Vài mẩu chuyện thú vị về ông Tưởng Giới Thạch
Ngưỡng Nhạc
Ông Tưởng Giới Thạch là một nhà lãnh đạo nổi tiếng của Trung Quốc thời cận đại. Hầu hết mọi người thường cho rằng ông là một nhà quân sự lạnh lùng. Thực ra, nếu đọc nhật ký của ông và hồi ký của các cận vệ của ông trước đây, chúng ta có thể bắt gặp nhiều mẩu chuyện về sự nhiệt tình, gần gũi của ông đối với mọi người. Những câu chuyện như vậy xuất hiện nhiều nhất trong thời gian ông thực hiện chuyến “du ngoạn bằng xe hơi”. Đây là một trong những hoạt động giải trí mà ông yêu thích nhất.
Câu chuyện chó cắn chết gà
Một lần, ông Tưởng Giới Thạch đi du lịch bằng xe hơi cùng với hai người cháu của mình – Tống Bá Hùng và Tống Trọng Hổ, là con của em trai phu nhân Tống Mỹ Linh. Hai người này lớn lên ở California, Hoa Kỳ, về Đài Loan nghỉ hè. Khi đó họ có lẽ đang ở độ tuổi học sinh trung học đệ nhất cấp. Lúc xe đến vùng nông thôn, họ xuống xe tản bộ. Con chó mà hai anh em mang theo đột nhiên trở cơn hung dữ, cắn chết một con gà của gia đình nông dân lân cận. Hai anh em thấy vậy lập tức tìm đến gia đình nông dân kia để xin lỗi, đồng thời đưa một tờ dollar Mỹ muốn bồi thường. Sau khi biết được, ông Tưởng Giới Thạch không chỉ tự mình xin lỗi gia đình người nông dân, mà còn nói với hai cháu rằng: “Chuyện này đương nhiên chúng ta nên bồi thường, nhưng một tờ dollar Mỹ không mua được một con gà. Các cháu biết giá thịt gà trên thị trường là bao nhiêu không?” Sau đó, ông cho phó thị vệ bồi thường cho gia đình nông dân với giá cao hơn thị trường.
Ông Tưởng Giới Thạch thường mượn các cuộc “du ngoạn bằng xe hơi” để tiếp xúc trò chuyện với người thân và thuộc cấp của mình. Khi đi cùng cháu trai Tưởng Hiếu Dũng và Tưởng Hiếu Vũ, ông thường yêu cầu các cháu đọc thuộc những đoạn trong các tác phẩm kinh điển truyền thống của Trung Hoa như “Luận Ngữ”, “Đại Học”, “Trung Dung” khi ngồi trong xe. Nếu các cháu không thuộc thì ông đọc tiếp đoạn bị bỏ sót, đồng thời giảng giải hàm nghĩa của từng câu. Qua các chuyến du ngoạn bằng xe hơi, ngoài việc gặp gỡ và dạy bảo cháu mình, ông còn có mục đích muốn hiểu biết thêm về phong thổ, dân tình, và tình hình quản lý nhà nước ở các địa phương, ‘công tư đôi việc’.
Cầu nguyện giúp dân vì hạn hán lâu ngày
Một lần, ông lái xe đến khu nghỉ mát ở hồ Nhật Nguyệt. Lúc này Đài Loan đang trải qua một đợt hạn hán kéo dài, đã lâu rồi trời chưa mưa khiến mực nước trong hồ Nhật Nguyệt rất cạn, ruộng đồng vùng phụ cận đều khô kiệt. Sau khi biết được tình hình hạn hán, ông vô cùng lo lắng. Ông căn dặn tùy tùng mỗi ngày đến ruộng đào đất lên để kiểm tra tình hình hạn hán, đồng thời liên tục hỏi đơn vị khí tượng về tình hình dự báo thời tiết. Khi biết được tình hình hạn hán trước mắt khó giải quyết, ông mỗi ngày cầu nguyện, cầu xin Trời cho mưa xuống. Sau hơn mười ngày, mưa lớn cuối cùng cũng đổ xuống Đài Loan, tạm thời hóa giải áp lực cho nông dân.
Trong hồi ký của mình, ông Quách Bân Vĩ (Guo Binwei) – từng là sĩ quan vệ sĩ của ông Tưởng Giới Thạch – đã nói rằng: Khi ông Tưởng Giới Thạch ngồi trên xe hơi, nếu nhìn thấy tình trạng đất sườn núi bị khai thác hoặc chặt cây quá mức thì ông sẽ rất giận. Ông luôn hy vọng có thể bảo vệ được nguyên dạng núi rừng. Có lần, chỉ vì bảo vệ một cái cây mà ông thà di dời [việc thi công] nhà ra cách cây vài mét. Khi xây dựng các công trình nghỉ mát của ông như biệt thự Từ Hồ, Tân quán Trung Hưng, Hàm Bích Lâu ở hồ Nhật Nguyệt đều tuân thủ nguyên tắc này. Trong lộ trình du ngoạn bằng xe hơi, nếu nhìn thấy nội thành dơ dáy bẩn thỉu, các kiến trúc công cộng bị hư hại, thì ông bảo thư ký thông báo cho đơn vị liên quan để cải thiện tình hình. Ông cũng thường xuyên xuống xe tiếp xúc với người dân vùng đó để hiểu thêm về cuộc sống của họ.
