KEVIN STOCKLIN

Sự tài trợ đầy tranh cãi của Anheuser-Busch cho người chuyển giới có tầm ảnh hưởng Dylan Mulvaney trong một chiến dịch quảng cáo cho thương hiệu bia Bud Light của họ chỉ là ví dụ mới đây nhất về việc các tập đoàn ủng hộ các động cơ cấp tiến – và sau đó phải rút lui khi họ phát hiện rằng thông điệp đó gây chia rẽ.

Hôm 14/04, để cố gắng dập tắt phản ứng dữ dội của những người uống bia Bud Light, Tổng Giám đốc Brendan Whitworth của Anheuser-Busch đã tuyên bố: “Chúng tôi không bao giờ có ý định trở thành một phần của cuộc thảo luận chia rẽ mọi người. Chúng tôi đang kinh doanh để đưa mọi người lại với nhau qua ly bia.” Các nguồn tin ẩn danh trong công ty này cho biết rằng “không có ai ở cấp cao” biết về chiến dịch quảng cáo này.

Tuyên bố của ông Whitworth lặp lại lời của Tổng Giám đốc điều hành Disney Bob Iger hồi tháng 11/2022, sau khi Disney tuyên bố rằng họ sẽ chống lại luật về quyền của cha mẹ ở Florida – luật cấm dạy các chủ đề tình dục trong trường học cho trẻ em từ lớp ba trở xuống. Trong khi nói chuyện với nhân viên ngay sau khi kế nhiệm quyền lãnh đạo từ vị Giám đốc điều hành bị sa thải Bob Chapek, người đã đưa ra quyết định chống lại luật Florida, ông Iger nói: “Tôi đã rất tiếc khi chứng kiến cảnh chúng tôi bị kéo vào trận chiến đó, và tôi không biết hậu quả của chuyện này là gì nữa.”

Trong các tập đoàn đi theo đường hướng này có công ty thương hiệu thời trang Balenciaga. Hồi tháng 11/2022, công ty này đã đăng quảng cáo cho thấy các bé gái ở độ tuổi học lớp vườn trẻ (từ 3 đến 5 tuổi) làm dáng chụp hình bên cạnh các công cụ và thông điệp tình dục. Trước phản ứng dữ dội của công chúng, công ty Balenciaga đã đưa ra tuyên bố như sau: “Chúng tôi mong giải quyết những tranh cãi xung quanh các chiến dịch quảng cáo mới đây của chúng tôi. Chúng tôi cực lực lên án hành vi xâm hại trẻ em; chúng tôi chưa bao giờ có ý định đưa loại hành vi này vào thông điệp đó.”

Các chai bia Bud Light đặt trên bàn ở khu vực bên phải trong trận đấu giữa đội Baltimore Orioles và Toronto Blue Jays tại Công viên Oriole ở Camden Yards ở Baltimore, Maryland, vào ngày 19/09/2019. (Ảnh: Rob Carr/Getty Images)
Các chai bia Bud Light đặt trên bàn ở khu vực bên phải trong trận đấu giữa đội Baltimore Orioles và Toronto Blue Jays tại Công viên Oriole ở Camden Yards ở Baltimore, Maryland, vào ngày 19/09/2019. (Ảnh: Rob Carr/Getty Images)

Các công ty này đã nối theo gót chân chính trị của Giải bóng chày Major League, Hãng hàng không Delta, và Coca-Cola khi hồi năm 2021 họ đã chống lại luật ghi danh ID cử tri ở Georgia – với cáo buộc rằng luật này đã dẫn đến việc đàn áp cử tri phân biệt chủng tộc. Sau cuộc tranh cãi đó, một cuộc thăm dò của Rasmussen cho thấy 37% số người được hỏi cho biết họ ít có khả năng mua các sản phẩm của Coca-Cola hơn, trong khi 25% cho biết họ có nhiều khả năng hơn vì quan điểm chính trị của công ty, mà theo đó biệt danh “Woke-a-Cola” (Cola Thức tỉnh) đã được lan truyền. Theo một cuộc thăm dò năm 2022 của Gallup, 79% cử tri – trong đó đa số thuộc cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa – đã ủng hộ luật ghi danh ID cử tri.

