TT Biden đối diện với thách thức trong việc điều chỉnh hệ thống thương mại thế giới
Những người theo chủ nghĩa toàn cầu đang chờ đợi Tổng thống (TT) Joe Biden thiết lập lại chính sách thương mại của Hoa Kỳ, mặc dù các vấn đề sâu xa và sự thiếu đồng thuận giữa các đồng minh có khả năng tạo ra một rào cản đáng kể cho chính phủ mới trong việc điều chỉnh hệ thống thương mại toàn cầu, vốn không kiềm chế được các nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc.
TT Biden đã hứa sẽ thực hiện cách tiếp cận đa phương hơn để giải quyết các vấn đề thương mại, và ông dự kiến sẽ thay đổi hoàn toàn các chính sách của Hoa Kỳ đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Chính phủ mới đã báo hiệu rằng họ sẽ tham gia với các quốc gia thành viên khác để hồi sinh cơ quan quốc tế vốn đã bị làm tê liệt bởi các chính sách của chính phủ cựu TT Trump này.
Tuy nhiên, WTO là một vấn đề tồn tại từ lâu, và vòng xoáy đi xuống của nó đã bắt đầu rất lâu trước khi ông Trump lên làm tổng thống. Hoa Kỳ đã cáo buộc tổ chức này đã đi quá phạm vi nhiệm vụ trong việc giải quyết tranh chấp và tạo ra các quy tắc phi lý.
Dưới thời chính phủ cựu TT Obama, Hoa Thịnh Đốn bắt đầu chặn việc lựa chọn các thẩm phán cho Cơ quan Phúc thẩm của WTO, một tòa án độc lập gồm bảy thành viên. Kể từ năm 2016, Hoa Thịnh Đốn đã chặn tất cả các bổ nhiệm mới cho tòa án này, tước bỏ khả năng phán quyết của tổ chức này đối với các tranh chấp thương mại.
Tuy nhiên, chính phủ mới nhậm chức của TT Biden không được mong đợi rằng sẽ đem sớm có thể kết thúc nhanh chóng sự bế tắc này.
Theo ông Clete Willems, nhà đàm phán thương mại hàng đầu và là cựu phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời chính phủ cựu TT Trump, thì WTO đang gặp khủng hoảng và cần có sự cải tổ đầy tham vọng để giải quyết những thách thức mới và các hành vi thương mại không công bằng.
Các quan chức của chính phủ TT Biden “sẽ không chỉ đơn giản là từ bỏ lập trường của chính phủ cựu TT Trump. Những lo ngại về cơ quan phúc thẩm là vấn đề lưỡng đảng, chúng vốn đã có từ lâu,” ông Willems nói với The Epoch Times.
Ông cho biết, “Chính phủ TT Biden sẽ nhận ra những vấn đề tương tự, nhưng tôi nghĩ, không giống như chính phủ cựu TT Trump, họ sẽ đưa ra các giải pháp để khắc phục nó.”
Trong một bài báo gần đây, ông Willems đã lập luận rằng cả ba chức năng của WTO – bao gồm đàm phán, thực thi và giám sát [việc thực thi các thỏa thuận đã được đàm phán], và giải quyết tranh chấp – đều cần đến sự cải tổ để hồi sinh tổ chức này.
Ông lưu ý rằng chính phủ cựu TT Trump đã đạt được tiến triển trong việc đưa ra những đề nghị về khía cạnh đàm phán, cố gắng cập nhật các thỏa thuận và cải thiện các cam kết. Nhóm của ông Biden dự kiến sẽ theo đuổi quỹ đạo tương tự và tiếp tục thúc đẩy các quy tắc mới để chi phối các nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc.
Về giải quyết tranh chấp, trong khi chính phủ tiền nhiệm nêu lên những lo ngại và thu hút sự chú ý của các thành viên về những vấn đề này, thì họ đã bị chỉ trích vì không đề nghị giải pháp, ông Willems cho biết. Do đó, chính phủ TT Biden sẽ “tìm kiếm một kết quả đạt được bằng thương lượng để cho phép tiếp tục thực hiện việc bổ nhiệm các thẩm phán.”
Bước đầu tiên để chấm dứt bế tắc tại WTO, theo các chuyên gia thương mại, là TT Biden sẽ khai thông việc bổ nhiệm bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria, lên làm lãnh đạo tổ chức này.
Ông Chad Bown và bà Anabel Gonzalez, các viện sĩ cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, viết trong một báo cáo rằng, “Bước đi này sẽ khôi phục lại sự lãnh đạo ở cấp cao nhất của WTO và phục hồi khả năng thúc đẩy hợp tác kinh tế đa phương của tổ chức này.”
Trong khi bà Okonjo-Iweala là sự lựa chọn đồng thuận của các quốc gia thành viên, chính phủ cựu TT Trump đã phủ quyết bà vào năm ngoái do bà thiếu kinh nghiệm về thương mại.
