Trung Quốc: Một số bệnh viện bị tố làm giấy khai sinh giả cho trẻ sơ sinh bị bắt cóc
Kane Zhang and Lynn Xu
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, nhiều bệnh viện trên một số tỉnh ở miền trung và miền nam Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến việc cung cấp giấy khai sinh giả cho trẻ sơ sinh bị bắt cóc, với 7 nghi phạm bị bắt và 4 người khác bị giam giữ chỉ riêng ở tỉnh Hồ Bắc.
Sina đưa tin hôm 13/11 rằng chính quyền địa phương, sau khi nhận được thông tin và tài liệu từ Thượng Quan Chính Nghĩa (Shangguan Zhengyi) – một nhóm tình nguyện chống nạn buôn bán và bắt cóc trẻ em – đã tăng cường giám sát các bệnh viện ở Hồ Bắc, Quảng Tây, và Quảng Đông, đồng thời điều tra hàng chục nghi phạm.
Trước đó, hôm 06/11, nhóm Thượng Quan Chính Nghĩa đã tiết lộ một số phát hiện của mình trên Weibo, nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất ở Trung Quốc, tuyên bố rằng họ đã tiến hành một cuộc điều tra bí mật trong hơn một năm và phát hiện ra rằng một số bệnh viện trải dài trên các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, và Vân Nam đã cung cấp và rao bán giấy khai sinh giả, sổ chích ngừa, và những thứ khác trên nền tảng mạng xã hội Douyin – phiên bản Hoa ngữ của TikTok.
Giấy khai sinh giả có thể được sử dụng để ghi danh trong sổ khai gia đình (ở Trung Quốc gọi là hộ khẩu) và cung cấp danh tính giả cho những đứa trẻ bị bắt cóc.
Bà Diệp Hữu Chi (Ye Youzhi), viện trưởng Bệnh viện Kiện Kiều Tương Dương ở tỉnh Hồ Bắc, là một trong những nghi phạm chính đã cấp hơn 5,000 giấy khai sinh trong ba năm khắp các tỉnh như Bắc Kinh, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Cam Túc, và nhiều tỉnh khác. Theo nhóm Thượng Quan Chính Nghĩa, bà Diệp đã cấu kết với một băng nhóm chuyên bán trẻ sơ sinh, cả bé trai lẫn bé gái, và bán giấy khai sinh với giá khoảng 100,000 nhân dân tệ (khoảng 13,700 USD)/giấy đến 10 tỉnh trên cả nước.
Giấy khai sinh, là giấy chứng nhận y tế đầu tiên sau khi một đứa trẻ chào đời, đóng một vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh của Trung Quốc, chẳng hạn như chích ngừa, ghi danh trong sổ khai gia đình, ghi danh nhập học, và xin cấp thẻ căn cước (ID).
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), nguyên phó giáo sư của trường Đại học Sư phạm Thủ đô, nói với The Epoch Times hôm 11/11 rằng việc những đứa trẻ bị bắt cóc có danh tính mới sẽ khiến cha mẹ ruột khó tìm thấy đứa con mất tích của họ.
Ông Lý cho biết ở một mức độ nào đó, việc làm giả giấy khai sinh của các bệnh viện đã thúc đẩy nạn buôn bán trẻ em tràn lan ở Trung Quốc.
Dịch vụ một cửa dành cho trẻ em bị bắt cóc có ID giả
Nhóm Thượng Quan Chính Nghĩa có bằng chứng cho thấy một số người mua trẻ em bị bắt cóc đã tìm cách ghi danh và nhập hộ khẩu cho trẻ ở các tỉnh phía tây nam Tứ Xuyên và Vân Nam, Hà Bắc phía bắc Trung Quốc, và các tỉnh tây bắc như Thiểm Tây bằng giấy khai sinh giả.
Nhóm chống bắt cóc trẻ em này đã trình bày chi tiết về cách làm giấy tờ tùy thân giả tại Bệnh viện Kiện Kiều Tương Dương.