“Tại thời điểm này, rõ ràng là các tập đoàn sẽ gặp rủi ro với khách hàng, sự gắn kết của nhân viên, và mối quan hệ với các cổ đông nếu họ quyết định thúc đẩy một nghị trình chính trị cụ thể với thương hiệu và các nguồn lực của họ,” ông Jeremy Tedesco, cố vấn cao cấp của Alliance Defending Freedom (ADF), nói với The Epoch Times. “Chắc chắn sẽ có những hậu quả cho các doanh nghiệp nào tiếp tục đi theo đường hướng chọn bên này hay bên kia trong các cuộc tranh luận chính trị này.”

Một chiến dịch gây áp lực 360 độ

Những người cấp tiến thường gây áp lực cho các tổng giám đốc để hướng các công ty vào chính trường thông qua một hệ thống áp lực từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Các chiến dịch của các nhà hoạt động từ nhân viên và các tổ chức bất vụ lợi bên ngoài cuối cùng đã khiến ông Chapek phải phản đối luật về quyền cha mẹ của Florida, mặc dù ban đầu ông đã do dự.

Ở những nơi khác, các chiến dịch của nhân viên và tổ chức bất vụ lợi tại Netflix đã cố gắng gây áp lực với các tổng giám đốc của họ để hủy bỏ chương trình “The Closer” của diễn viên hài Dave Chapelle vì họ cho rằng những câu chuyện hài hước của diễn viên này đã xúc phạm người chuyển giới.

Tổ chức bất vụ lợi Liên minh Đồng tính nam và Đồng tính nữ Chống Phỉ báng (GLAAD) đã tuyên bố: “Netflix có chính sách rằng nội dung ‘được thiết kế để kích động thù hận hoặc bạo lực’ không được phép xuất hiện trên nền tảng này, nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng nội dung chống LGBTQ lại thể hiện chính xác là như vậy. Mặc dù Netflix là nơi khởi chiếu những câu chuyện về LGBTQ, nhưng giờ là lúc các giám đốc điều hành của Netflix nên lắng nghe nhân viên, lãnh đạo ngành, và khán giả LGBTQ, và cam kết sống theo các tiêu chuẩn của riêng họ.”

Màn hình Netflix trên TV ở Pittsburgh hôm 17/10/2022. (Ảnh: Gene J. Puskar/AP Photo)
Màn hình Netflix trên TV ở Pittsburgh hôm 17/10/2022. (Ảnh: Gene J. Puskar/AP Photo)

Cuối cùng, Netflix đã từ chối làm theo, và đồng Tổng Giám đốc Ted Sarandos đã trả lời: “Ông Chappelle là một trong những diễn viên kể chuyện hài nổi tiếng nhất hiện nay, và chúng tôi đã có một thỏa thuận lâu dài với ông ấy. Chương trình đặc biệt cuối cùng của ông ấy, ‘Sticks & Stones’ cũng gây ra nhiều tranh cãi, là chương trình đặc biệt được xem nhiều nhất, hấp dẫn nhất, và đạt được nhiều giải thưởng nhất của chúng tôi cho đến nay.”

Chiến dịch Nhân quyền, tổ chức ủng hộ quyền của LGBTQ+, công bố một Chỉ số Bình đẳng Doanh nghiệp (CEI). Chỉ số này đánh giá mức độ tuân thủ của các công ty đối với quan điểm của họ. Ngoài ra, các tổ chức xếp hạng doanh nghiệp, trong đó có Standard & Poors và Morningstar, xếp hạng các công ty theo sự tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, và quản trị (ESG). Và nhiều nhà quản lý tài sản tổ chức lớn và quỹ hưu trí – sở hữu chung 70% cổ phần của công ty – đã cam kết ủng hộ các mục tiêu ESG như giảm nhiên liệu hóa thạch và ủng hộ công bằng chủng tộc.

“Họ có một chiến dịch gây áp lực 360 độ để thúc đẩy các công ty này ngày càng thiên tả hơn, trong đó có những vị trí mà họ đảm nhận trong các vấn đề chính trị gây tranh cãi,” ông Tedesco nói. Ông cũng cho biết rằng chỉ số CEI bao gồm các tiêu chuẩn như quảng cáo và truyền thông điệp của công ty. Để đạt điểm cao, “Về căn bản, quý vị phải nhường quyền kiểm soát hoạt động tiếp thị của mình cho các nhóm bên ngoài vốn không hề quan tâm đến việc liệu công ty của quý vị có thành công hay không, hoặc liệu quý vị có đang xa lánh khách hàng hay nhân viên của mình hay không.”

