Trung Quốc tổ chức cuộc họp chưa từng thấy khi chính sách ‘Zero-COVID’ đè bẹp nền kinh tế
EVA FU
Hôm 25/05, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chủ trì một cuộc họp với hơn 100,000 quan chức. Ông đưa ra cảnh báo sắc lạnh về “những thách thức nghiệt ngã” phía trước nền kinh tế đất nước vốn đã bị vùi dập bởi các chính sách COVID-19 của chế độ cộng sản này.
Trong cuộc họp trực tuyến với các đại diện của chính quyền cấp tỉnh, thành phố, và quận huyện, ông Lý cảnh báo về “xu hướng giảm rõ ràng” trong việc làm, sản xuất, điện năng, và vận chuyển hàng hóa.
Theo một bản tóm tắt từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông đã nói với những người tham dự rằng, “Những khó khăn này, ở một số khía cạnh và ở một mức độ nhất định, thậm chí còn lớn hơn năm 2020 khi đại dịch tấn công mạnh mẽ.”
Quy mô của hội nghị chưa từng thấy trong nhiều năm này – cũng như giọng điệu mà ông Lý nhấn mạnh trong các nhận xét – đều thể hiện sự lo lắng gia tăng; vị thủ tướng Trung Quốc lên tiếng nhiều hơn về viễn cảnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bài diễn văn của ông được đăng trực tuyến cho thấy ông đang kêu gọi các quan chức “cố gắng bảo đảm” nền kinh tế Trung Quốc sẽ không rơi vào suy thoái trong quý 02/2022.
Ông nói: “Mục tiêu không cao, và còn khá xa so với mục tiêu tăng trưởng 5.5% mà chúng ta đã đưa ra hồi đầu năm, nhưng đây là điều chúng ta phải làm khi đánh giá từ thực tế.”
Các ngân hàng đầu tư như UBS, Goldman Sachs, Bank of America, và JP Morgan gần đây đã cắt giảm dự báo GDP Trung Quốc do những ảnh hưởng nặng nề của các chính sách “zero-COVID” của chính quyền này.
Các yếu tố “không ngờ đến” kể từ hồi tháng Ba, chẳng hạn như bùng phát COVID-19 và chiến tranh Ukraine đã kéo nền kinh tế đi xuống, ông Lý nói, và cho biết thêm rằng sẽ cần “sự nỗ lực đáng kể” để đảo ngược quỹ đạo hiện tại của nền kinh tế. Ông nói, thu nhập của chính phủ trong tháng Tư, sau khi tính đến các khoản hoàn thuế, đã giảm 5.9%, trong khi thu nhập của một số chính quyền địa phương ở khu vực duyên hải phía đông Trung Quốc giảm tới 32%. Ông tiết lộ rằng một vài tỉnh đã yêu cầu vay tiền từ Quốc vụ viện Trung Quốc.
Ông tuyên bố: “Chúng ta có cuộc họp hôm nay bởi vì không còn thời gian để lãng phí.”
Ông Lý đưa ra bài diễn văn này hai ngày sau khi chủ trì một cuộc họp nội các, trong đó công bố 33 biện pháp để giảm bớt áp lực kinh tế, bao gồm đẩy mạnh hoàn thuế, cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ, và gia hạn hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp.
Hôm 25/05, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng bắt đầu một cuộc họp “khẩn cấp”. Sau đó, ngân hàng này đã gửi đi một thông báo thúc giục các ngân hàng trong nước ưu tiên việc cho vay, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Các đợt phong tỏa mạnh tay để kiềm chế COVID-19 của Bắc Kinh đã ngăn cản hoạt động sản xuất ở các trung tâm công nghiệp và thương mại lớn. Thượng Hải, sau hơn hai tháng áp dụng các quy định hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19, như quây rào quanh nhà người dân, đã chứng kiến sản lượng công nghiệp của thành phố này trong tháng Tư giảm 61.5% so với một năm trước đó. Trong khi đó, sản lượng của các nhà máy trên toàn quốc đã hạ xuống mức tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch xảy ra hơn hai năm trước.
Theo ước tính của ngân hàng Nhật Bản Nomura, tính đến ngày 23/05, ít nhất 26 thành phố của Trung Quốc vẫn duy trì một hình thức phong tỏa nào đó, gây ảnh hưởng đến hơn 200 triệu người Trung Quốc và hơn 1/5 sản lượng kinh tế của nước này.
“Các nhà máy không thể vận hành, những người bình thường không thể sống cuộc sống của họ, và hệ thống giao thông vận tải không thể hoạt động; chiến dịch ‘zero COVID năng động’ này gần như là sự tự sát về kinh tế,” ông Gu Guoping, một giáo sư đã nghỉ hưu của Đại học Khoa học Kỹ thuật Thượng Hải, nói với The Epoch Times, khi nhắc đến tên chính thức của chiến lược không khoan nhượng của chế độ này.
Mặc dù hội nghị này có quy mô “chưa từng thấy”, nhưng ông Gu tin rằng nó sẽ không đạt được kết quả mà ông Lý kỳ vọng.
Ông nói: “Thủ trưởng của ông ấy đã trói buộc ông ấy,” ông nói khi nhắc đến lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người được xem là đã chỉ đạo các chính sách COVID-19 của chế độ này.
Ông Lý, trong phần lớn thập niên vừa qua, từ lâu đã tránh thu hút sự chú ý vào bản thân. Nhưng những nhận xét của ông trong những tháng gần đây có vẻ mang theo cảm nghĩ khác với ông Tập.
Bất chấp đợt bùng phát vẫn đang tiếp diễn ở Bắc Kinh, ông Lý không đeo khẩu trang trong phòng họp có hàng chục người. Ông cũng không đề cập đến chính sách zero COVID của chế độ mà ông Tập tán dương.
Theo ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, thì việc ông Tập cho phép ông Lý triệu tập cuộc họp vào hôm 25/05 là dấu hiệu cho thấy vấn đề kinh tế của Trung Quốc nghiêm trọng như thế nào.
Nhưng ông Lý hiện giờ đang lâm vào tình thế bấp bênh, ông cho hay.
“Nếu ông Lý Khắc Cường quả thực thành công, thì công lao sẽ vẫn thuộc về ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo tối cao,” ông nói với The Epoch Times. Nhưng nếu ông Lý “không thể cứu vãn nền kinh tế Trung Quốc”, thì ông ấy sẽ phải “gánh phần trách nhiệm”.