Tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi ở Smithsonian
Cuộc sống có thể khó khăn. Khi đối mặt với sợ hãi, khủng hoảng và thử thách, một số Phật tử niệm Bồ Tát Quán Thế Âm để cầu xin giúp đỡ. Bồ Tát Quán Thế Âm ngay lập tức ban cho họ tánh vô úy, theo Phẩm 25 trong Kinh Pháp Hoa, rằng:
Ngài xối mưa pháp cam lồ
Dứt trừ lửa phiền não
Pháp là những lời dạy của Đức Phật mà Phật tử tin đó là sự thật vĩnh hằng và phổ quát.
Kinh Pháp Hoa nhắc đến 33 hóa thân của Quán Thế Âm, có thể là nam hay nữ, người phàm hay không phải người phàm. Quán Thế Âm có thể là bất kỳ ai, vị thần hay cư sĩ, đức vua hay ăn mày, người già hoặc người trẻ, thậm chí là thiên long, và tất cả các hình tướng tâm linh. Cho dù là hình tướng nào Quán Thế Âm thị hiện thì đó luôn là thù thắng vi diệu, là tốt nhất cho tình huống hiện tại và giúp tăng tín tâm cho những chúng sinh đang cầu sự giúp đỡ. Bồ Tát Quán Thế Âm được biết đến là vị Bồ Tát đại từ đại bi.
Những vị Bồ Tát như ngài Quán Thế Âm có nhiệm vụ duy nhất trên Trái Đất này là cứu độ chúng sinh thoát khỏi bể khổ luân hồi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Giống như một người mẹ vị tha đặt mong muốn của con mình lên trên hết, Bồ Tát cũng đặt tất cả chúng sinh lên hàng đầu. Là một sinh mệnh cao tầng, một vị Bồ Tát nhẫn chịu gian khổ một đời để đắc được quả vị Phật. Và trong suốt cuộc đời đó, vị Bồ Tát thệ nguyện đạt được sự tỉnh thức (tỉnh thức về tâm linh) để giúp đỡ người khác, một hành động vị tha mà Phật tử gọi là bồ đề tâm.
Các Phật tử tin rằng họ sẽ nhận được phước lành và bảo hộ từ các vị Bồ Tát bằng cách trì chú và cúng dường ngài tại chùa.
Danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thay đổi theo các quốc gia, nhưng đều là tên gọi của ngài. Nhiều người có thể quen với cách xưng tụng danh hiệu Guanyin ở Trung Quốc, hay Gwaneum ở Hàn Quốc.
Bức tượng Quán Thế Âm vào thế kỉ 13 tại Hàn Quốc
Một bức tượng Quán Thế Âm hiếm có được trưng bày ở Viện Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật Á Châu Smithsonian do Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc ở Seoul cho mượn.
Bức tượng Quán Thế Âm Gwaneum được cho là làm cho một ngôi chùa vào khoảng năm 1220–1285, vào cuối thời kỳ Goryeo (918–1392) tại Hàn Quốc.
Toàn bộ tượng Gwaneum được dát vàng, khắc gỗ, đeo trang sức và quấn khăn choàng lụa; đầu ngài đội chiếc vương miện kim loại lấp lánh được tô điểm cầu kỳ bằng hoa sen, trang sức hỏa quang, và ngài choàng dải ruy băng bằng gỗ uyển chuyển. Một viên ngọc đính trên con mắt thứ ba của Gwaneum, nằm ở giữa ngay trên chân mày ngài, biểu thị một sinh mệnh có thể nhìn với nhãn quan giác ngộ, tức là có thể nhìn ra ngoài không gian vật chất này của chúng ta.
Ngài tĩnh tọa với tư thế tự tại vô ngại. Chân trái duỗi thẳng về phía trước và chân phải vắt lên ngang hông và hướng về phía ngài: một tư thế được gọi là rajalilasana – theo tiếng Sankrit nghĩa là tư thế hoàng tộc.
