Truyện cổ Trung Hoa Điển cố về Hòa thượng Tế Công – Thiện ác xuất từ một niệm
Epoch Newsroom
Tế Công, pháp danh Đạo Tế, là một vị hòa thượng nổi tiếng vào Triều Nam Tống (1127–1279). Có rất nhiều giai thoại về việc hòa thượng Tế Công cứu nhân độ thế bằng những thần thông siêu thường của ông. Do vậy, rất nhiều câu chuyện về việc hòa thượng Tế Công giúp đỡ người nghèo và trừng phạt những kẻ hành ác vẫn còn được lưu truyền trong văn hóa dân gian ngày nay.
Vào một ngày nọ, trên đường đi khất thực hóa duyên như thường lệ, Tế Công bỗng nhìn thấy một người bán thịt chó đang đi ngoài ở trong nhà xí. Hai thúng thịt và cây đòn gánh thì đang nằm bên vệ đường. Thông qua thiên mục của mình, Tế Công đã nhìn thấy nhà xí này sắp sập xuống và người bán thịt sẽ bị chôn vùi và mất mạng tại đó. Tế Công thầm nghĩ, “Không được, hắn ta không nên bỏ mạng ở đây, hắn là thiên hạ đệ nhất đại hiếu tử.” Thế là Tế Công liền tiến đến, chộp lấy đòn gánh, và bỏ chạy cùng với hai thúng thịt. Vừa chạy ông vừa la lớn, “Nhìn kìa! Hình như gánh thịt này không ai cần thì phải, vậy ta sẽ gánh về chùa đây!”
Người bán thịt chó nghe thấy vậy, không chút chần chừ, vừa kéo quần vừa lao nhanh ra khỏi nhà xí. Anh ta la lớn: “Này, lão hòa thượng, chớ lấy gánh thịt của ta!”
Vừa chạy ra khỏi nhà xí được mấy bước, bất thình lình anh ta nghe thấy một tiếng động lớn “Ầm!” phía sau lưng mình. Ngoảnh đầu nhìn lại, người bán thịt choáng váng vì phát hiện nhà xí đó đã đổ sập. Anh ta cảm thấy sợ hãi và thầm nghĩ, “Ơn trời! Nếu không nhờ vị hòa thượng này thì cái mạng của ta đã không còn rồi.” Tế Công cười lớn, trả lại gánh thịt cho anh.
Tế Công nói với người bán thịt, “Cậu là một người con trai hiếu thuận. Bán xong thịt thì mau về nhà nhé; lão nương đang nhớ mong cậu đó.”
Tương truyền, người bán thịt này tên là Hồ Tam, đã làm nghề này nhiều năm liền. Anh sống cùng với mẫu thân và thê tử của mình trong Tiền Đường Môn. Hồ Tam đối với người ngoài thì hồ hởi dễ chịu, nhưng anh ta lại chưa từng vui vẻ với mẫu thân. Sáng sớm tinh mơ, Hồ Tam đã tranh biện với mẫu thân, thậm chí còn nói chuyện với bà bằng một thái độ rất vô lễ. Thê tử của anh là một phụ nữ hiền lương, thường khuyên nhủ phu quân, nàng nói, “Mẫu thân đã lớn tuổi rồi; xin chàng đừng làm bà nổi giận.” Hồ Tam không nói lời nào, chỉ lẳng lặng gánh thịt đi bán.
Một ngày kia, lúc Hồ Tam đang nấu thịt ở nhà và nhờ vợ trông chừng nồi thịt khi anh ra ngoài. Sau đó, Hồ Tam đã dắt về hai chú chó mà anh vừa mua được ở chợ, một là chó mẹ và một là chó con. Hồ Tam trói chó mẹ lại và vác chó con lên vai của mình. Anh để chúng ở sân sau rồi quay vào nhà tìm một con dao lớn toan làm thịt chó mẹ. Anh đặt dao trong sân rồi lại quay vào nhà để lấy một cái chậu, nhưng khi anh quay ra sân thì không nhìn thấy con dao đâu nữa. Anh hỏi vợ, “Nàng có lấy con dao của ta không?”
Nàng đáp, “Thưa không, thiếp không lấy.”
