Từ Đài Loan đến fentanyl: Cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Tập không làm thay đổi được bất cứ điều gì
Antonio Graceffo
Các cuộc trao đổi giữa ông Biden và ông Tập đã không ảnh hưởng gì đến những tham vọng của Trung Cộng: chiếm Đài Loan, gây bất ổn cho vận tải biển toàn cầu, phân phối fentanyl, và chuẩn bị cho chiến tranh vào năm 2035.
Hôm 02/04, trong cuộc trò chuyện đầu tiên giữa họ kể từ tháng 11/2023, Tổng thống (TT) Joe Biden và lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã thảo luận về một số vấn đề cấp bách. Những vấn đề này bao gồm sự trợ giúp kinh tế liên tục của Bắc Kinh dành cho Nga, sự xâm lược quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan, các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc nhắm vào Hoa Kỳ và các đồng minh, sự can thiệp của Trung Cộng vào cuộc bầu cử năm 2024 của Hoa Kỳ, cũng như việc hối thúc ông Tập thuyết phục Iran ngừng trợ giúp cho những kẻ khủng bố và chấm dứt xuất cảng tiền chất fentanyl. Về phần mình, ông Tập muốn TT Biden dỡ bỏ các hạn chế về công nghệ và các lệnh cấm đối với vi mạch bán dẫn.
Điều mỉa mai của cuộc đối thoại này nằm ở chỗ ông Tập nắm quyền lực tuyệt đối ở Trung Quốc. Chỉ cần một cú điện thoại hoặc một lời tuyên bố, ông có thể lập tức ngừng trợ giúp cho Nga, chấm dứt các hành vi gây hấn của Trung Cộng đối với Đài Loan, ngừng xuất cảng fentanyl, hay ngăn chặn sự can thiệp của Trung Cộng vào các cuộc bầu cử. Việc ông không thực hiện những hành động như vậy cho thấy đây là những điều ông ấy muốn làm. Những chính sách này vẫn tồn tại vì ông tin rằng đây là những chính sách tốt nhất cho Trung Cộng.
Không có vấn đề nào được thảo luận là điều mới mẻ. Hoa Kỳ đã trao đổi với Trung Quốc nhiều lần về những vấn đề này trong quá khứ. Ví dụ, cuộc tranh luận về Đài Loan đã có từ hơn nửa thế kỷ trước. Chiến tranh Nga–Ukraine hiện đã bước sang năm thứ ba, và lý do duy nhất khiến nền kinh tế Nga chưa sụp đổ là nhờ vào sự trợ giúp liên tục của Trung Cộng. Trung Đông luôn là một điểm nóng, nhưng kể từ ngày 07/10 năm ngoái, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn với việc cả Hamas và Hezbollah đang giao tranh với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF). Cùng lúc, vận tải biển toàn cầu đang gặp nguy hiểm vì phiến quân Houthi. Và trong khi đó, thừa lúc thế giới đang bận rộn dập lửa ở những nơi khác thì cướp biển Somali đã quay trở lại hoạt động, cướp bóc thuyền bè qua lại. Ông Tập có thể dễ dàng ngăn chặn điều này bằng cách đe dọa cắt viện trợ kinh tế và công nghệ cho Tehran. Nhưng ông ấy chưa làm và sẽ không làm như vậy, bất chấp những cuộc trò chuyện lịch sự với TT Biden.
Ông Tập lo ngại về lệnh cấm vi mạch bán dẫn và những hạn chế về công nghệ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, điều mà ông cho rằng đang “tạo ra rủi ro” trong quan hệ Mỹ-Trung. Tuy nhiên, những hạn chế này được đưa ra là vì lý do chính đáng, đó là vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Bản đánh giá thường niên về các mối đe dọa của Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ đã một lần nữa xác định Trung Cộng là mối đe dọa số 1 đối với an ninh quốc gia của Mỹ quốc. Bản đánh giá mối đe dọa năm 2024 nêu rõ, “Bắc Kinh sẽ tập trung vào việc xây dựng một lực lượng quốc phòng và quân sự được hiện đại hóa hoàn toàn vào năm 2035 và đưa PLA trở thành quân đội đẳng cấp thế giới vào năm 2049.” Ông Tập không hề nói với TT Biden rằng ông đã hủy bỏ mục tiêu này; mà để đạt được điều đó, ông cần công nghệ và vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ. Do đó, ông Tập đã yêu cầu Hoa Thịnh Đốn dỡ bỏ các hạn chế về công nghệ để quá trình hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) có thể tiến hành đúng tiến độ và lực lượng này có thể sẵn sàng đối đầu với Hoa Kỳ trong những năm tới.
