Tù nhân của Trung Quốc ở Vancouver
Bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính của Huawei và là con gái của người sáng lập đại công ty công nghệ này, đã chống lại việc dẫn độ sang Hoa Kỳ kể từ tháng 12/2018; các nhà chức trách Canada bắt giữ bà tại sân bay Vancouver theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ.
Các luật sư người Canada của bà đã lập luận, trong số nhiều quan điểm khác trong hơn ba năm nay, rằng yêu cầu dẫn độ này cần phải bị bác bỏ vì các cáo buộc đối với bà – phạm tội gian lận ngân hàng trong nỗ lực bán thiết bị máy điện toán bị cấm vận cho nhà khai thác điện thoại di động lớn nhất của Iran – đã vi phạm quyền Hiến chương [quyền tự do căn bản Canada] của bà Mạnh. “Công lý căn bản đòi hỏi bà Mạnh không bị dẫn độ ra tòa về những cáo buộc sai sót về mặt pháp lý và trung thực này,” và bà được tự do rời khỏi Vancouver và trở về Trung Quốc.
Trên thực tế, tất cả những gì ngăn cản bà Mạnh quay trở lại Trung Quốc là sự thống trị của nhà cầm quyền Trung Cộng. Nếu bà Mạnh và cha của bà là công dân của hầu hết các quốc gia khác trên Trái Đất, và nếu Huawei không phải là một công ty tầm cỡ quốc gia hàng đầu của Trung Quốc, thì bà đã có thể tự do rời khỏi Vancouver từ lâu rồi. Bà Mạnh thực chất là một tù nhân của chính đất nước bà chứ không phải là của Canada hay Hoa Kỳ.
Các hoạt động tội phạm tài chính như gian lận ngân hàng mà bà Mạnh bị cáo buộc thường được dàn xếp bên ngoài tòa án thông qua cái gọi là thỏa thuận hoãn truy tố (DPA) hoặc một thỏa thuận tương tự là thỏa thuận miễn truy tố (NPA). Hoa Kỳ đã giải quyết khoảng 600 vụ trong số này, bao gồm các khoản tiền lên đến tám và chín con số với những tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp, trong số đó có Goldman Sachs (2.9 tỷ USD), JP Morgan (1.7 tỷ USD), HSBC (1.9 tỷ USD), và Toyota (1.2 tỷ USD).
Khi các công ty bị phát hiện có hành vi sai phạm, họ thường trả tiền phạt, thực hiện một số cải tổ, hứa sẽ làm trong sạch hành vi của mình, chấp nhận sự giám sát và tiếp tục hoạt động gần như bình thường. Sẽ không ai chính thức thừa nhận đã phạm tội hoặc thậm chí bị truy tố (là do “đã được hoãn” trong các thỏa thuận hoãn truy tố), và chắc chắn không ai phải ngồi tù. Thỏa thuận DPA thường không khác mấy một lời khiển trách nhẹ nhàng, chỉ là một chi phí khác trong làm ăn kinh doanh và không có gì phải lo lắng quá mức.
Trừ phi lời khiển trách nhẹ nhàng này đến với một công ty tầm cỡ quốc gia của Trung Cộng chẳng hạn như Huawei, khiến điều này gần giống như sự khiển trách dành cho lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình. Nếu Huawei không phải là một công ty tầm cỡ quốc gia ưu việt của Trung Quốc, một công ty không thể thiếu đối với các mục tiêu thống trị thế giới đã tuyên bố của Bắc Kinh, thì ông Tập và Trung Cộng có thể coi nhẹ tầm quan trọng của việc công ty này bị bắt lỗi. Một trường hợp điển hình liên quan đến ZTE, một công ty viễn thông Trung Quốc kém quan trọng hơn nhiều so với Huawei. Khi công ty này đồng ý dàn xếp với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ về hành vi sai phạm của mình – một thương vụ bất hợp pháp với Iran vào năm 2010 – Trung Cộng đã thành công trong việc tách mình khỏi ZTE bằng cách mô tả công ty này như một công ty đa quốc gia độc lập cần phải nhận những gì mình gây ra.
Huawei không thể dễ dàng bị tách rời như thế. Khi ông Tập kể về sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì cha của ông Tập là người có công trong việc tạo ra Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, nơi đem lại cho ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) đầy đủ tiềm lực để lập nên Huawei. Ông Tập cũng đã điều đình với cựu Tổng thống Donald Trump tại một cuộc họp G-20 vào năm 2019 để thúc đẩy lợi ích của Huawei tại Hoa Kỳ. Việc bà Mạnh thừa nhận tội lỗi, hoặc bất cứ điều gì tương tự như thế, sẽ khiến ông Tập bị vấy bẩn và làm suy giảm tầm vóc sói chiến của ông. Việc bà Mạnh thừa nhận tội lỗi cũng sẽ làm hoen ố cha của bà, với những hậu quả không lường trước được. Ông Tập chẳng chút hối hận trong việc loại bỏ ông Jack Ma của Alibaba và các ông lớn khác của ngành công nghiệp Trung Quốc khi ông xem họ như một ‘cái gai’ chứ không phải là một báu vật. Bà Mạnh phải biết rằng số phận của bà và cha bà sẽ không được bảo đảm nếu họ khiến ông Tập và Trung Cộng bị mất mặt, một điều không thể tha thứ trong văn hóa Trung Quốc.
Mặc dù bà Mạnh và các luật sư của bà đã đang thương lượng một thỏa thuận DPA, nhưng các điều khoản của vụ dàn xếp này được đưa ra cho đến nay chưa bao giờ được bà Mạnh chấp nhận. Với những lựa chọn mà bà đã có kể từ năm 2018 – đó là nguy cơ phải chịu án tù 30 năm nếu bà thua kiện tại một tòa án của Hoa Kỳ, thì chấp nhận một thỏa thuận DPA sẽ giúp bà được trở về Trung Quốc và đối mặt với cơn thịnh nộ của ông Tập, hay cứ trì hoãn, trì hoãn, trì hoãn ở Vancouver, nơi bà sống trong cảnh xa hoa với những ngôi nhà trị giá hàng triệu dollar của mình cùng với nhân viên Huawei, những người phục vụ, và chiếc xe limousine có tài xế riêng – không có gì bí ẩn về nguyên do bà quyết định ở lại Canada.
Bà Patricia Adams là một nhà kinh tế học và là Chủ tịch của Quỹ Nghiên cứu Thăm dò Năng lượng và Probe International, một tổ chức tư vấn độc lập ở Canada và trên thế giới. Bà là chủ biên của dịch vụ tin tức internet Three Gorges Probe và Odious Debts Online và là tác giả, biên tập viên của nhiều cuốn sách.
Ông Lawrence Solomon là nhà báo chuyên mục của Epoch Times, tác giả và giám đốc điều hành của Viện Chính sách Người tiêu dùng ở Toronto.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.