Trung Quốc và Nga hưởng lợi từ chính sách trợ giúp doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ
MARK TAPSCOTT
Các doanh nghiệp nhỏ tìm cách tăng doanh số bán hàng ở hải ngoại đáng lẽ phải là những đối tượng thụ hưởng chính được Ngân hàng Xuất nhập cảng Hoa Kỳ (Ex-Im) bảo lãnh cho vay, nhưng một phân tích mới của một cơ quan giám sát bất vụ lợi của chính phủ cho thấy hầu hết các khoản tiền sẽ chuyển đến các đại công ty và các chế độ tham nhũng ngoại quốc.
Theo báo cáo của Open The Books (OTB), một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Chicago giám sát chi tiêu của chính phủ, “Các doanh nghiệp nhỏ, đối tượng thụ hưởng mục tiêu của Ngân hàng Xuất nhập cảng (Export-Import Bank), chỉ nhận được 54.8 tỷ trong hơn 234 tỷ USD tổng số hỗ trợ kể từ năm 2007 – tương đương khoảng 23%” trong tổng số tiền tài trợ của ngân hàng.
Bằng cách nộp hơn 40,000 yêu cầu theo Đạo luật Tự do Thông tin liên bang và đăng sổ chi phiếu của 49 chính quyền tiểu bang, OTB đã đưa lên internet hơn 6 ngàn tỷ USD chi tiêu công. Mục tiêu của tổ chức bất vụ lợi này là “đăng từng xu theo thời gian thực”.
Cho đến nay, doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất từ việc cho vay của Ex-Im là Boeing, nhà sản xuất phi cơ lớn nhất của Hoa Kỳ và là một trong những nhà thiết kế và chế tạo phi cơ thương mại thành công nhất thế giới.
Mặc dù hiện tại có trụ sở tại Chicago, công ty này đang có kế hoạch chuyển đến Arlington, Virginia, trong tương lai gần.
Báo cáo của OTB cho biết: “Ngân hàng Xuất nhập cảng này đã được các nhà phê bình đặt biệt danh là ‘Ngân hàng Boeing’, và rất dễ hiểu vì sao. Từ năm 2007 đến 2021, đại công ty sản xuất phi cơ này đã nhận được 33% tất cả các khoản trợ giúp của Ngân hàng Xuất nhập cảng, với tổng trị giá hơn 66.4 tỷ USD, trong khi công ty lớn thứ hai chỉ nhận được hơn 5 tỷ. Khoản đó nhiều hơn khoản tài trợ mà tất cả các doanh nghiệp nhỏ nhận được cộng lại.”
“Boeing Satellite Systems International, một công ty con của Boeing, đã kêu gọi thêm được 1.4 tỷ USD tài trợ. Các hãng hàng không quốc tế lớn như Ryanair, Emirates Airlines và Air Canada đều đã nhận được hỗ trợ trong việc mua từ Boeing. Boeing sử dụng một đội quân nhỏ gồm 18 nhà vận động hành lang để ủng hộ cho Ngân hàng Xuất nhập cảng này.”
Doanh nghiệp hưởng lợi lớn thứ hai từ khoản hỗ trợ này là Tập đoàn Bechtel của Reston có trụ sở tại Virginia, xếp sau Boeing mặc dù chỉ nhận được hỗ trợ cho bảy hợp đồng kể từ năm 2007.
“Công ty kỹ thuật và xây dựng này chỉ nhận được hơn 5 tỷ USD từ ngân hàng cho lĩnh vực kỹ thuật dầu khí ở các nước giàu có như Vương quốc Anh, Úc và Ấn Độ, cũng như với các chính phủ như Serbia và Kenya,” theo báo cáo của OTB.
Công ty General Electric và các công ty con, thông qua xuất cảng động cơ và máy móc công nghiệp trong hơn 265 giao dịch, đã giành được vị trí thứ ba trong danh sách các doanh nghiệp đứng đầu. Báo cáo cho biết GEC đã nhận được 4.7 tỷ USD hỗ trợ chỉ riêng giữa General Electric International Operations Co. và General Electric Energy Parts.
“Nhiệm vụ của Ex-Im là ‘lấp đầy khoảng trống’ để cung cấp tính thanh khoản – tạo điều kiện thuận lợi cho vòng quay thương mại,” báo cáo nêu rõ về các hoạt động tài trợ ở hải ngoại của ngân hàng này. “[Tổng cộng] 147 quốc gia đã nhận được một số viện trợ kể từ năm 2007.
“Trong khi Hoa Kỳ đã gửi hàng tỷ viện trợ đến một số quốc gia tham nhũng và các chế độ đàn áp nhất trên thế giới, điều đáng lo ngại không kém là số tiền đó đã đến các quốc gia giàu có không cần đến sự viện trợ của chúng ta.”
Quốc gia thụ hưởng lớn nhất trong số các quốc gia từ các khoản vay Ex-Im do người đóng thuế Hoa Kỳ chi trả là Nigeria, quốc gia được cai trị bởi một chế độ thuộc vào loại tham nhũng nhất thế giới.
“Được Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng thứ 149 trên thế giới theo thang điểm từ ít tham nhũng nhất đến nhiều tham nhũng nhất vào năm 2020, các nhà nhập cảng ở Nigeria đã nhận được hơn 570 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập cảng này,” báo cáo của OTB cho biết. “Sẽ là một phép màu nếu bất kỳ đồng dollar nào trong số đó thực sự đến tay người dự định được nhận của họ.”
Trung Quốc, với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là nước hưởng lợi lớn từ các nguồn của Ex-Im.
“Đứng thứ hai chỉ sau Hoa Kỳ về GDP [tổng sản phẩm quốc nội], các doanh nghiệp ở Trung Quốc vẫn nhận được hơn 6.4 tỷ USD hỗ trợ từ Ngân hàng Xuất nhập cảng Hoa Kỳ. Ngay cả trong cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống (TT) Donald Trump với Trung Quốc, 128,062,638.20 USD đã chảy vào Trung Quốc từ năm 2017 đến năm 2020,” theo báo cáo quan sát.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng là những nước hưởng lợi lớn từ nguồn tài trợ của Ex-Im.
“Ít nhất một phần trong số hơn 1.9 tỷ USD đến Nga có thể đã vào túi các nhà tài phiệt của [TT Nga Vladimir] Putin, những người kiểm soát hầu hết nền thương mại của quốc gia đó.
“Sberbank, tổ chức tài chính lớn nhất của Nga, gần đây đã bị Hoa Kỳ trừng phạt vì cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhưng họ đã được Ngân hàng Xuất nhập cảng chấp thuận hỗ trợ 29,103,807 USD,” báo cáo của OTB cho biết.
“Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã cảnh báo vào năm 2021 rằng TT Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ‘dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ nhân quyền và các quy tắc dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ với quy mô chưa từng có trong 18 năm ông ấy tại chức.’ Tuy nhiên, Ngân hàng Xuất nhập cảng đã gửi hơn 6.2 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2007.”
Ngân hàng Ex-Im hiện có 396 nhân viên, với 321 người trong đó, tương đương 81%, được trả hơn 100,000 USD mỗi năm. Nhân viên được trả lương cao nhất là 199,300 USD.
Ngân hàng này đã là nguồn gốc của cuộc tranh cãi trong gần một thập niên, với việc các thành viên bảo tồn truyền thống của Đảng Cộng Hòa yêu cầu xóa bỏ nó như một ví dụ tham nhũng của chủ nghĩa tư bản thân hữu, và các thành viên Đảng Dân Chủ bảo vệ nó như một công cụ thiết yếu trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.
Nguyễn Lê biên dịch