Câu chuyện về chiếc xe của Tổng thống
Có một mẩu chuyện liên quan đến chiếc xe hơi mà ông Tưởng Giới Thạch thường dùng. Một lần, các Hoa kiều ở hải ngoại đã góp tiền mua tặng ông Tưởng một chiếc xe sang trọng, nhưng không ngờ lại khiến ông tức giận. Ông chỉ ngồi thử vào chiếc xe đó một lần rồi không sử dụng nữa. Có chuyện gì xảy ra vậy?
Sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, hãng xe hơi General Motors của Hoa Kỳ đã chế tạo thủ công bốn chiếc xe Cadillac hạng sang cho bốn vị lãnh đạo của bốn cường quốc trong phe Đồng Minh tại thời điểm đó. Trung Hoa Dân Quốc là một trong bốn cường quốc. Chiếc xe Cadillac này trở thành xe của ông Tưởng Giới Thạch. Khi chính phủ Quốc Dân chuyển đến Đài Loan, chiếc xe này cũng được vận chuyển theo.
Khoảng năm 1952–1953, vì xe của Tổng thống đã cũ, có người đề nghị thay xe. Ông Tưởng Giới Thạch là người rất tiết kiệm và hoài cổ, nên ban đầu ông không muốn thay xe. Tuy nhiên, muốn đến khách sạn Thảo Sơn, nơi ông ở lúc đó phải chạy xe leo lên một con dốc rất dài, có một đoạn đường phải quẹo cua. Chiếc xe cũ chạy qua đoạn đường này khá khó khăn, nên cuối cùng ông đành phải đồng ý đổi xe, giao xe cũ cho vệ sĩ sử dụng làm việc.
Các Hoa kiều ở Philippines nghe tin Tổng thống cần xe mới, họ đã gây quỹ và đặt một chiếc Cadillac được chế tạo đặc biệt làm quà tặng. Chiếc xe này không chỉ có cửa sổ sử dụng kính phản quang, ở bên ngoài không thể nhìn thấy tình hình bên trong xe, mà xe còn được trang bị lớp bọc thép đặc biệt có tác dụng chống đạn. Vì thế trọng lượng của chiếc xe lên tới ba tấn. Tuy nhiên, sau khi chiếc xe này được chuyển đến Đài Loan, ông Tưởng chỉ ngồi vào xe thử một lần rồi tức giận nói với tùy tùng rằng: Vì sao phải dùng loại xe này? Không cần loại xe này! Ở Đài Loan đều là đồng bào của tôi, tôi không cần bất kỳ trang bị bảo vệ chống đạn nào cả. Từ đó về sau, ông Tưởng Giới Thạch không bao giờ ngồi vào chiếc xe này nữa và nó trở thành “chiếc xe kiểng”.
Về chuyện này, ông Quách Bân Vĩ, người vệ sĩ năm đó đã từng cho biết thêm: Bên ngoài có rất nhiều tin đồn rằng, áo choàng của Ngài ấy (Tưởng Giới Thạch) có khả năng chống đạn, vì sợ bị người khác ám sát. Thực sự không có chuyện đó! Ông ấy bình thường như chúng tôi, thậm chí có nhiều trang bị còn không đầy đủ bằng chúng tôi…
Vào thời đó, với quyền hạn của mình, ông Tưởng Giới Thạch có thể sắp xếp một lực lượng quân cảnh lớn để mở đường, giải quyết vấn đề đi lại. Nhưng mỗi khi đi ra bên ngoài, ông thường yêu cầu tùy tùng đừng hạn chế người dân tiếp cận ông, không muốn quấy nhiễu cuộc sống của dân chúng. Ngày nay, trên phương tiện truyền thông, chúng ta có thể nhìn thấy lãnh đạo của các nước lớn bất luận là đi đến nơi nào, đều có đội quân bảo vệ với súng thật đạn thật, bảo vệ an toàn chặt chẽ đến mức giống như giọt nước không lọt được ra ngoài. Càng như thế, càng thấy rõ phong thái giản dị tự nhiên và sự thân thiện, gần gũi với người dân, rộng rãi vô tư của Tổng thống Tưởng Giới Thạch.
Tài liệu tham khảo: “Vị Tổng thống đầu tiên Tưởng Công Trung Chính vĩ đại” của Đỗ Anh Mục, Nhà xuất bản Danh Vọng xuất bản năm Dân Quốc 76 (năm 1987); “Những điều thú vị trong cuộc đời Tưởng Trung Chính” của Trần Lập Văn, Văn phòng Quản lý Nhà tưởng niệm Quốc gia Trung Chính xuất bản năm 2015.