Trung Quốc mất quyền truy cập vào trạm theo dõi vũ trụ ở Úc
Trung Quốc sẽ mất quyền tiếp cận một trạm theo dõi không gian chiến lược ở Tây Úc khi hợp đồng của họ hết hạn – chủ sở hữu của trạm này cho biết; quyết định này sẽ cắt khả năng khám phá không gian và định vị của Bắc Kinh tại khu vực Thái Bình Dương.
Tập đoàn Vũ trụ Thụy Điển (SSC) đã có một hợp đồng cho phép Bắc Kinh truy cập vào ăng-ten vệ tinh tại trạm mặt đất từ năm 2011. Ăng-ten này nằm cạnh một trạm vệ tinh của SSC, chủ yếu được sử dụng bởi các cơ quan Hoa Kỳ, trong đó có NASA.
SSC nói với Reuters rằng họ sẽ không tiến hành thêm bất kỳ hợp đồng mới nào tại trạm theo dõi đặt tại Úc để hỗ trợ Trung Quốc sau khi hợp đồng hiện tại hết hạn. Tuy nhiên, họ không tiết lộ thời điểm hợp đồng thuê kết thúc.
Trong một email trả lời các câu hỏi, SSC cho biết, “Do sự phức tạp của thị trường Trung Quốc, do tình hình địa chính trị tổng thể, SSC đã quyết định sẽ tập trung chủ yếu vào các thị trường khác trong những năm tới.”
Trạm không gian này thuộc sở hữu của SSC Space Australia, một chi nhánh công ty của SSC.
Chính phủ Úc, Thụy Điển, và Trung Quốc đã không phản hồi ngay lập tức các câu hỏi hôm 21/9.
Việc mở rộng các năng lực không gian của Trung Quốc bao gồm sự tinh vi ngày càng tăng của mạng lưới định vị Beidou (Bắc Đẩu), là một trong những lĩnh vực căng thẳng mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Hai quốc gia này đang xung đột về mọi thứ, từ công nghệ và thương mại cho đến các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Úc có quan hệ liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ, bao gồm hợp tác về các chương trình nghiên cứu không gian, trong khi quan hệ ngoại giao và thương mại của Canberra với Bắc Kinh lại đang rạn nứt.
SSC cho biết, lần cuối Trung Quốc sử dụng Trạm Vệ tinh Yatharagga, nằm khoảng 250 dặm về phía bắc của thành phố Perth của Úc, là vào tháng 6/2013 để hỗ trợ cho ba người trong nhiệm vụ Thần Châu 10 – nhiệm vụ này hoàn thành một loạt các thử nghiệm lắp ghép ngoài không gian.
SSC cũng cho biết hợp đồng hiện tại hỗ trợ các sứ mệnh khoa học không gian của Trung Quốc trong khuôn khổ chương trình các chuyến bay không gian có người lái dành cho các dịch vụ viễn trắc lượng (đo đạc từ xa), theo dõi và chỉ huy.
Mở rộng ra nước ngoài
Các trạm mặt đất là một phần quan trọng của các chương trình không gian vì tạo ra liên kết viễn thông với phi thuyền vũ trụ. Mặc dù có năng lực khác nhau, các trạm này có thể được trang bị để phối hợp với các vệ tinh của các Hệ thống Vệ tinh Định vị Toàn cầu (GNSS) dân sự và quân sự như Beidou, GLONASS của Nga, hệ thống Galileo của Liên minh Châu Âu, và GPS thuộc sở hữu của Hoa Kỳ.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng khả năng tiếp cận các trạm mặt đất của nước ngoài, song song với việc mở rộng các chương trình định vị và thám hiểm không gian của họ.
Ông Joon Wayn Cheong, một cộng sự nghiên cứu cao cấp tại Trường Kỹ thuật Điện của Đại học New South Wales, cho biết, “Nói chung, khi quý vị đặt một trạm giám sát mặt đất GNSS tại bất cứ nơi nào thì năng lực định vị tại khu vực đó sẽ chuẩn xác hơn.”
Ông Christopher Newman, giáo sư về Luật và Chính sách Không gian tại Đại học Northumbria tại Newcastle, Anh, cho biết Trung Quốc muốn loại bỏ sự phụ thuộc vào GPS; đó là một phần trong các kế hoạch lớn hơn nhằm mở rộng ảnh hưởng của họ ra toàn cầu.
“Dịch vụ GPS có thể không được cung cấp cho họ trong một cuộc xung đột quân sự. Một hệ thống bảo mật độc lập là rất quan trọng đối với khả năng của Quân đội Giải phóng Nhân dân (quân đội của Trung Cộng) về nhắm mục tiêu, vũ khí, định vị”, ông nói với Reuters.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao với quốc đảo Kiribati nhỏ bé ở Thái Bình Dương, nơi một trạm mặt đất đã ngừng hoạt động.