Ước tính COLA cho an sinh xã hội năm 2025 tăng
Naveen Athrappully
Nhóm vận động Liên đoàn Công dân Cao niên (TSCL) đã nâng ước tính của họ về mức điều chỉnh chi phí sinh hoạt an sinh xã hội (COLA) cho năm 2025, với lý do lạm phát cao hơn.
“CPI-W tháng Ba (Chỉ số Giá Tiêu dùng dành cho Người làm công hưởng Lương ở Thành thị và Nhân viên Văn thư) ở mức 3.5%,” TSCL cho biết trong thông cáo báo chí hôm 10/04. “Con số này cao hơn xu hướng lạm phát biểu hiện vào tháng trước dựa trên dữ liệu CPI-W của tháng Hai. Dựa trên xu hướng này, Liên đoàn Công dân Cao niên đang điều chỉnh COLA dự báo dài hạn lên 2.6% vào năm 2025.” Ước tính COLA mới nhất cao hơn mức dự báo tháng Hai 1.75% của TSCL.
Cuộc khảo sát Người cao niên năm 2024 do TSCL thực hiện cho thấy 43% số người được hỏi nhận thấy chi phí của họ tăng hơn 185 USD mỗi tháng vào năm ngoái.
71% cho biết chi phí trong gia đình họ đã nhiều hơn 3.2% so với lợi ích COLA mà họ nhận được vào năm 2023. 61% cho rằng thực phẩm là nguyên nhân chính khiến chi phí tăng cao. Do tình hình tài chính eo hẹp đang diễn ra, 53% đã phải dùng tiền tiết kiệm khẩn cấp của họ.
Bà Shannon Benton, giám đốc giám sát ước tính COLA tại TSCL, cho biết: “Nếu COLA tăng 2.6% thì đó sẽ là mức tăng khoảng 45 USD. Quý vị có thể mua gì với số tiền đó? Không nhiều.”
“Từ sức mua suy giảm trong thời gian dài đến sự bất ổn tài chính gia tăng, rắc rối của việc người cao niên không thể trang trải cuộc sống vẫn là mối lo ngại cấp bách,” bà nói, cho biết thêm rằng vấn đề này cũng phải là “mối quan tâm cấp bách của Quốc hội.”
Trong khi TSCL ước tính COLA sẽ tăng 2.6% trong năm tới, nhóm lưu ý rằng những tính toán này có thể thay đổi tùy thuộc vào dữ liệu lạm phát mới nhất. Do đó, họ cho biết, “COLA cuối cùng cho năm 2025 có thể khác với những ước tính này.”
Hồi tháng Một, bà Mary Johnson, nhà phân tích chính sách Medicare và an sinh xã hội tại TSCL, đã nêu lên rằng mô hình lạm phát dài hạn cho thấy “COLA trong năm tới có thể giảm xuống 1.4% – mức thấp nhất kể từ năm 2020.”
“Đó không hẳn là tin tốt nếu giá nhà ở, chăm sóc bệnh viện, bảo hiểm xe hơi, và các chi phí khác vẫn ở mức cao như hiện nay.”
Ngoài ra, nhiều người hưởng lợi từ an sinh xã hội có thể phải đóng thuế vì những khoản điều chỉnh COLA cao hơn có thể đẩy họ vào khung thu nhập chịu thuế. 23% người tham gia cuộc khảo sát TSCL đã nhận an sinh xã hội từ ba năm trở lên cho biết họ đã đóng thuế lần đầu tiên trong mùa thuế 2023.
TSCL dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong mùa thuế năm 2024 vì mức điều chỉnh COLA cho năm 2023 là con số rất lớn 8.7%.
Bà Johnson cho biết: “Chúng tôi dự kiến thu nhập An sinh Xã hội cao hơn sẽ không chỉ khiến nhiều người nhận An sinh Xã hội phải đóng thuế cho các khoản phúc lợi của họ trong mùa thuế này, mà phần tiền thuế sẽ nhiều hơn trong các tấm chi phiếu An sinh Xã hội vào năm 2024.”