Tượng ngài Gwaneum này không chỉ là bức tượng gỗ mạ vàng cổ nhất trong một tư thế độc nhất vô nhị, mà tượng còn có cả vương miện. Rất khó để có thể tìm thấy một bức tượng Bồ Tát có vương miện.
Thủy Nguyệt Quán Âm thế kỉ 14
Để hiểu rõ hơn về hình tượng Gwaneum, bạn có thể thưởng lãm bức tranh “Thủy Nguyệt Quán Âm”. Mặc dù bức tượng Gwaneum xuất hiện một thế kỷ trước khi có bức tranh cuộn Quán Thế Âm này, nhưng so sánh hai tác phẩm trong thời kỳ nghệ thuật Goryeo này cũng đem đến những điều thú vị.
Trong tranh, vị Bồ Tát đang giúp đỡ Thiện Tài Đồng Tử, một Phật tử trẻ, ở góc dưới bên trái bức tranh. Đây là cảnh tượng từ phẩm “Nhập Pháp Giới” trong Kinh Hoa Nghiêm, nơi Thiện Tài Đồng Tử gặp Quán Thế Âm – một trong 53 vị thiện tri thức mà Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đã dạy Thiện Tài phải tìm trên đường cầu đạo.
Trong bức tranh, Quán Thế Âm được tô điểm với trang sức tương tự như ngài Gwaneum bằng gỗ, nhưng trong tranh cuộn, Đức Phật A Di Đà được vẽ rõ ràng trên vương miện Quán Thế Âm, là điều bị thiếu trên bức tượng gỗ. Trên tượng dát gỗ Gwaneum, có một chỗ trống trên vương miện mà người ta cho rằng Đức Phật đã được bảo vệ trong một bản kim loại riêng.
Vị Bồ Tát trong tranh đang cầm một chuỗi tràng hạt pha lê bằng tay phải, khiến các học giả tin rằng bức tượng gỗ có thể cũng đã cầm một vật tương tự vào thời điểm nào đó. Quán Thế Âm có một vầng hào quang hình bầu dục trong tranh được gọi là mạn đà la, cả hai là dấu hiệu của một sinh mệnh Thần thánh. Những điều này có lẽ đã từng là một phần của bức tượng gỗ.
Quán Thế Âm được khắc họa đang tọa trên một hòn đá lớn tại thiên quốc của ngài ở núi Potalaka, nơi người ta tin rằng là một hòn đảo ngoài khơi bờ biển Tây Ấn. Cái tên này có vẻ quen thuộc vì cung điện Potala của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng được đặt tên theo Potalaka. Phật Tử Tây Tạng tin rằng mỗi vị Đạt Lai Lạt Ma là chuyển sinh của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc cũng cho công chúng xem các nghiên cứu chuyên sâu về bức tượng, bao gồm quá trình tạo ra bức tượng và những vật thể được tìm thấy ở bên trong tượng.
Những Phật Tử thường tiến hành một buổi lễ được gọi là lễ khai quang vì họ tin rằng cần cung kính thỉnh mời pháp thân của giác giả nhập vào bức tượng để thờ phượng.
Trong tượng Gwaneum có hai bộ cổ vật: một bộ có từ khi bức tượng được làm vào thế kỷ 13, và một bộ khác vào khoảng 200 năm sau đó. Các vật bên trong gồm có tấm gỗ khắc lời Phật dạy bằng tiếng Sanskrit, và những vật biểu tượng cho quan niệm của Phật giáo về vũ trụ.
Một số vật cúng dường bên trong không còn nguyên vẹn, có lẽ là để bảo vệ thiên cơ khi bức tượng bị đem ra khỏi chùa và không còn được thờ phượng.
Nhiều Phật Tử hiện nay, giống như trước đây, tin vào khả năng hóa giải phiền não của Bồ Tát Quán Thế Âm. Như trong Kinh Pháp Hoa đã viết:
Nghe danh hiệu Quán Âm
Cùng thấy Ngài thị hiện
Nhất tâm không lay động
Đoạn trừ khổ các cõi