TT Biden lập kỷ lục về số lượng lệnh hành pháp trong chín ngày đầu nắm quyền
Tổng thống (TT) Joe Biden đã ký 28 sắc lệnh và 12 lệnh khác như các tuyên cáo, biên bản ghi nhớ và chỉ lệnh, trong 9 ngày đầu của ông ở Tòa Bạch Ốc – một tốc độ nhanh chóng và kỷ lục đối với bất kỳ vị tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm nào khác trong cùng thời gian.
Hàng loạt các biện pháp của TT Biden bao gồm việc đảo ngược một số chính sách của người tiền nhiệm của ông, chẳng hạn như ngừng tài trợ cho việc xây dựng bức tường biên giới mang đậm dấu ấn của cựu TT Donald Trump, và hủy bỏ dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL mà ông Trump đã hồi sinh sau thời của cựu TT Barack Obama. Bên cạnh đó còn có các mệnh lệnh liên quan đến đại dịch, chẳng hạn như áp đặt quy định đeo khẩu trang tại tòa nhà liên bang; khôi phục các hạn chế đi lại đối với những người không phải là công dân Hoa Kỳ đến từ Brazil, Nam Phi, và phần lớn Âu Châu; và tăng cường phối hợp trong toàn chính phủ để ứng phó với đại dịch.
Các hành động trong ngày đầu tiên của TT Biden bao gồm việc ký một số biên bản ghi nhớ và sắc lệnh: tái gia nhập Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris; thúc đẩy bình đẳng chủng tộc; yêu cầu đeo khẩu trang trong các tòa nhà liên bang; ngừng việc chấp thuận các quy định đã được thông qua trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ cựu TT Trump; củng cố chương trình Tạm hoãn Thi hành Lệnh trục xuất người đến Hoa Kỳ từ thơ ấu (DACA) nhằm bảo vệ những người nhập cư bất hợp pháp đến Hoa Kỳ khi còn là trẻ em khỏi bị trục xuất; và tạm dừng việc hoàn trả nợ vay liên bang của sinh viên.
Gần đây nhất, hôm 28/01, ông Biden đã ký một sắc lệnh nhằm mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế, và một biên bản ghi nhớ của tổng thống nhằm dỡ bỏ lệnh cấm Hoa Kỳ tài trợ cho các tổ chức bất vụ lợi quốc tế nào cung cấp dịch vụ tư vấn hoặc giới thiệu phá thai.
Mặc dù khả năng cao là TT Biden sẽ không duy trì tốc độ chóng mặt của việc ban hành sắc lệnh, nhưng ông phải đối mặt với sự phản đối từ những người chỉ trích về việc trở thành người xây dựng sự đồng thuận.
Ban Biên tập tờ báo thiên tả New York Times, vốn ủng hộ ông Biden cho vị trí tổng thống và ca ngợi chiến thắng của ông, đã đăng một bài viết vào hôm 28/01 với tiêu đề “Bình tĩnh trong các Mệnh lệnh Hành pháp, ông Joe,” lập luận rằng “đây không phải là cách để làm luật.”
Gọi các chỉ lệnh của TT Biden là “sự thay thế không hoàn hảo cho luật pháp,” New York Times lập luận rằng chúng “không nhằm mục đích qua mặt Quốc hội.”
Tuyên bố tại Thượng viện hôm 28/01, Lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa–Kentucky) cho rằng việc ban bố lệnh hành pháp một cách bùng nổ của TT Biden có dấu hiệu của một chế độ độc tài.
“Mới đây vào hồi tháng 10/2020, Tổng thống hiện giờ là ông Biden đã nói rằng quý vị không thể lập pháp bằng lệnh hành pháp trừ khi quý vị là một nhà độc tài. Chà, trong vòng một tuần, ông ấy đã ký hơn 30 mệnh lệnh đơn phương,” ông McConnell nói. “Và người lao động Hoa Kỳ đang cảm thấy bị bỏ rơi.”
