Trung Quốc tìm kiếm lợi thế khi Hoa Kỳ rời Afghanistan
Bắc Kinh đang tận dụng tối đa lợi thế của việc các lực lượng Hoa Kỳ và NATO rời Afghanistan.
Hồi đầu tháng 07/2021, Tổng thống Biden đã thông báo rằng các lực lượng Hoa Kỳ sẽ rời Afghanistan trước ngày 31/08, hạn chót lùi lại tới ngày 11/09.
Trong khi đó, Taliban đang nhanh chóng gia tăng các bước tiến của mình ở Afghanistan khi việc rút quân của Hoa Kỳ đang đến gần.
Tham vụ Báo chí Ngũ Giác Đài John Kirby thông báo hôm 09/08 rằng lực lượng Hoa Kỳ tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại với Pakistan, nhấn mạnh vai trò của Pakistan như một nhà hòa giải quan trọng khi xung đột tiếp tục sau khi Hoa Kỳ–NATO rời đi. Ông Kirby cho biết chính phủ Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng an ninh ngày càng gia tăng từ cuộc tấn công táo bạo của Taliban, lưu ý rằng tình hình an ninh tại nước này đang xấu đi.
Dự đoán về sự thay đổi quyền lực trong khu vực, gần đây Trung Cộng đã tiếp đón một phái đoàn của Taliban tại thành phố Thiên Tân. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc đã gặp thủ lĩnh cao cấp của Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar và tám đại diện khác của Taliban hôm 28/07, báo hiệu sự công nhận của Bắc Kinh về nhóm này như là một lực lượng chính trị hợp pháp.
Cuộc họp Bắc Kinh–Taliban
Trong cuộc họp, ông Vương tìm kiếm sự bảo đảm rằng Taliban sẽ không chứa chấp những kẻ cực đoan Hồi giáo có thể tiến hành các cuộc tấn công ở khu vực viễn tây Tân Cương của Trung Quốc, theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Bắc Kinh. Ông Baradar đồng ý, nói rằng Taliban “không bao giờ cho phép bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để thực hiện các hành vi gây bất lợi cho Trung Quốc,” tuyên bố này cho biết.
Trung Quốc có chung đường biên giới dài 47 dặm với Afghanistan và từ lâu đã lo ngại về một cuộc nổi dậy Hồi giáo có thể xảy ra ở Tân Cương, khu vực có 13 triệu người Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi Bắc Kinh công khai thúc đẩy Taliban theo đuổi một thỏa thuận hòa bình với chính phủ trung ương do Hoa Kỳ hậu thuẫn, các chuyên gia tin rằng nhà cầm quyền này đang chuẩn bị cho một Afghanistan do Taliban lãnh đạo để thúc đẩy các kế hoạch phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Trung Á.
Ông Srdja Trifkovic, một chuyên gia về chủ nghĩa thánh chiến và thành viên quan hệ ngoại giao của viện Charlemagne, cho biết: “Việc Taliban sẽ trở lại nắm quyền lực ngày càng trở nên rõ ràng – hoặc ít nhất là tổ chức này sẽ được tái lập thành lực lượng chính trị thống trị ở Afghanistan – rất sớm sau khi Hoa Kỳ rút quân hoàn toàn.”
Ông nói với The Epoch Times, “Vì vậy, đây là lý do tại sao Trung Quốc có thể tìm cách thiết lập một số liên hệ với Taliban, đặc biệt là xét về các lợi ích địa chính trị của Bắc Kinh trong khu vực, trước hết và quan trọng nhất là cảng Baluchi của Gwadar, đặc điểm chủ chốt của Hành lang Kinh tế Trung Quốc–Pakistan và hoàn toàn cần thiết cho sáng kiến B&R [Vành đai và Con đường].”
Lợi ích kinh tế
Hành lang Kinh tế Trung Quốc Pakistan (CPEC) là một dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn do Trung Quốc hậu thuẫn cho Pakistan nằm dưới sự bảo trợ của nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu nhằm biến nền kinh tế Trung Quốc thành một siêu cường.
