TT Trump: ‘Tối cao Pháp viện thật sự khiến chúng ta thất vọng’
Cuối ngày 11/12, Tổng thống Donald Trump đã hồi đáp về phán quyết của Tối cao Pháp viện từ chối đơn kiện của tiểu bang Texas về kết quả bầu cử năm 2020 tại bốn tiểu bang chiến địa.
“Tối cao Pháp viện thực sự khiến chúng ta thất vọng. Không có trí tuệ, không có lòng dũng cảm!” Tổng thống Trump đã viết trong một tuyên bố trên Twitter sau phán quyết của Tối cao Pháp viện.
“Vậy đó, quý vị là Tổng thống Hoa Kỳ và quý vị vừa trải qua một cuộc bầu cử mà quý vị nhận được nhiều phiếu bầu hơn bất kỳ Tổng thống đương nhiệm nào trong lịch sử – và bị coi là thua,” Tổng thống tiếp tục.
“Quý vị không có ‘tư cách pháp lý’ trước Tối cao Pháp viện, vì vậy quý vị ‘can thiệp’ cùng với những tiểu bang tuyệt vời mà sau khi điều tra và xem xét kỹ lưỡng, cũng cho rằng quý vị đã ‘bị phá rối’, điều mà cũng khiến họ bị tổn hại. Nhiều người khác có cùng quan điểm cũng tham gia vào vụ kiện nhưng trong nháy mắt, nó bị bác bỏ và biến mất, thậm chí chẳng cần xem xét lý do tại sao vụ kiện được đưa ra. Đây là một cuộc bầu cử gian lận, hãy tiếp tục chiến đấu!”
Trước đó vào buổi tối, Tối cao Pháp viện của Hoa Kỳ đã đưa ra một phán quyết khiến nhiều người dân Hoa Kỳ thất vọng. Họ đã hy vọng rằng các thẩm phán sẽ làm sáng tỏ những tranh cãi đang nổ ra xung quanh tính liêm chính của cuộc bầu cử năm 2020.
Tối cao Pháp viện tuyên bố rằng Texas không có tư cách pháp lý – hoặc có quyền – để khởi kiện theo Hiến pháp vì Texas không chứng minh được lợi ích hợp lý để can thiệp vào cách thức các tiểu bang khác tiến hành cuộc bầu cử của họ.
“Texas đã không chứng minh được quyền được thừa nhận hợp pháp để can thiệp vào cách thức mà tiểu bang khác tiến hành các cuộc bầu cử của mình,” theo phán quyết. “Tất cả các kiến nghị đang chờ giải quyết khác đều bị loại bỏ vì không có ý nghĩa trên thực tế.”
Thẩm phán Samuel Alito đã đưa ra một tuyên bố riêng để nói rằng ông sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Texas, nhưng không cấp lệnh sơ bộ, vì ông tin rằng Tối cao Pháp viện có nghĩa vụ thụ lý bất kỳ trường hợp nào thuộc “quyền tài phán ban đầu” của họ, có nghĩa là tòa án có quyền xét xử vụ án lần đầu tiên thay vì xem xét lại quyết định của tòa án cấp dưới. Thẩm phán Clarence Thomas cũng đồng tình với thẩm phán Alito trong tuyên bố trên.
“Theo quan điểm của tôi, chúng tôi không có quyền từ chối việc giải quyết đơn kiện trong trường hợp thuộc thẩm quyền ban đầu của chúng tôi… Do đó, tôi sẽ chấp thuận kiến nghị được đệ trình đơn kiện [của Texas] nhưng sẽ không cấp thêm sự trợ giúp nào khác, và tôi không bày tỏ quan điểm về bất kỳ vấn đề nào khác,” ông Alito viết trong tuyên bố của mình. Ông không trả lời các câu hỏi về vụ kiện.