Tại một cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng của WTO hồi tuần trước (25-31/01), ông David Bisbee, trưởng phái bộ của phái đoàn Hoa Kỳ tại WTO, nói rằng chính phủ TT Biden đang mong đợi sự tiến triển trong việc lựa chọn một tổng giám đốc mới và các ưu tiên quan trọng khác trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, ông Bisbee không cho biết liệu chính phủ này có ủng hộ bà Okonjo-Iweala hay không.
Thách thức của EU
WTO được thành lập vào năm 1995 để giám sát các quy tắc thương mại toàn cầu giữa các quốc gia; tuy nhiên, thế giới đã thay đổi đáng kể từ khi đó.
Cựu TT Donald Trump đã chỉ trích tổ chức này vì các quy tắc lỗi thời đã không còn hoạt động trong việc điều chỉnh các tranh chấp thương mại toàn cầu. Ông chỉ trích thậm tệ cơ quan quốc tế này, và gọi nó là một thảm họa.
Tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Buenos Aires, Argentina hồi tháng 12/2018, các nhà lãnh đạo thế giới đã đồng thuận với các quan điểm của ông Trump và kêu gọi “WTO cần thiết phải có sự cải tổ để cải thiện cách thức hoạt động của mình.”
Sau hội nghị thượng đỉnh, Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu (EU), và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc họp ba bên để hoàn thiện những cải tổ nhằm giải quyết các mối lo ngại như trợ cấp chính phủ [trong thương mại quốc tế], doanh nghiệp quốc doanh, và chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Ông Willems, người trước đây từng tham gia vào những cuộc đàm phán thương mại với các chính phủ và các cơ quan nước ngoài bao gồm cả EU, tin rằng có khả năng chính phủ TT Biden sẽ đạt được tiến triển trong việc cải tổ WTO. Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn tỏ ra dè dặt về tham vọng của Âu Châu trong việc giải quyết hành vi xấu của Trung Quốc.
“Chúng tôi thường không thấy mức độ tham vọng cần thiết từ phía Âu Châu để thực sự đạt được tiến triển trong những vấn đề này,” ông Willems nói.
“Rất dễ để nói rằng tất cả chúng ta đều muốn làm việc cùng nhau về vấn đề Trung Quốc, nhưng thực sự rất khó tìm ra cách diễn đạt đủ tham vọng để có thể đạt được điều đó,” ông nói thêm. Ông cũng lưu ý rằng ngành xe hơi và một số lĩnh vực khác của nền kinh tế EU phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, khiến cho khối này khó có thể cứng rắn trong lập trường của họ đối với Bắc Kinh.
Hoa Kỳ đã nhiều lần bày tỏ sự bất mãn về việc WTO không có khả năng giải quyết các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc.
“Gần hai thập kỷ sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc vẫn chưa tuân theo các chính sách định hướng thị trường mở. Nhà nước vẫn kiểm soát nền kinh tế Trung Quốc, và họ can thiệp rất nhiều vào thị trường để đạt được các mục tiêu chính sách công nghiệp,” bản báo cáo này nêu rõ.
Chẳng hạn, các chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã làm gián đoạn các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu như thép, nhôm, năng lượng mặt trời, và thủy sản.
Cũng theo báo cáo trên, Hoa Kỳ đã đưa ra khoảng hai chục vụ kiện Trung Quốc tại WTO để chống lại hàng loạt các chính sách của nước này, bao gồm các khoản trợ cấp lớn, các rào cản đáng kể cho việc tiếp cận thị trường, và việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách không đầy đủ.
Điều làm trầm trọng thêm các vấn đề hiện hữu trong WTO là thực tế rằng một số quốc gia thành viên có thể tự tuyên bố họ là nước đang phát triển để tránh thực hiện các cam kết tương tự như những thành viên khác. Trong số các nước đang phát triển của WTO có một số nền kinh tế giàu có nhất thế giới, chẳng hạn như Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait, Trung Quốc, và Hồng Kông.
Chính phủ TT Biden cho biết họ sẽ tìm một cách phối hợp với các đồng minh của Hoa Kỳ để giải quyết tất cả những thách thức này. Nhưng vẫn chưa rõ liệu chính phủ TT Biden có đặt chính sách thương mại lên thành ưu tiên hàng đầu và ngay lập tức quay trở lại với hợp tác kinh tế đa phương hay không.
Trong ngắn hạn, chính phủ TT Biden báo hiệu rằng trọng tâm của họ sẽ là chống dịch bệnh và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.
Tại sự kiện Chương trình nghị sự Davos do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức hôm 25/01, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã cảnh báo trong một thông điệp đầy ẩn ý gửi tới TT Biden về những hậu quả của việc xây dựng các liên minh để đe dọa những quốc gia khác hoặc bắt đầu một “cuộc chiến tranh lạnh mới.”
“Chúng ta không thể tìm cách giải quyết những thách thức chung trong một thế giới bị chia rẽ, và sự đối đầu sẽ dẫn chúng ta đến tình trạng bế tắc,” ông Tập nói, đồng thời kêu gọi quay trở lại chủ nghĩa đa phương.