Cổ đông và nhân viên ngày càng khó chịu với các nghị trình chính trị

Các cổ đông bắt đầu bày tỏ những lo ngại về việc chính trị hóa của các công ty. Hai hành động mới đây của cổ đông – cáo buộc phân biệt đối xử chính trị và tôn giáo – đã được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) bật đèn xanh để đưa ra cho cổ đông  bỏ phiếu tại JPMorgan Chase và PayPal. Trong khi những người theo phái bảo tồn truyền thống cáo buộc rằng SEC hiếm khi cho phép các đề xướng nghiêng về cánh hữu được đưa ra bỏ phiếu, mà thường cho phép các đề xướng nghiêng về cánh tả [được đưa ra bỏ phiếu], thì hai trường hợp này đã chứng minh một ngoại lệ hiếm hoi.

“SEC thực sự kiểm soát việc những nghị quyết [dự thảo] nào của cổ đông được xuất hiện trên các tuyên bố ủy quyền,” ông Tedesco nói. “Những gì họ đã làm trong 10–15 năm qua là tạo điều kiện cho hoạt động của cổ đông thiên tả, nhưng lại kiềm chế vai trò làm bên đối trọng của các cổ đông theo phái bảo tồn truyền thống. Và chúng tôi đã nêu rõ điều đó trong hồ sơ gửi lên SEC, liên quan đến đề xướng của JPMorgan Chase, và nói rằng, ‘Quý vị đang mạo hiểm với một vụ kiện theo Tu chính án thứ Nhất về phân biệt quan điểm nếu quý vị tiếp tục cho phép tất cả nghị quyết của cổ đông thiên tả này nhưng lại từ chối các nghị quyết của cổ đông theo phái bảo tồn truyền thống trong các vấn đề tương tự.’”

Các nhà giao dịch làm việc trên sàn tại Sở giao dịch chứng khoán New York ở New York, hôm 13/03/2023. (Ảnh: Craig Ruttle/AP Photo)
Các nhà giao dịch làm việc trên sàn tại Sở giao dịch chứng khoán New York ở New York, hôm 13/03/2023. (Ảnh: Craig Ruttle/AP Photo)

Các sáng kiến ​​chính trị của các công ty dường như không chỉ gây khó chịu cho các khách hàng và cổ đông theo phái bảo tồn truyền thống mà còn cho cả nhân viên nữa.

Một nghiên cứu của ông Vanessa Burbano, một giáo sư Khoa Kinh doanh Columbia, có nhan đề “Tác động làm mất động lực của việc truyền đạt một lập trường Chính trị–Xã hội” đã phát hiện ra rằng ít có sự xáo trộn trong các công ty đứng về phía quan điểm chính trị của nhân viên. Nghiên cứu này trích dẫn “bằng chứng đầy thuyết phục rằng việc truyền đạt một lập trường chính trị–xã hội mà nhân viên không đồng ý có thể dẫn khởi tác động mất động lực làm việc,” trong khi “việc truyền đạt một lập trường chính trị–xã hội mà nhân viên đồng ý thì không có tác dụng thúc đẩy (có ý nghĩa về phương diện thống kê) nào.”

Một cuộc khảo sát của Ipsos hồi tháng Ba đã báo cáo rằng trong khi các giám đốc điều hành của công ty trở nên thoải mái hơn bao giờ hết khi áp đặt quan điểm chính trị của họ lên công ty của họ, thì 2/3 số nhân viên được khảo sát cho biết họ e sợ thể hiện các quan điểm chính trị hoặc tôn giáo của mình tại nơi làm việc.

Lập trường ủng hộ giáo dục giới tính ở các trường tiểu học của Disney đã khiến nhân viên gửi một lá thư nặc danh có nội dung: “Công ty Walt Disney đã trở thành một nơi làm việc ngày càng khó chịu đối với những người trong chúng ta – những người có quan điểm chính trị và tôn giáo không thể hiện sự cấp tiến rõ rệt. Chúng tôi lặng lẽ quan sát khi niềm tin của chúng tôi bị tấn công bởi chính công ty tuyển dụng chúng tôi, và chúng tôi thường xuyên chứng kiến những người có cùng quan điểm ​​với chúng tôi bị chính lãnh đạo của chúng tôi lên án là những kẻ xấu.”

Ông Tedesco nói, một đường hướng thay thế mà các giám đốc điều hành công ty muốn dấn thân vào chính trị nên cân nhắc là “hãy tránh xa. Hãy phục vụ cho lợi ích và nhu cầu của tất cả những người muốn trở thành một người tiêu dùng sản phẩm của quý vị, hay là cho một nhân viên trong tổ chức của quý vị, hoặc một cổ đông của doanh nghiệp quý vị.”

Vân Du biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn