TT Biden tìm cách đàm phán với Trung Quốc và Nga về thỏa thuận hạt nhân
ANDREW THORNEBROOKE
Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden kêu gọi Trung Quốc và Nga đàm phán hiệp ước vũ khí hạt nhân mới với Hoa Kỳ, trong lúc Liên Hiệp Quốc nhóm họp để xem xét các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.
TT Biden đã đưa ra những lời nhận xét này trước khi khai mạc Hội nghị Đánh giá Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) lần thứ 10 của Liên Hiệp Quốc, một hiệp ước được ký từ năm 1970 nhằm hạn chế việc sở hữu các loại vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Hội nghị Đánh giá này diễn ra năm năm một lần, đáng lý được tổ chức vào năm 2020 nhưng đã bị trì hoãn bởi đại dịch COVID-19.
“Tôi đã cố gắng làm việc trong vấn đề kiểm soát vũ khí từ những ngày đầu tiên trong sự nghiệp của mình, và sự lành mạnh của Hiệp ước NPT luôn dựa vào việc giới hạn các loại vũ khí có ý nghĩa, qua lại lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga,” ông Biden nói trong một tuyên bố. “Ngay cả trong cao trào của Chiến Tranh Lạnh, Hoa Kỳ và Liên Xô vẫn có thể hợp tác với nhau để đề cao trách nhiệm chung của chúng ta nhằm bảo đảm sự ổn định chiến lược.”
Nga và Hoa Kỳ đã gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí tấn công Chiến lược Mới (gọi tắt là Hiệp ước START Mới) hồi tháng Hai, theo đó sẽ mở rộng giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà một trong hai quốc gia sẽ khai triển và giới hạn số lượng các đơn vị trên bộ, trên biển, và trên không có khả năng chuyển giao các loại vũ khí này cho đến năm 2026.
Hoa Kỳ và Nga đã có thể đạt được các thỏa thuận trong quá khứ về các biện pháp kiểm soát vũ khí hạt nhân, bất chấp những bất đồng chính trị rộng lớn hơn. Tuy nhiên, TT Biden gợi ý rằng Nga nên chứng minh rằng họ thực sự có ý định tuân thủ các điều khoản của hiệp ước, khi cân nhắc đến cuộc xâm lược Ukraine của họ cách đây năm tháng.
“Chính phủ của tôi đã sẵn sàng đàm phán nhanh chóng cấu trúc kiểm soát vũ khí mới để thay thế START Mới khi hiệp ước này hết hạn vào năm 2026,” ông Biden nói. “Tuy nhiên việc đàm phán đòi hỏi đối tác sẵn sàng hoạt động một cách thiện chí.”
“Sự xâm lược tàn bạo và vô cớ của Nga ở Ukraine đã phá vỡ hòa bình ở Âu Châu và tạo ra một cuộc tấn công vào các nguyên lý căn bản của trật tự quốc tế. Trong bối cảnh này, Nga nên chứng tỏ rằng họ sẵn sàng nối lại công việc kiểm soát vũ khí hạt nhân cùng Hoa Kỳ.”
Phản ứng của Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã viết một bức thư cho những người tham gia hội nghị đánh giá NPT, cho biết một cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ được phép xảy ra.
Ông viết: “Chiến tranh hạt nhân sẽ không bao giờ có người chiến thắng và cũng không bao giờ được phép khơi mào, chúng tôi ủng hộ an ninh bình đẳng và không thể chia cắt cho tất cả các thành viên của cộng đồng thế giới.”
Không rõ liệu ông Putin có nhận ra bản chất trong những lời bình luận của ông Biden trước khi soạn thảo bức thư hay không. Nhưng một quan chức giấu tên trong Bộ Ngoại giao Nga đã chế nhạo các tuyên bố của ông Biden với vẻ không tin tưởng.
Quan chức này nói với Reuters, “Đây có là một tuyên bố nghiêm túc hay không, hay là trang web của Tòa Bạch Ốc bị tin tặc tấn công?”
Kêu gọi Trung Quốc
TT Biden cũng kêu gọi chính phủ cộng sản cầm quyền của Trung Quốc “tham gia vào các cuộc đàm phán để giảm nguy cơ tính toán sai lầm và giải quyết các hành động quân sự gây mất ổn định.”
Lời yêu cầu này được đưa ra ngay cả khi các chiến hạm Trung Quốc và Hoa Kỳ hoạt động xung quanh Đài Loan trong một thế xung đột rõ ràng trước chuyến đi được đồn đoán của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình.
“Chống lại việc tham gia thật sự vào kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân không đem lại lợi ích gì cho bất cứ quốc gia nào của chúng ta hoặc cho thế giới,” TT Biden nói. “Trung Quốc cũng có trách nhiệm với tư cách là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân NPT và là một thành viên [thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc] tham gia vào các cuộc đàm phán sẽ làm giảm nguy cơ tính toán sai lầm và giải quyết các hoạt động quân sự gây mất ổn định.”
Ông cho biết điều quan trọng là ba cường quốc phải cùng nhau hướng tới việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, đặc biệt nhắm tới cuộc chiến ở Ukraine và xung đột về tương lai của Đài Loan.
TT Biden nói: “Trong thời điểm trường thế giới có nhiều bất ổn và biến động này, việc tái khẳng định cam kết chung của chúng ta đối với các nguyên tắc căn bản của chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu chưa bao giờ cấp thiết đến vậy.”