Cảng Gwadar ở tây nam Pakistan được giới truyền thông Bắc Kinh gọi là “siêu liên kết” với CPEC vì vị trí địa lý của nó. Dự án CPEC ở Gwadar chịu sự kiểm soát của Cơ quan CPEC và Trung tâm CPEC Siêu việt, các nhà tổ chức đã nhằm mục đích đưa dự án trở lại hoạt động sau một thời gian đình trệ. Dự án cuối cùng sẽ xây dựng một con đường từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc đến bờ biển của Pakistan.
Ông Trifkovic cho biết: “Cố gắng để có một Afghanistan do Taliban thống trị có lợi cho dự án này [CPEC] và các dự án khác là điều cần thận trọng và có thể đạt được theo quan điểm của Trung Quốc.”
Khi quân đội Hoa Kỳ và NATO rời khỏi đất nước, các chuyên gia khu vực cảnh báo về hậu quả của việc để lại một Afghanistan bạo động, bất ổn cho lực lượng chính trị của Taliban.
“Khoảng trống mà Hoa Kỳ để lại đang được lấp đầy bởi Trung Quốc. Các cuộc đối thoại trực tiếp của Taliban với Bắc Kinh báo hiệu rằng Trung Quốc đang thực hiện nhiệm vụ môi giới hòa bình ở Afghanistan bị chiến tranh tàn phá,” ông Azeem Qureshi, giảng viên về quan hệ Trung Đông–Trung Quốc với COMSATS và các trường Đại học Quaid-i-Azam tại Islamabad cho biết.
Ông Qureshi nói: “Nếu Bắc Kinh vun đắp thành công mối bang giao tốt đẹp với Taliban, nhận được sự tin tưởng của chính phủ Afghanistan, và đạt được một thỏa thuận hòa bình, thì Bắc Kinh sẽ là người chiến thắng lớn nhất.”
Nhưng Bắc Kinh phụ thuộc vào Pakistan, nước mà họ đã có các liên kết chặt chẽ, để đạt được điều này.
Ông Muhammad Shoaib, phó giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại học Quốc phòng tại Islamabad, cho biết: “Người Trung Quốc không thực sự hiểu Afghanistan cho lắm, điều gì đó khiến họ hướng về Pakistan.”
Đối với cả Islamabad và Bắc Kinh, hòa bình và ổn định ở Afghanistan là mục tiêu chính.
“Các công ty Trung Quốc đầu tư mạnh vào Pakistan, Afghanistan, và Iran biết về tiềm năng kinh doanh to lớn trong khu vực, và hòa bình là mong muốn cuối cùng của họ vì nó tương đương với những khoản lợi nhuận kếch xù. Trung Quốc có thể có một con đường dễ dàng hơn tới CAR qua Afghanistan và CPEC của Pakistan,” ông Qureshi nói, đề cập đến khối các nước Cộng Hòa Trung Á.
Tuy nhiên, bợ đỡ Taliban không phải là một chiến lược an toàn cho cả Bắc Kinh hay Pakistan. Pakistan đã gặp khó khăn trong các nỗ lực ngoại giao gần đây với Taliban, một nhân tố khó lường trong chính trị khu vực.
Các chuyên gia Hoa Kỳ cảnh báo rằng Taliban, trong khi đã hứa rằng họ đã thay đổi về cơ bản, là không đáng tin cậy. Các thỏa thuận cải cách trước đây với giới lãnh đạo Taliban đã thất bại. Hành vi không đáng tin cậy hoặc không ổn định của Taliban cùng với sự hiện diện của các lực lượng dân quân tranh chấp trong khu vực khiến tiến trình hòa bình tiếp tục trên một nền tảng lung lay.
Trong khi đó, chính phủ tổng thống Biden cảnh báo sẽ cô lập Taliban nếu nhóm phiến quân này chiếm Afghanistan bằng vũ lực.
Người Duy Ngô Nhĩ
Một ưu tiên hàng đầu khác của Bắc Kinh ở khu vực Trung Á là sử dụng ảnh hưởng của mình để hồi hương những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, một nhóm dân tộc nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, trở về Tân Cương.
Tại khu vực Tân Cương, Trung Cộng đang giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong các trại giam, nơi họ bị tra tấn, cưỡng bức lao động và nhồi nhét chính trị. Bên ngoài các trại giam này, cư dân Hồi giáo của khu vực phải đối mặt với sự giám sát tràn lan thông qua mạng lưới các trạm kiểm soát, camera quan sát được tăng cường bởi công nghệ AI và thu thập sinh trắc học. Cuộc đàn áp này đã bị chính phủ Hoa Kỳ và các cơ quan lập pháp phương Tây khác xem là tội diệt chủng.
