Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn nối lại hội đàm ba bên giữa những xích mích trong khu vực
Dorothy Li
Trung Quốc, Nhật Bản, và Nam Hàn đã đồng ý tăng cường hợp tác. Các nhà lãnh đạo của ba nước láng giềng ở Á Châu này tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau hơn 4 năm tại Seoul, Nam Hàn.
Theo tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm ba bên hôm 27/05, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol, và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đồng ý “thể chế hóa” sự hợp tác giữa ba nước thông qua các cuộc gặp mặt cấp cao ba bên thường xuyên và các hội nghị thượng đỉnh cấp bộ trưởng.
Họ cũng ban hành các thỏa thuận riêng nhằm hợp tác về sở hữu trí tuệ và phòng chống đại dịch trong tương lai.
Trình bày tại hội nghị chung sau cuộc họp, ông Yoon bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa ba nước – vốn bị hoãn lại kể từ năm 2019 – sẽ nhanh chóng được nối lại.
Ông Kishida nói rằng ba nước có chung trách nhiệm lớn đối với hòa bình khu vực và Nhật Bản sẽ chủ trì đợt họp lãnh đạo ba bên tiếp theo.
Năm 2008, các nhà lãnh đạo của ba nền kinh tế vốn chiếm khoảng 1/4 GDP (tổng sản phẩm nội địa) thế giới này đã đồng ý triệu tập cuộc họp thường niên. Tuy nhiên, vì đại dịch COVID-19 và mối quan hệ phức tạp giữa ba nước, nên các cuộc họp đã bị dừng lại sau cuộc họp lần cuối hồi tháng 12/2019 tại Thành Đô, Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, ông Lý cho biết nước này muốn hợp tác với Nam Hàn và Nhật Bản trong các lĩnh vực kinh tế và công nghệ, đặc biệt là về các chuỗi cung ứng và những lĩnh vực tân tiến như trí tuệ nhân tạo.
Các cuộc họp ba bên này diễn ra khi chính quyền Trung Quốc phải đối mặt với áp lực quốc tế gia tăng do Hoa Kỳ dẫn đầu về các vấn đề từ trợ cấp nhà nước quy mô lớn đến khôi phục nền kinh tế đang hấp hối cho đến yêu sách chủ quyền đối với Đài Loan tự trị. Trong tuần lễ từ 20 đến 26/05, căng thẳng trên Eo biển Đài Loan tăng cao khi Trung Cộng tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn trên vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan – hòn đảo được quản lý một cách dân chủ vừa chứng kiến tổng thống mới của họ, ông Lại Thanh Đức, tuyên thệ nhậm chức.
Hội nghị thượng đỉnh này cũng bị bao phủ bởi mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn. Chỉ vài giờ trước cuộc gặp ba bên, chính quyền do ông Kim Jong Un lãnh đạo thông báo cho Nhật Bản về kế hoạch phóng hỏa tiễn để đưa vệ tinh do thám quân sự thứ hai lên quỹ đạo.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều những mối đe dọa do Trung Cộng và đồng minh thân cận của họ ở Bình Nhưỡng gây ra, Nhật Bản và Nam Hàn đã gác lại sự chia rẽ trong lịch sử và quyết tâm tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế.
Trước bối cảnh đó, các nhà phân tích tỏ ra không mấy kỳ vọng vào bất kỳ sự cải thiện đáng kể nào trong mối quan hệ giữa ba nước láng giềng ở Á Châu này, bất chấp việc Bắc Kinh cố gắng xích lại gần hơn với Seoul và Tokyo.
“Trung Quốc đang tìm cách hàn gắn quan hệ ngoại giao với Nam Hàn và Nhật Bản, và hội nghị thượng đỉnh lần này mang đến một cơ hội tốt. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của những cuộc gặp gỡ này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến lược tổng thể của Trung Quốc,” ông Trần Binh Quỳ (Chen Ping-Kuei – một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan – nói với The Epoch Times.
Ông Trần nói rằng ông vẫn giữ “cách nhìn bi quan” về kết quả có thể có từ các cố gắng ngoại giao của Trung Cộng, căn cứ vào việc thủ tướng Trung Quốc trong khi kêu gọi hợp tác vẫn phàn nàn về việc hai nước này đang mở rộng quan hệ hợp tác với Hoa Thịnh Đốn.
Theo bản tóm tắt cuộc họp ba bên của Tân Hoa Xã, ông Lý kêu gọi ông Yoon và ông Kishida tránh “biến các vấn đề kinh tế và thương mại thành ý đồ chính trị hoặc các vấn đề an ninh” và bác bỏ “chính sách bảo hộ” – những thuật ngữ mà Trung Cộng thường sử dụng để tấn công cố gắng của Hoa Thịnh Đốn trong việc chống lại tình trạng dư thừa công suất và các chính sách thương mại không công bằng khác của Bắc Kinh.
Theo ông Trần Thế Dân (Chen Shih-min) (không liên quan đến ông Trần Binh Quỳ) – một chuyên gia an ninh quốc tế tại Đại học Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc – có rất ít dấu hiệu cho thấy ông Yoon và ông Kishida đáp lại những kêu gọi của ông Lý.
Ông cho rằng việc Nhật Bản và Nam Hàn đồng ý tìm hiểu hợp tác kinh tế với Trung Quốc là bình thường vì cả ba nước này đều đang vật lộn với những thách thức kinh tế. Tuy nhiên, khi nói đến những vấn đề quan trọng như an ninh và các chuỗi cung ứng, thì cả Tokyo lẫn Seoul đều được cho là sẽ tăng cường mối quan hệ với Hoa Thịnh Đốn.
Ông Trần Thế Dân nói với The Epoch Times: “Với Nhật Bản và Nam Hàn, họ sẽ tiếp tục ưu tiên và tập trung vào việc tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, và tôi tin rằng quỹ đạo này vẫn không thay đổi.”
Trong hội nghị thượng đỉnh song phương Nhật Bản–Trung Quốc hôm 26/05, ông Kishida nhắc lại lời kêu gọi trả tự do cho các công dân Nhật Bản bị giam giữ ở Trung Quốc và dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảng hải sản Nhật Bản mà Trung Cộng áp đặt hồi tháng 08/2023.
Ông Kishida cũng nêu ra “những lo ngại nghiêm trọng” về tình hình ở Hồng Kông, Tân Cương, và Biển Đông, theo thông báo do văn phòng ông Kishida đưa ra. Về Đài Loan, ông Kishida nói với ông Lý rằng Nhật Bản đang “theo dõi sát sao những diễn biến liên quan, bao gồm cả các hoạt động quân sự.”