Sau khi tìm kiếm một lúc, anh đã thấy con dao đang nằm dưới thân của chó con. Chó con nhìn thấy Hồ Tam sắp sát hại mẹ của nó, liền lập tức dùng miệng ngoạm dao mang đi, giấu dao dưới thân mình. Hồ Tam tức khắc đá chó con ra xa, nhưng chú chó con này chạy tới và lấy thân mình che cổ chó mẹ. Chó con nhe hàm răng, nhìn trừng trừng vào Hồ Tam. Nước mắt của nó chảy dài trên mặt. Nhìn cảnh tượng này, Hồ Tam sững sờ. Anh ném con dao đi rồi chạy ngay vào phòng la lớn. Nghe thấy tiếng hét của phu quân, người vợ bị một phen hốt hoảng. Hồ Tam thầm nghĩ, “Ta thậm chí còn không bằng một con chó sao. Ngay cả một con chó còn biết rằng nó được sinh ra từ đâu; chẳng phải một con người như ta như cũng nên biết điều đó?” Sau đó, Hồ Tam quay lại khoảng sân nhỏ và nói với hai chú chó rằng: “Được rồi. Ta sẽ không giết các ngươi nữa. Nếu các ngươi muốn ở lại nhà của ta, thì cứ việc ở lại và ta sẽ nuôi hai mẹ con ngươi. Còn nếu các ngươi muốn đi thì cứ đi.”
Hồ Tam bèn đi vào phòng của mẫu thân, quỳ xuống trước mặt bà, nói, “Thưa mẹ, hài nhi trước mặt người mà hành xử vô lễ, tội đáng muôn chết.”
Thê tử của Hồ Tam nói: “Từ nay, chỉ cần chàng tận hiếu với lão nương, thì cuộc sống của gia đình ta sẽ trở nên êm ấm hơn.”
Hồ Tam nói: “Hôm nay ta sẽ đem nồi thịt này đi bán, bán xong ta sẽ đổi sang nghề khác và không sát hại động vật nữa.”
Hôm đó Hồ Tam đã ra ngoài bán thịt chó; đột nhiên anh cảm thấy đau bụng và muốn đi ngoài. Hồ Tam đã đặt gánh thịt bên lề đường và hớt hải chạy vào nhà xí gần đó. Thật không ngờ là nhà xí đó lại bị sập, và Tế Công đã cứu mạng anh. Có thể có vị thắc mắc vì cớ gì mà Hồ Tam lại được xem là “một đại hiếu tử” khi mà trước đó anh đã cư xử vô lễ với mẫu thân của mình.
Câu chuyện này cho chúng ta thấy một tầng ý nghĩa – đó là thiện ác xuất từ một niệm của người ta. Mặc dù Hồ Tam đã không hiếu kính với mẫu thân, nhưng ngay sau khi nhận ra lỗi lầm, anh đã lập tức hối cải, lập chí tận hiếu, tôn kính mẫu thân. Trong tâm anh vừa máy động thiện niệm, anh đã lập tức chạy đến bên mẹ, khiến những ác niệm lúc trước mà anh mang theo đã hoàn toàn biến mất. Đó là lý do vì sao Tế Công gọi Hồ Tam là “thiên hạ đệ nhất đại hiếu tử”.
Tương tự như vậy, nếu một người nhiều năm hành thiện nhưng bỗng một hôm xuất khởi ác niệm, thì ác niệm đó có thể dẫn vị này sang con đường hành ác; vậy thì toàn bộ những việc thiện mà vị ấy đã làm trước đây lập tức trở thành hư không. Tại thời khắc mà ác niệm hiện lên, ngay cả khi vị này chưa làm bất kỳ điều ác nào, thì vị ấy cũng đã trở thành thiên hạ đệ nhất đại ác nhân rồi. Vì vậy, con người nên lựa chọn cho mình một đích đến cao cả và quyết tâm tiến bước về đích, dẫu cho đích đến ấy xa xôi đến nhường nào. Vì khi một người đã bắt đầu bước đi trên con đường đó, thì dù sớm hay muộn, họ cũng sẽ về đích, tất cả đều phụ thuộc vào một niệm thiện–ác của người này. Vậy nên, niệm đầu này có thể nói là quan trọng nhất. Người xưa thường nói câu “Phật quang phổ chiếu, lễ nghĩa viên minh”, chính là ý nghĩa này.
Bài viết do cô Dora Li chuyển ngữ sang tiếng Anh, câu chuyện này được tái bản với sự chấp thuận của cuốn sách “Treasured Tales of China” (Kho tàng truyện cổ Trung Hoa), Tập 1, sách hiện có bán tại Amazon.