TT Trump và các đồng minh của ông đã đặt kỳ vọng lớn vào vụ kiện của Texas, thông qua việc Tổng thống mô tả vụ kiện là “một sự kiện lớn.” Ông đã yêu cầu Tối cao Pháp viện cho phép ông tham gia vụ kiện với tư cách là một bên liên quan.
Cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani, người đang dẫn đầu các vụ kiện pháp lý của chiến dịch Trump, nói với đài truyền hình Newsmax rằng theo ông, quyết định bác bỏ vụ kiện của Tối cao Pháp viện là một “sai lầm khủng khiếp”.
“Điều tồi tệ nhất của việc này đó là, về căn bản, Tối cao Pháp viện đang nói rằng, chúng tôi muốn đứng ngoài việc này và… họ không muốn lắng nghe [các nguyên đơn], họ không muốn người dân Hoa Kỳ được lắng nghe những bằng chứng thật sự,” ông Giuliani nói.
Ông Giuliani cho biết rằng ông đã nói chuyện với TT Trump sau phán quyết trên, và Tổng thống đã bảo ông xem xét các phương án thay thế.
Ông Giuliani nói thêm rằng vì tòa án bác bỏ vụ kiện dựa trên tư cách pháp lý, Tổng thống và một số đại cử tri có thể đưa các vụ kiện khác lên tòa án quận, với cáo buộc tương tự.
“Không có gì ngăn cản chúng tôi đệ trình những đơn kiện này ngay lập tức lên tòa án quận, khi đó Tổng thống đương nhiên sẽ có đủ tư cách pháp lý. Một số đại cử tri sẽ có đủ tư cách pháp lý,” ông Giuliani nói.
Cô Ellis, cố vấn pháp lý cao cấp của chiến dịch tranh cử của TT Trump, nói với đài truyền hình Newsmax rằng cô tin rằng đội ngũ của TT Trump vẫn còn thời gian để tranh tụng các kết quả bầu cử, và cho biết thêm rằng ngày 06/01 là ngày Quốc hội chính thức kiểm đếm phiếu của Cử tri đoàn.
“Ngày đó vào tháng Một. Đó là ngày có ý nghĩa quan trọng nhất. Và Tối cao Pháp viện đã công nhận điều đó,” cô nói. “Chúng ta vẫn còn thời gian, các cơ quan lập pháp của các tiểu bang vẫn còn thời gian để làm điều đúng đắn. Họ có thể đưa ra câu hỏi; họ có thể tổ chức các phiên điều trần; họ có thể đòi lại các đại biểu của họ; và họ nên làm như vậy, và tôi hy vọng rằng bây giờ tất cả các bằng chứng mà chúng tôi đã đưa ra trong các phiên điều trần này sẽ đem lại cho họ nguồn cảm hứng và can đảm để hành động.”
Vụ kiện của Texas xoay quanh các cáo buộc rằng [các tiểu bang] Pennsylvania, Georgia, Michigan, và Wisconsin đã vi phạm Điều khoản về Đại cử tri trong Hiến pháp Hoa Kỳ khi thay đổi các quy tắc bầu cử, đối xử bất bình đẳng với cử tri, và gây ra những sự việc bất thường trong cuộc bỏ phiếu bằng cách nới lỏng các biện pháp bảo vệ tính toàn vẹn của bầu cử theo luật tiểu bang, tạo cơ hội cho việc gian lận phiếu bầu.
Một số Tổng Chưởng lý của các tiểu bang bị đơn đã ra tuyên bố hoan nghênh phán quyết này [của Tối cao Pháp viện].
TT Trump đang tiến hành nhiều vụ kiện pháp lý tại các tòa án tiểu bang và liên bang, một số trong đó sẽ được đưa lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Một số vụ kiện do bên thứ ba và luật sư Sidney Powell đệ trình vẫn tiếp tục được tiến hành trong hệ thống tư pháp.
Mimi Nguyen-Ly đã đóng góp vào bản tin này.