Đầu tiên, nếu làm việc với một bên trung gian, khách hàng chỉ cần trả 96,000 nhân dân tệ (khoảng 13,200 USD), sau đó bệnh viện sẽ làm theo đúng quy trình sinh nở bình thường để cung cấp bộ thông tin xác thực đầy đủ như thủ tục nộp hồ sơ, khám thai, ngày nhập viện, ngày sinh, ngày xuất viện, vv…
Sau đó, khách hàng có thể đưa em bé bị bắt cóc đến bệnh viện để lấy máu gót chân như một điều kiện cần để cấp giấy khai sinh, và toàn bộ quá trình này có thể hoàn thành trong tối đa bảy ngày.
Nếu khách hàng không thể đưa em bé đến tận nơi, họ phải trả thêm 10,000 nhân dân tệ (khoảng 1,400 USD), và bệnh viện sẽ sắp xếp lấy máu gót chân của những em bé khác.
Tại tỉnh Quảng Đông, Bệnh viện Phụ sản Phúc Ái Gia Phật Sơn đã rao bán giấy khai sinh, bao gồm một bộ đầy đủ hồ sơ nhập viện và sinh nở thực tế, với giá 120,000 nhân dân tệ (khoảng 16,500 USD)/giấy khai sinh qua một mạng lưới trung gian.
Hôm 10/11, một phóng viên của Epoch Times ấn bản Hoa ngữ đã liên lạc với Bệnh viện Phụ sản Phúc Ái Gia Phật Sơn để đề nghị bình luận, và một nhân viên trả lời rằng bệnh viện này đã cho dừng hoạt động của phòng khám ngoại trú sản, phụ khoa.
Tội ác không chỉ dừng lại ở việc làm giấy khai sinh giả
Nhóm Thượng Quan Chính Nghĩa lưu ý một số người trung gian cho biết nguồn cung cấp trẻ sơ sinh để bán chủ yếu là bệnh viện, và có hai khả năng để bệnh viện làm như vậy.
Một là trường hợp mang thai hộ, bị nghi ngờ là nguồn buôn bán trẻ em mới xuất hiện gần đây. Bà Diệp đã nói với khách hàng của mình rằng Bệnh viện Kiện Kiều Tương Dương chủ yếu thực hiện dịch vụ mang thai hộ và việc cấp giấy khai sinh chỉ là một công việc phụ.
Theo Thượng Quan Chính Nghĩa, một điểm đáng chú ý khác là bệnh viện có điều kiện tiếp cận những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi; chẳng hạn, các bệnh viện có thể lấy thông tin từ “một sinh viên đại học đang mang thai nhưng không muốn có con” và sau đó giới thiệu cho các bên trung gian về nguồn cung cấp này; sau đó bên môi giới sẽ tìm kiếm người mua qua nền tảng TikTok của Trung Quốc.
Mười ba năm trước, bà Diệp đã bị bắt và bị kết án vì xác định giới tính thai nhi bất hợp pháp và phá thai bất hợp pháp, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến vị trí giám đốc bệnh viện cũng như vị trí phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Phụ nữ Tương Dương của bà.
Thượng Quan Chính Nghĩa tin rằng phản ứng của chính quyền Cộng sản Trung Quốc là chưa đủ trước tình trạng tội phạm buôn bán trẻ em tràn lan ở nước này, nói rằng họ đã báo cáo các trường hợp bắt cóc trẻ em cho chính quyền Thiểm Tây và Hà Bắc vào tháng Chín nhưng không nhận được bất kỳ phản ứng nào.
Nhóm tình nguyện viên dân sự này cho biết cho đến nay, các tin nhắn rao bán giấy khai sinh vẫn tràn ngập trên nền tảng TikTok của Trung Quốc.
Ông Lý cho hay việc các bác sĩ và bệnh viện tiếp tay cho hoạt động buôn bán trẻ sơ sinh và giấy khai sinh cho thấy “những lỗ hổng trong hệ thống” dưới sự cai trị của Trung Cộng, và đảng cầm quyền cũng phải chịu trách nhiệm về việc thiếu y đức trong ngành y cũng như sự lan tràn của nạn buôn người.