Trung Quốc từ chối cung cấp dữ liệu thô về các ca nhiễm COVID ban đầu
Một thành viên của nhóm các chuyên gia điều tra về nguồn gốc đại dịch do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu cho hay Trung Quốc đã từ chối cung cấp dữ liệu thô về các trường hợp nhiễm COVID-19 ban đầu cho nhóm. Điều này có khả năng làm phức tạp thêm các nỗ lực tìm hiểu cách thức dịch bệnh khởi phát.
Theo ông Dominic Dwyer, một thành viên đồng thời là chuyên gia người Úc về bệnh truyền nhiễm, nhóm điều tra đã yêu cầu dữ liệu thô về bệnh nhân của 174 ca nhiễm mà Trung Quốc đã xác định được từ giai đoạn đầu của sự bùng phát ở thành phố Vũ Hán vào tháng 12/2019, cũng như các ca nhiễm khác, nhưng chỉ được cung cấp một bản tóm tắt.
Ông Dwyer cho biết dữ liệu thô như vậy thường được ẩn danh, nhưng có các chi tiết như những câu hỏi cho từng bệnh nhân, câu trả lời của họ, và cách phân tích câu trả lời.
Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Reuters hôm 13/01/2021 qua cuộc gọi video từ Sydney, nơi ông hiện đang bị cách ly, ông Dwyer cho hay “đó là thông lệ tiêu chuẩn để điều tra sự bùng phát dịch bệnh.”
Ông Dwyer nói, việc tiếp cận dữ liệu thô là đặc biệt quan trọng vì chỉ có một nửa trong số 174 trường hợp là có tiếp xúc liên quan đến chợ Hoa Nam, một chợ đầu mối hải sản hiện đã đóng cửa ở Vũ Hán, nơi virus được phát hiện ban đầu.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn kiên trì yêu cầu điều đó. Tại sao lại không thể cung cấp được, tôi không thể bình luận. Cho dù đó là động cơ chính trị, hay vấn đề thời gian hay gặp khó khăn… Nhưng liệu có lý do nào khác khiến dữ liệu không có sẵn hay không, tôi không biết. Người ta chỉ có thể suy đoán mà thôi,” ông Dwyer cho biết.
Theo ông Dwyer, trong khi các nhà chức trách Trung Cộng cung cấp rất nhiều tài liệu, thì vấn đề tiếp cận dữ liệu thô về bệnh nhân sẽ được đề cập trong báo cáo cuối cùng của nhóm. Ông nói: “Các nhân viên của WHO chắc chắn cảm thấy họ đã nhận được nhiều dữ liệu hơn so với bất kỳ thời điểm nào khác trong năm qua. Vì vậy, điều đó tự nó đã là một thành tựu.”
Hôm 12/02, WHO tuyên bố rằng một bản tóm tắt về các phát hiện của nhóm có thể được công bố sớm nhất là vào tuần từ ngày 15/01 đến 21/01/2021.
Cuộc điều tra đã gặp phiền phức do chậm trễ, lo ngại về khả năng tiếp cận thông tin và tranh cãi giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn, vốn cáo buộc Trung Cộng che giấu quy mô của đợt bùng phát ban đầu.
Nhóm điều tra đến Trung Quốc từ tháng 01/2021, và cho đến nay đã dành bốn tuần để tìm hiểu về nguồn gốc của sự bùng phát. Tuy nhiên, việc điều tra chỉ giới hạn trong các chuyến thăm do nước chủ nhà Trung Quốc tổ chức, và các thành viên không được tiếp xúc với các cư dân trong cộng đồng, do những hạn chế y tế. Nhóm phải cách ly trong hai tuần đầu tiên ở khách sạn.
Việc Trung Quốc từ chối trao dữ liệu thô về các trường hợp COVID-19 ban đầu đã được Wall Street Journal và New York Times đưa tin trước đó vào ngày 12/02.
WHO đã không hồi đáp yêu cầu bình luận từ Reuters. Bộ Ngoại giao Trung Cộng không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận, nhưng trước đó Bắc Kinh đã biện minh cho sự minh bạch của mình trong việc giải quyết sự bùng phát dịch bệnh và hợp tác với phái đoàn của WHO.
Trong một tuyên bố hôm 13/02, Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan đã kêu gọi Trung Cộng cung cấp dữ liệu của họ từ giai đoạn sớm nhất của đợt bùng phát dịch bệnh.
Ông Sullivan nói: “Chúng tôi lo ngại sâu sắc về cách thức truyền đạt những phát hiện ban đầu của cuộc điều tra COVID-19 này, và các câu hỏi về quy trình để tiếp cận. Điều thiết yếu là báo cáo này phải độc lập, và những phát hiện của chuyên gia không bị can thiệp hoặc bị Trung Cộng thay đổi.”
Hài hòa, nhưng có tranh luận
Ông Dwyer cho biết không khí làm việc trong nhóm WHO là khá hài hòa nhưng đôi khi có “tranh luận” với các đối tác Trung Quốc về cách giải thích và tầm quan trọng của dữ liệu, điều mà ông mô tả là “hiển nhiên” trong các cuộc điều tra như vậy.
“Chúng tôi có thể đề cập về chuỗi cung ứng lạnh và họ có thể biết nhiều hơn so với những gì dữ liệu thể hiện, điều này cũng là bình thường. Tôi không biết liệu có áp lực chính trị về việc có những ý kiến khác nhau hay không. Có thể có, nhưng cũng khó biết,” ông Dwyer nói.
Chuỗi cung ứng lạnh là thuật ngữ của lĩnh vực vận chuyển và buôn bán thực phẩm đông lạnh.
Tuy nhiên, ông Peter Daszak, một nhà động vật học và là một thành viên khác của phái đoàn WHO, đã tweet hôm 13/02 rằng ông đã có một trải nghiệm khác với tư cách là người dẫn đầu nhóm làm việc về động vật và môi trường của phái đoàn.
Đáp lại bài báo của tờ New York Times, ông Daszak nói, “Tôi thấy tin tưởng và có sự cởi mở ở các đối tác Trung Quốc. Chúng tôi ĐÃ THỰC SỰ có quyền tiếp cận dữ liệu mới quan trọng, từ đầu đến cuối. Chúng tôi ĐÃ nâng cao hiểu biết của mình về các con đường lan truyền có thể xảy ra.”
Tuy nhiên, ông Daszak đã không lập tức hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuters.
Bắc Kinh đã tìm cách gây nghi hoặc về quan điểm cho rằng virus corona có nguồn gốc từ Trung Quốc khi chỉ ra rằng thực phẩm đông lạnh nhập cảng là một nguồn lây nhiễm.
Hôm 09/02, ông Peter Ben Embarek, người dẫn đầu phái đoàn của WHO, đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng khả năng virus lây truyền qua thực phẩm đông lạnh là có thể xảy ra, nhưng cũng chỉ ra rằng các tiểu thương ở chợ bán các sản phẩm động vật đông lạnh bao gồm động vật hoang dã được chăn nuôi, là một con đường tiềm tàng cho sự lây nhiễm, và cần được nghiên cứu thêm.