu gần nhất, khoảng 20% số nhà ở trong nước không có người sử dụng. Nền kinh tế trong nhiều năm đã sử dụng nguồn vốn và nguồn nhân lực khổng lồ cho mục đích không thiết thực, và chắc chắn là không vì lợi ích của người dân Trung Quốc.
Với những sai lầm này cùng những sai lầm khác đã được ghi nhận, chẳng hạn như các tuyến đường sắt cao tốc chẳng dẫn đến đâu, có thể dễ dàng hiểu tại sao rất nhiều người dân Trung Quốc, khi được khuyến khích tích trữ thực phẩm, lại nghĩ đến điều tồi tệ nhất và xem mệnh lệnh của chính phủ chỉ là một nỗ lực để điều chỉnh một sai lầm khác tương tự như thế.
Tất nhiên, các nền kinh tế thị trường cũng mắc sai lầm và cũng thường có lãng phí. Nhưng vì việc ra quyết định ở các thị trường là phi tập trung, nên các sai lầm xảy ra ở cấp công ty, hiếm khi xảy ra ở cấp quốc gia, và do đó hiếm khi lên đến mức độ sai lầm như một hệ thống tập trung tạo ra. Cũng bởi vì những người ra quyết định trong một hệ thống thị trường tìm bắt được các tín hiệu từ những thay đổi về giá cả, nên những điều chỉnh đối cho những bước đi sai lầm được bắt đầu sớm hơn so với một hệ thống tập trung – trong đó các nhà hoạch định thường không nhận thức được vấn đề cho đến khi các vấn đề này chạm đến một quy mô lớn. Ngay cả khi đó, những sự điều chỉnh có thể phải đợi đến kế hoạch của năm sau.
Thật kỳ lạ, một minh họa hoàn hảo về khả năng ứng phó của thị trường phi tập trung lại xuất phát từ ngành nông nghiệp Trung Quốc. Dịch tả heo Phi Châu đã tàn phá đàn heo của Trung Quốc năm 2019. Thế là các nhà hoạch định đã điều chỉnh kế hoạch cho năm kế tiếp. Nhưng may mắn thay, các nông dân nhỏ lẻ của Trung Quốc vẫn chưa tham gia vào kế hoạch như Bắc Kinh có thể đã mong muốn. Vậy nên, khi chứng kiến giá heo năm 2019 tăng chóng mặt, hàng ngàn nông dân đã ngay lập tức bắt tay vào chăn nuôi. Do đó, đàn gia súc gần như đã được phục hồi, thậm chí trước cả khi việc lập kế hoạch được bắt đầu. Do đó, người dân ở Trung Quốc – ngay cả trong lúc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất – đã và đang yên tâm khi biết rằng thịt heo rất dồi dào.
Có vẻ như lo lắng về lương thực chỉ là một sự lo sợ. Tất cả các số liệu và mô tả được đưa ra để trấn an các gia đình cho thấy rằng dân số khổng lồ 1.4 tỷ người của Trung Quốc sẽ tránh được nạn đói. Nếu sự trấn an này là một sự giải tỏa cảm xúc cho tất cả mọi người, thì khía cạnh thú vị hơn của những sự kiện gần đây chính là mức độ nhanh nhẩu của người Trung Quốc khi giả định khả năng xảy ra tình huống xấu nhất, và phản ứng này ít nhất cho thấy hiểu biết trực quan về những điểm yếu trong hệ thống mà hiện Bắc Kinh dường như quyết tâm dựa vào – nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ thời ông Mao.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn lực Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York.