Truyền thống tôn vinh những ‘Bảo vật Sống Quốc gia’ của Nhật Bản
LORRAINE FERRIER
Nhiếp ảnh gia Nhật Bản Rinko Kawauchi đã chụp lại khung cảnh thanh bình về một người thợ dệt lụa, bà Sonoko Saskia, đang quỳ gối se tơ trên khung cửi của mình. Trang phục kimono truyền thống của bà Sonoko và khung quay tơ gợi nhắc về quá khứ, mặc dù việc bà đang làm là dệt sợi đũi, hay còn gọi là sợi pongee ngày nay.
Bà Sonoko luôn sử dụng những phương pháp truyền thống. Để nhuộm màu cho sợi đũi, bà dùng các các loại lá cây và cỏ, và rồi dùng kỹ thuật xe sợi tsumugi-ori – một kỹ thuật tận dụng các phần kén tằm đã thải loại đi để dệt thành vải.
Bà Sonoko là một trong 12 nghệ nhân Nhật Bản được cô Rinko chụp ảnh trong khi đang làm công việc của mình. Bà có mặt trong loạt ảnh nhan đề “Xưởng làm việc của những kỳ quan, năm 2020.” Mười hai nghệ nhân đều là những Bảo vật Sống của Quốc gia – một danh hiệu trọn đời do Chính phủ Nhật Bản trao tặng cho các nghệ nhân kể từ Đệ nhị Thế chiến với mục đích bảo tồn truyền thống của đất nước. Chỉ có 116 nghệ nhân nhận được giải thưởng này; họ có sự bảo trợ hàng năm, và người mới chỉ có thể lọt vào danh sách này khi có một nghệ nhân trong danh sách qua đời.
Một thoáng sống động về nghề thủ công truyền thống Nhật Bản
Những tác phẩm nhiếp ảnh của cô Rinko chú trọng vào nét truyền thống cổ xưa của Nhật Bản. Những tấm ảnh có chiều sâu của cô ghi lại hình ảnh những người thợ dệt, thợ làm gốm, thợ nhuộm, thợ may kimono, thợ mộc, và thợ làm búp bê trong không gian làm việc của họ.
Trong một bức ảnh, nghệ nhân về tre Noboru Fujinuma cúi lom khom trên đất, một tay đặt trên thân tre. Ông trông giống một bác sĩ đang bắt mạch cho bệnh nhân của mình vậy. Nhưng thay vì lắng nghe nhịp tim, ông Noboru để mắt đến đường kính, độ cong, và khoảng cách giữa các đốt tre để tìm đúng loại tre cho vật phẩm ông cần chế tác. Ông có thể phải xem xét hàng trăm cây tre trước khi tìm được một cây phù hợp để đan tác phẩm của mình bằng kỹ thuật được truyền lại từ triều đại nhà Đường ở thế kỷ thứ 8.
Nhiếp ảnh gia Rinko cũng ghi lại hình ảnh ông Komao Hayashi, nghệ nhân chế tác búp bê toso sử dụng kỹ thuật từ thế kỷ 17. Ông khắc phần thân của búp bê từ gỗ cây đồng hoa (paulownia wood), loại gỗ có đặc tính cứng, nhẹ, với tỷ lệ độ cứng chắc (trên khối lượng gỗ) tốt hơn gỗ bấc (balsa wood). Sau đó, ông trộn mùn cưa của gỗ paulownia với nhiều loại bột mì khác nhau để tạo ra toso, toso sẽ cứng khi khô lại. Ông Komao tạo hình phần thân của búp bê bằng việc cách đắp nhiều lớp toso lên phần thân gỗ. Khi chúng đã khô, ông Komao khắc các đặc điểm riêng biệt của búp bê lên phần toso. Ông sử dụng giấy washi hoặc bột xà cừ tán nhuyễn, còn được gọi là “gofun” để mô phỏng làn da. Và sau đó ông mặc quần áo làm bằng vải hoặc giấy washi cho búp bê.
Theo “Cẩm Nang các Nghề Thủ Công Truyền Thống Nhật Bản,” búp bê là một phần của văn hóa Nhật Bản qua hàng thế kỷ. Vào đầu thế kỷ 11, kiệt tác Nhật Bản “Câu Chuyện của Genji” đã dạy trẻ em cách chơi với búp bê. Nghề làm búp bê hưng thịnh vào thời kỳ Edo Nhật Bản (1603–1867), và từng khía cạnh của văn hóa Nhật Bản đều được phản ánh trên những con búp bê ấy.
Búp bê toso của nghệ nhân Komao mô phỏng cách tạo dáng, cử chỉ và biểu đạt đến từ nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Nhật Bản như nghệ thuật sân khấu Noh; kyomai – vũ đạo phong cách Kyoto dựa trên nền tảng cung đình Kyoto; hay kyogen – nghệ thuật comic (truyện tranh) được trình diễn xen kẽ giữa các màn biểu diễn của nghệ thuật sân khấu Noh; chỉ tạm liệt kê một vài cái tên như vậy.
Các tác phẩm giúp người thưởng lãm có thêm góc nhìn về nghề thủ công cổ xưa của Nhật Bản, cũng như sự trân trọng của quốc gia này đối với nghề truyền thống; hy vọng rằng chúng sẽ được lưu giữ và bảo tồn cho nhiều thế kỷ về sau.
Độc giả có thể thưởng lãm các tác phẩm do 12 nghệ nhân Nhật Bản chế tác trong triển lãm “12 Stone Garden” (“Khu vườn 12 phiến đá”) tại trang web https://www.homofaber.com/en/programme?page=12-stone-garden-jxziu