TSCL nêu rằng mặc dù khung thuế thu nhập liên bang đã được điều chỉnh theo thời gian, nhưng ngưỡng thu nhập an sinh xã hội phải chịu thuế vẫn chưa được điều chỉnh kể từ năm 1984. Do đó, những người đóng thuế lớn tuổi phải chịu thuế đối với tiền trợ cấp an sinh xã hội của họ theo thời gian.
Giữ lại ít hơn khi thu hồi số tiền đã trả dư
Một số tiểu bang đang hành động chống lại các khoản thuế đánh vào trợ cấp an sinh xã hội. Trong tháng Hai. Hạ viện do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo ở West Virginia đã thông qua dự luật loại bỏ dần các khoản thuế đó trong thời gian ba năm, loại bỏ hoàn toàn vào năm 2026.
Dự luật này đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 96–0. Mặc dù dự luật loại bỏ thuế tiểu bang đối với an sinh xã hội, nhưng những người thụ hưởng vẫn phải đóng thuế thu nhập liên bang.
Việc cắt giảm thuế dự kiến sẽ hao hụt khoảng 37 triệu USD mỗi năm vào năm 2025 và 2026. Dự kiến, nó sẽ tác động đến hơn 50,000 gia đình trong tiểu bang.
Một số người đã phản đối biện pháp này. Ông Kelly Allen, giám đốc điều hành của Trung tâm Chính sách và Ngân sách West Virginia, cho biết “những cố gắng liên tục nhằm làm giảm dần và loại bỏ thuế thu nhập cá nhân đang làm suy yếu khả năng đáp ứng nhu cầu của người cao niên, trẻ em, và gia đình trên toàn tiểu bang của chúng ta.”
Trong khi đó, những người thụ hưởng an sinh xã hội sẽ được hưởng lợi từ chính sách mới mà Sở An sinh Xã hội (SSA) thông qua.
Khi người thụ hưởng đã được SSA trả quá mức, thì luật pháp yêu cầu SSA phải tìm cách thu về tiền hoàn trả. Trước đó, nếu SSA trả thừa cho một người thụ hưởng, thì cơ quan này sẽ giữ lại 100% trợ cấp phúc lợi hàng tháng của họ cho đến khi số tiền trả thừa được thu hồi.
Nhưng bắt đầu từ ngày 25/03, SSA cho biết, “cơ quan này sẽ thu 10% (hoặc 10 USD, tùy theo số tiền nào lớn hơn) trong tổng số tiền trợ cấp An sinh Xã hội hàng tháng để thu hồi khoản trả vượt mức, thay vì thu 100% như trước đó.”
Trong khi đó, có những lo ngại rằng hệ thống an sinh xã hội sẽ mất khả năng chi trả trong khoảng một thập niên nữa.
Vào tháng Bảy năm ngoái, ông Phillip Swagel, giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) phi đảng phái, đã nói với các nhà lập pháp rằng hai quỹ ủy thác đằng sau An sinh xã hội – Bảo hiểm cho Người già và Người sống sót (OASI) và Bảo hiểm Khuyết tật (DI) – sẽ cạn kiệt vào năm 2034.
Ông Swagel nêu rõ, “Vào năm 2034, doanh thu An sinh Xã hội dự kiến sẽ chỉ bằng 75% chi tiêu dự kiến của chương trình này, dẫn đến thiếu hụt 25%. Do đó, CBO ước tính rằng trợ cấp An sinh Xã hội sẽ giảm 25% vào năm 2034 theo dự tính về phúc lợi có thể trả được.”
Trong buổi phỏng vấn với The Epoch Times hồi đầu năm nay, Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa–Florida) nói rằng cựu Tổng thống Donald Trump có thể giải quyết cuộc khủng hoảng mất khả năng chi trả an sinh xã hội bằng cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông nói: “Nếu nền kinh tế của chúng ta có tăng trưởng hiệu quả, thì chúng ta sẽ có thể đủ chi cho nhu cầu của mình.”