Thành viên Đảng Cộng Hòa đến từ Kentucky này đã đề cập đến những nhận xét của TT Biden tại một cuộc họp ở tòa thị chính của ABC News hồi tháng 10/2020, khi đó ông Biden nói có một số “điều quý vị không thể thực hiện bằng sắc lệnh trừ khi quý vị là một nhà độc tài,” khi được hỏi về việc ông sẽ thúc đẩy nhanh kế hoạch tăng thuế của mình đối với các tập đoàn và người giàu Hoa Kỳ như thế nào. Mặc dù bối cảnh đầy đủ của tuyên bố của TT Biden cho thấy ông không chỉ trích tất cả các sắc lệnh là dấu hiệu của một chế độ độc tài, những những nhận xét trên của ông đã khiến ông vấp phải những cáo buộc đạo đức giả và lạm dụng quyền lực.
Ông McConnell nhắm vào các sắc lệnh của TT Biden về việc hủy bỏ giấy phép đường ống Keystone XL và áp đặt lệnh tạm hoãn đối với các hợp đồng thuê mới về khoan dầu khí trên đất liền và vùng biển của liên bang, cho rằng các hành động này làm suy giảm sự độc lập về năng lượng của Hoa Kỳ và đe dọa đến công ăn việc làm [của người dân].
Ông McConnell nói, “Theo một nghiên cứu, quyết định về đất đai của liên bang này sẽ cắt giảm gần một triệu việc làm của Hoa Kỳ chỉ riêng trong năm tới. Thật kinh khủng để bắt đầu một nhiệm kỳ tổng thống.”
Cũng trong hôm 28/01, TT Biden và các trợ lý của ông đã phản bác những lời chỉ trích ngày càng gia tăng về việc tổng thống phụ thuộc quá nhiều vào các sắc lệnh trong những ngày đầu nắm quyền, Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói trong một cuộc họp báo hôm 28/01 rằng, “Ông ấy sẽ sử dụng các đòn bẩy mà mọi tổng thống trong lịch sử đã sử dụng: các lệnh hành pháp.”
“Nhưng ông ấy cũng cảm thấy điều quan trọng là phải làm việc với Quốc hội chứ không chỉ một đảng – phải là cả hai đảng – để hoàn thành công việc,” bà nói thêm.
TT Biden, trong một cuộc trao đổi ngắn với các phóng viên tại Oval Office sau khi ký hai sắc lệnh vào hôm 28/01, đã coi các lệnh hành pháp mới nhất của mình là một nỗ lực để “khôi phục những thiệt hại mà ông Trump đã gây ra” chứ không phải “khởi xướng bất kỳ luật mới nào.” Ông lưu ý rằng ông đang tác động để thuyết phục các nhà lập pháp trong Quốc hội thông qua gói cứu trợ đại dịch trị giá 1.9 nghìn tỷ USD bằng một quy trình lập pháp.
Giám đốc truyền thông Tòa Bạch Ốc Kate Bedingfield đã phản ứng giận dữ trước sự chỉ trích của tờ New York Times đối với các sắc lệnh của TT Biden trong một loạt các dòng tweet khi nói rằng, “Tôi không thể không nhớ lại rằng trong suốt cuộc bầu cử sơ bộ, họ đã khuyến khích cử tri suy xét những gì mà một tổng thống có thể thực hiện” thông qua lệnh hành pháp.
“Tất nhiên chúng tôi cũng đang theo đuổi chương trình nghị sự thông qua luật pháp,” bà nói thêm. “Đó là lý do tại sao chúng tôi đang làm việc miệt mài để Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ được thông qua, ngay từ đầu.”
Bà Psaki cho biết trong một cuộc họp báo hôm 29/01 rằng TT Biden sẽ ký một sắc lệnh về việc hiện đại hóa hệ thống nhập cư của Hoa Kỳ vào ngày 02/02.