Trung Quốc trừng phạt hai nhà cung cấp vũ khí Mỹ vì giao thương với Đài Loan
Trung Quốc đang áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên hai nhà thầu quân sự của Hoa Kỳ, Raytheon và Lockheed Martin, vì cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Đây là đòn trả đũa mới nhất của chính quyền Bắc Kinh đối với sự ủng hộ của Hoa Thịnh Đốn dành cho hòn đảo tự trị này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã thông báo về hành động này trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 21/02, viện dẫn Luật Trừng phạt Ngoại quốc của nước này. Ông mô tả Raytheon Technologies và Lockheed Martin, hai trong số các nhà sản xuất quốc phòng lớn nhất của Hoa Kỳ, là “các doanh nghiệp công nghiệp quân sự từ lâu đã tham gia vào hoạt động bán vũ khí Hoa Kỳ cho khu vực Đài Loan của Trung Quốc.”
Ông không đưa thêm bất kỳ chi tiết nào về các biện pháp trừng phạt này.
Hành động trên diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi Hoa Kỳ thông qua một thỏa thuận quân sự trị giá 100 triệu USD để tăng cường hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Đài Loan. Raytheon và Lockheed được chỉ định là hai nhà thầu chính trong thương vụ mua bán trên.
Lockheed nói với The Epoch Times khi được hỏi về các biện pháp trừng phạt: “Các thương vụ bán vũ khí quân sự cho ngoại quốc là giao dịch giữa các chính phủ với nhau, và chúng tôi hợp tác chặt chẽ với chính phủ Hoa Kỳ về bất kỳ hoạt động bán khí tài quân sự nào cho khách hàng quốc tế.”
Bắc Kinh khăng khăng tuyên bố Đài Loan tự trị là một phần trong lãnh thổ của họ và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này về quyền kiểm soát của mình. Mặc dù Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng Hoa Kỳ là đồng minh lớn nhất của hòn đảo và bị luật pháp ràng buộc việc bảo đảm Đài Bắc có đủ phương tiện tự vệ.
Trong hai năm qua, phi cơ quân sự Trung Quốc đã thường xuyên xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, với tổng số lần bay là 961 chuyến chỉ tính riêng trong năm 2021.
Tháng 01/2022, Bắc Kinh đã cử 39 phi cơ vào khu vực này. Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của nhà nước Trung Quốc sau đó đã tuyên bố rằng những cuộc xâm nhập như vậy sẽ chỉ tăng lên, đồng thời cảnh báo rằng chiến đấu cơ của Trung Quốc “sớm muộn gì cũng sẽ bay trên” bầu trời Đài Loan.
Trên vũ đài quốc tế, chính quyền này đã tìm cách cô lập Đài Loan bằng cách thúc ép vài quốc gia còn chính thức công nhận hòn đảo này rút lại [công nhận] của họ để ủng hộ Bắc Kinh. Họ cũng đã gây áp lực buộc các cơ quan quốc tế loại Đài Loan ra khỏi tư cách thành viên và không để nước này tham gia.
Trong Thế Vận Hội Mùa Đông, kết thúc ngày 20/02/2022, một phát ngôn viên của Thế Vận Hội Bắc Kinh đã lặp lại tuyên bố “Đài Loan là một phần không thể xâm phạm của Trung Quốc,” khiến Ủy ban Olympic Quốc tế đưa ra lời phản bác hiếm hoi về tính chất chính trị của những bình luận kiểu này.
Mặc dù hai công ty Hoa Kỳ này từng bị Bắc Kinh trừng phạt trong quá khứ, nhưng các biện pháp hôm 21/02 đánh dấu lần đầu tiên họ bị áp đặt những hạn chế theo Luật Trừng Phạt Ngoại Quốc mà Trung Quốc ban hành từ tháng 06/2021. Luật này – được đưa ra để trả đũa việc các công ty Trung Quốc bị các chính phủ phương Tây hạn chế ngày càng nhiều, do lo ngại về an ninh và nhân quyền – đã trao cho Bắc Kinh quyền hạn sâu rộng đối với các công ty ngoại quốc kinh doanh tại Trung Quốc, bao gồm việc từ chối cấp thị thực, trục xuất, hoặc hạn chế đi lại đối với các tổ chức bị ảnh hưởng, và thu giữ tài sản của họ.
Bắc Kinh đã đe dọa trừng phạt tương tự một vài lần kể từ năm 2010 sau khi Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.
Trong những lần gần đây nhất, Raytheon và Lockheed, cùng với Boeing, đã bị Trung Quốc trừng phạt hồi tháng 10/2020 sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gật đầu chấp thuận thương vụ bán vũ khí trị giá 1.8 tỷ USD. Lockheed là mục tiêu của một lệnh trừng phạt không rõ ràng trước đó của Trung Quốc hồi tháng Bảy cùng năm – sau khi Hoa Kỳ chấp thuận một yêu cầu khác để nâng cấp hệ thống hỏa tiễn của Đài Loan, trong đó Lockheed là nhà thầu chính.
Phát ngôn viên của Raytheon và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times tại thời điểm phát hành bài báo này.