Ukraine, Nga ký thỏa thuận tiếp tục xuất cảng ngũ cốc
JACK PHILLIPS
Hôm 22/07, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết Nga và Ukraine đã ký một thỏa thuận cho phép xuất cảng hàng triệu tấn ngũ cốc trong bối cảnh chiến tranh diễn ra giữa hai nước này.
Thỏa thuận được ký kết tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ cho phép Ukraine xuất cảng ngũ cốc qua Hắc Hải (Biển Đen). Thỏa thuận đạt được sau nhiều tháng đàm phán giữa hai bên, do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
“Hôm nay, có một ngọn hải đăng trên Hắc Hải. Một ngọn hải đăng hy vọng, một ngọn hải đăng triển vọng, một ngọn hải đăng cứu trợ trong một thế giới cần nó hơn bao giờ hết,” ông Guterres nói hôm 22/07 tại Istanbul.
Ông Guterres cho biết hiệp định này mở ra con đường xuất cảng thực phẩm thương mại với khối lượng lớn từ ba cảng quan trọng của Ukraine là Odessa, Chernomorsk, và Yuzhny. Liên Hiệp Quốc sẽ thành lập một trung tâm điều phối để giám sát việc thực hiện thỏa thuận này.
“Thúc đẩy phúc lợi của nhân loại là động lực của các cuộc đàm phán này,” ông nói. “Vấn đề không phải là điều gì tốt cho phía bên này hay phía bên kia. Trọng tâm là những gì quan trọng nhất đối với con người trên thế giới chúng ta. Và đừng nghi ngờ gì nữa – đây là một thỏa thuận cho cả thế giới.”
Nga và Ukraine, đều là những nhà xuất cảng lương thực hàng đầu thế giới, đã cử các bộ trưởng quốc phòng và cơ sở hạ tầng lần lượt tới Istanbul để dự lễ ký kết. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng sẽ có mặt tại sự kiện này.
Thêm chi tiết
Hạm đội Hắc Hải Nga đã phong tỏa các cảng của Ukraine, khiến hàng chục triệu tấn ngũ cốc bị kẹt trong các hầm chứa và nhiều tàu phải đợi. Một số quan chức phương Tây cho biết sự việc này đã khiến tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu càng tồi tệ hơn và, cùng với các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây, đã gây ra lạm phát phi mã đối với giá thực phẩm và năng lượng trên khắp thế giới.
Moscow bác bỏ thông tin cho rằng họ đã gây ra cuộc khủng hoảng lương thực và cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây chính là lý do của vấn đề này. Nga cũng cáo buộc các lực lượng Ukraine đặt mìn dọc theo các hướng tiếp cận các cảng Hắc Hải của nước này.
Ukraine và Nga đã đạt được một vài thỏa thuận kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu ngày 24/02. Các vòng đàm phán hòa bình trước đó được tổ chức tại nước láng giềng Belarus đã không đem lại thỏa thuận nào, trong khi các cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng Ba không có kết quả.
Trước khi thỏa thuận này được ký kết hôm 22/07, một quan chức Kyiv cho biết nước này sẽ không trực tiếp đàm phán với Moscow.
“Ukraine không ký bất kỳ văn bản nào với Nga. Chúng tôi sẽ ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ,” trợ lý tổng thống Mykhaylo Podolyak cho biết qua Twitter. Ông nói thêm rằng Nga sẽ ký một thỏa thuận khác với hai bên [Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ].
Tuy nhiên hôm 22/07, ông Guterres cho biết thỏa thuận về ngũ cốc là “một thỏa thuận chưa từng xảy ra giữa hai bên tham gia vào cuộc chiến đẫm máu. Tuy nhiên cuộc chiến đó vẫn sẽ tiếp tục. Ngày ngày đều có người mất đi sinh mệnh. Giao tranh đang diễn ra ác liệt mỗi ngày.”
Một hiệp ước khác được ký hôm 22/07 sẽ dàn xếp việc xuất cảng thực phẩm và phân bón của Nga vốn được Liên Hiệp Quốc hoan nghênh. Để giải quyết mối lo ngại của Nga về các tàu buôn lậu vũ khí sang Ukraine, tất cả các tàu trở về sẽ được đại diện các bên kiểm tra tại một cảng của Thổ Nhĩ Kỳ.