Vấn đề về vi mạch bán dẫn và công nghệ chỉ là một ví dụ khác giải thích lý do tại sao những cuộc đối thoại này không thể và sẽ không mang lại kết quả nào có ý nghĩa. Tòa Bạch Ốc của ông Biden thường xem Trung Quốc là một đối thủ chứ không phải là một địch thủ. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng và Cộng đồng Tình báo của Hoa Kỳ lại xem Trung Quốc là một mối đe dọa. Liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH), báo cáo thường niên về Phát triển An ninh và Quân sự của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nêu rõ: “Chiến lược của CHNDTH đòi hỏi những nỗ lực có chủ ý và quyết tâm nhằm tích lũy, cải thiện, và khai thác các yếu tố bên trong và bên ngoài của sức mạnh quốc gia mà sẽ giúp đưa CHNDTH vào ‘vị thế dẫn đầu’ trong cuộc cạnh tranh lâu dài giữa các hệ thống.” Như vậy, quân đội Hoa Kỳ cần luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh với PLA.
Một đất nước mà quý vị phải chiến đấu chống lại họ thì phải là một địch thủ, chứ không phải là một đối thủ cạnh tranh. Nhưng dù sử dụng thuật ngữ “đối thủ” hay “địch thủ” thì việc cho phép PLA được hiện đại hóa đều không có lợi cho Hoa Kỳ. Đây là lý do tại sao cựu TT Donald Trump bắt đầu chương trình thuế quan và hạn chế đối với thương mại và đầu tư vào Trung Quốc và tại sao TT Biden vẫn tiếp tục duy trì và tăng cường những hạn chế này. Đồng thời, việc đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của TT Biden cũng không có lợi cho Trung Cộng.
Một lĩnh vực mà ông Tập và ông Biden đồng thuận là về việc quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) – một khái niệm ẩn chứa những ngụ ý đáng sợ vì nó sẽ cung cấp quyền kiểm duyệt chưa từng có cho những người viết ra và thực thi các quy tắc này. Liên Hiệp Quốc, một tổ chức mà Trung Cộng có ảnh hưởng đáng kể, ưa chuộng sự kiểm soát tập trung đối với AI. Một tuyên bố của Liên Hiệp Quốc cho biết, “Phối hợp toàn cầu trong việc quản trị AI là cách duy nhất để khai thác AI có lợi cho nhân loại đồng thời giải quyết các rủi ro và sự không chắc chắn liên quan tới các dịch vụ của AI.”
Ông Vương Nghị (Wang Yi) – chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại giao Trung Quốc – đã ra một tuyên bố về AI, khẳng định rằng “AI phải luôn được đặt dưới sự kiểm soát của con người.” Điều này đương nhiên đặt ra câu hỏi: Ai sẽ là người kiểm soát AI?
Trở ngại tiềm ẩn duy nhất giữa ông Tập và những người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa trong việc hoàn thiện các chi tiết về việc quản trị AI là mong muốn của Trung Quốc trong việc kiểm soát cả Internet lẫn AI trên toàn cầu. Kết quả rất có thể sẽ giống với Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới – nơi mà Trung Cộng tìm cách gây ảnh hưởng đáng kể trong việc soạn thảo ra các quy tắc và sau đó vi phạm những quy tắc này khi cảm thấy phù hợp.
Với một loạt những vấn đề khác còn tồn tại giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh, việc tiến hành thương lượng hay đi đến một giải pháp dường như không thể đạt được vì hai quốc gia đang xung đột trực tiếp với nhau.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế kiêm nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.