Vai trò của công nghệ chuỗi khối đối với tiền điện toán của Trung Cộng và tham vọng bá chủ tài chính toàn cầu
Trung Cộng đã thúc đẩy dự án tiền điện toán trong những năm gần đây.
Ngân hàng trung ương của Trung Cộng đã tiến hành nghiên cứu về tiền điện toán (digital currency) kể từ năm 2014. Vào tháng 08/2019, một báo cáo của Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của Trung Cộng cho biết, tính đến nay, Viện Nghiên cứu Tiền Điện toán của ngân hàng trung ương [Trung Cộng], được thành lập vào năm 2017, “đã nộp hồ sơ xin cấp 74 bằng sáng chế liên quan công nghệ tiền điện toán.”
Một báo cáo khác của Tân Hoa Xã vào tháng 10/2019 đã tiết lộ về tầm quan trọng của tiền điện toán và công nghệ chuỗi khối (blockchain) đối với Trung Cộng. Theo báo cáo, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã gợi ý trong chương trình học tập tập thể lần thứ 18 của Bộ Chính trị rằng công nghệ chuỗi khối cần “đóng một vai trò lớn hơn trong việc xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc mạng, phát triển nền kinh tế điện toán và giúp phát triển kinh tế và xã hội.”
Kể từ đó, đã có những báo cáo trên các phương tiện truyền thông của Trung Cộng về việc thử nghiệm đồng tiền nhân dân tệ điện toán (digital yuan currency) ở một số nơi, bao gồm hai thành phố – Thâm Quyến và Trường Sa – và tỉnh Hải Nam ở miền nam Trung Quốc. Các thành phố ở miền đông Trung Quốc được đưa vào chương trình này là Thượng Hải và Tô Châu, cùng với các thành phố phía bắc Thanh Đảo và Đại Liên. Các thành phố và khu vực khác bao gồm cả Tây An (tây bắc Trung Quốc), Thành Đô (tây nam Trung Quốc), và Tân khu Hùng An (ở tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 90 dặm).
Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng 03/2021, Trung Cộng đã đề nghị rõ ràng về việc “xây dựng lợi thế mới trong nền kinh tế điện toán” và “tích cực tham gia vào việc xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế cho công nghệ điện toán như bảo mật dữ liệu, đồng tiền điện toán, và thuế điện toán.”
Với sự thúc đẩy mạnh mẽ để số hóa đồng tiền của Trung Quốc, tích cực tham gia vào việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế, và bắt đầu thử nghiệm thanh toán điện toán xuyên biên giới, thì rõ ràng là tham vọng của Trung Cộng đã vượt ra ngoài các biên giới quốc gia.
Trung Cộng tìm kiếm ‘Một địa cầu, hai hệ thống’
Ông Liang Xinjun, một chuyên gia Trung Quốc trong lĩnh vực tiền điện toán, đồng thời là người đồng sáng lập của Fosun Group, cho biết trong một bài diễn văn vào ngày 30/04/2021 rằng “Việc thực hiện chuyển đổi liền mạch đồng tiền điện toán của chính phủ (Thanh toán Điện tử Tiền Điện toán, gọi tắt là DCEP) và tiền điện toán cộng đồng ở nhiều quốc gia hơn, và sau đó khai triển lưu thông thanh toán toàn cầu, là một giải pháp tài chính của ‘Một Địa cầu, Hai Hệ thống.’”
Tiền điện toán của chính phủ, hoặc DCEP, mà ông Liang đề cập đến là một dạng điện toán của đồng nhân dân tệ do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phát hành, có các chức năng và thuộc tính tương tự như tiền giấy pháp định, được bảo đảm bởi tín nhiệm quốc gia của Trung Quốc, và là phương tiện thanh toán hợp pháp không giới hạn.