Nhưng Trung Cộng không chỉ tập trung đàn áp ở Tân Cương. Bất cứ nơi nào ở Trung Á, mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ từ Tân Cương là tiêu diệt họ, mang họ trở về và hủy hoại họ, theo ông Ethan Gutmann, Thành viên của Nghiên cứu Trung Quốc của Tổ chức Nạn nhân Cộng sản.
“Các quốc gia ở Trung Á này đang chịu áp lực cực lớn từ Trung Quốc trong việc từ bỏ người Duy Ngô Nhĩ của họ. Đây không phải là một chính sách hợp lý,” ông Gutmann nói, đồng thời lưu ý rằng áp lực dập tắt nền văn hóa và chủng tộc của người Duy Ngô Nhĩ không thực sự ảnh hưởng đến Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Chiến dịch gây áp lực tối đa lên các quốc gia Trung Á này nhằm trục xuất hoặc trao trả người Duy Ngô Nhĩ đã lan đến tận Istanbul, nơi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan bị cáo buộc đồng ý trục xuất người Duy Ngô Nhĩ để đổi lấy vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất.
“Đó là một thỏa thuận thực sự,” ông Gutmann cho hay. “Nếu không nhờ sự phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ và sự phản đối của Tổng thống Erdogan, thì điều đó đã xảy ra.”
Ông Abduweli Ayup, một chuyên gia ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ từng bị Trung Cộng giam giữ vào năm 2013, nói rằng nhiều người Duy Ngô Nhĩ trốn sang các quốc gia Trung Á gần đó vì họ tin rằng họ sẽ được an toàn giữa những người Hồi giáo khác.
Trong khi bị giam giữ, ông Ayup đã gặp một số người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa trở về từ các nước như Kazakhstan và Pakistan.
“Chúng tôi đã chứng kiến Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất một số người Duy Ngô Nhĩ đầu tiên đến Tajikistan và sau đó đến Trung Quốc. Một số người Duy Ngô Nhĩ mà tôi biết đã bị trục xuất đến Uzbekistan trước tiên, và sau đó đến Trung Quốc. Các quốc gia đó đã và đang hợp tác một cách trực tiếp và gián tiếp với Trung Quốc trong việc trục xuất người Duy Ngô Nhĩ,” ông Ayup nói và lưu ý rằng những người bị trục xuất này đã bị kết án tử hình kể từ năm 1997.
Theo quan điểm của ông Ayup, sự hợp tác này là đáng hổ thẹn theo bất kỳ tiêu chuẩn văn hóa nào, vì theo truyền thống Hồi giáo, việc phản bội những người Hồi giáo khác đi ngược lại niềm tin của họ, trong khi việc trục xuất người tị nạn đi ngược lại luật pháp quốc tế.
“Họ đang phạm tội diệt chủng ở đó,” ông Ayup nói, đề cập đến chiến dịch của Trung Cộng ở Tân Cương.
Ông Gutmann lưu ý rằng cuộc đối thoại của Taliban với Bắc Kinh chủ yếu là về việc nhận được sự hậu thuẫn từ một đồng minh giàu có, quyền lực, khi Hoa Kỳ rời khỏi khu vực.
Nếu Taliban, trong một nỗ lực nhằm gây thiện cảm với Bắc Kinh, gây áp lực buộc phải đưa người Duy Ngô Nhĩ trở lại Trung Quốc, thì có thể sẽ khiến các quốc gia dân chủ phương Tây phẫn nộ. Nhưng ông Gutmann lưu ý rằng không có nhiều người Duy Ngô Nhĩ sống ở Afghanistan hoặc Pakistan, bởi vì người Duy Ngô Nhĩ có xu hướng tập trung đến các khu vực có đông người dân tộc Turk hoặc Istanbul để bắt đầu một cuộc sống mới thoát khỏi sự đàn áp của Trung Cộng.
Bà Rachel Brooks là một ký giả tự do về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi làm việc tại The Epoch Times, bà đã đưa tin về các chủ đề liên quan đến cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ–Trung Quốc của chính phủ cựu Tổng thống Trump cho nhiều hãng thông tấn khác nhau.