Đồng tiền [điện toán] cộng đồng, một loại tiền tệ được phát hành ở cấp địa phương để sử dụng cho các doanh nghiệp tham gia, chỉ có thể được lưu hành trong một cộng đồng cụ thể dựa trên sự chấp nhận của các thành viên cộng đồng. Nó đã phát triển từ thẻ nhựa truyền thống sang phần mềm tiền điện toán trên điện thoại di động đến công nghệ chuỗi khối hiện tại và cũng đã phát triển thành tiền điện toán.
“Một Địa cầu, Hai Hệ thống” mà ông Liang nhắc tới đề cập đến cả hệ thống chuyên chế cộng sản do Trung Cộng đại diện và hệ thống dân chủ phương Tây, do Hoa Kỳ đại diện, đã cùng tồn tại trên thế giới.
Bình luận của ông Liang cho thấy tham vọng của Trung Cộng trong việc thiết lập hệ thống tài chính điện toán của riêng mình.
Tham vọng bá chủ tài chính toàn cầu của Trung Cộng
Trung Cộng đã thiết lập CIPS (Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên Biên giới), là hệ thống thanh toán xuyên biên giới dựa trên nhân dân tệ, tương tự như SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu) tại Thượng Hải vào tháng 07/2015.
Theo trang web của CIPS, “Tính đến cuối năm 2019, đã có 33 thành viên tham gia trực tiếp và 903 thành viên tham gia gián tiếp vào hệ thống CIPS, tăng lần lượt là 74% và 413% so với lần ra mắt đầu tiên.”
“Hệ thống hiện bao phủ 94 quốc gia và các khu vực trên sáu lục địa, và hoạt động kinh doanh của CIPS thực sự bao phủ hơn 3,000 pháp nhân ngân hàng tại 167 quốc gia và khu vực.” Tính đến năm nay, “số tiền thanh toán tích lũy đạt 151 triệu nhân dân tệ, và hoạt động bao phủ đến nhiều quốc gia và các khu vực như Hồng Kông, Malaysia, Úc, và Nam Phi.”
Nhưng Trung Cộng cũng nhận ra rằng không có khả năng đe dọa ngay lập tức đồng dollar Hoa Kỳ trong hệ thống thanh toán quốc tế hiện tại. Sự thúc đẩy mạnh mẽ của Trung Cộng đối với các loại tiền điện toán và quy định chặt chẽ về các loại mã kim (cryptocurrencies) cho thấy rằng họ đang đẩy mạnh việc nghiên cứu và quảng bá trong các lĩnh vực này để sử dụng chúng như một vũ khí tài chính chống lại Hoa Kỳ.
Một bài báo được xuất bản trên Coindesk vào ngày 17/05/2019, có nhan đề “đồng Nhân dân tệ Điện toán: Một đồng tiền Pháp định để làm tiền mặt cơ sở vĩ đại trở lại,” bao gồm một số khía cạnh thú vị đáng chú ý.
“Trái ngược với những gì nhiều người nghĩ, Trung Quốc không phản đối công nghệ chuỗi khối,” cô Dovey Wan, thành viên sáng lập tại Primitive Ventures, “một công ty đầu tư mạo hiểm toàn cầu tập trung vào công nghệ chuỗi khối và các công nghệ liên quan,” đã viết ở phần đầu bài báo của mình.
Cô cho rằng đồng tiền điện toán của Trung Quốc có thể có ảnh hưởng lớn kinh tế và chính trị.
Cô viết: “Nếu thành công, dự án đồng RMB (nhân dân tệ) điện toán này có thể mở rộng ảnh hưởng của ngân hàng trung ương [Trung Cộng] đối với cả nền kinh tế trong nước và quốc tế. Nó có ý nghĩa rộng rãi đối với các vấn đề địa chính trị của tiền tệ và tương lai của các loại mã kim tư nhân như bitcoin.”
Trong phân tích của mình, cô chỉ ra rằng công nghệ chuỗi khối có thể giúp ích cho dự án tiền điện toán của Trung Cộng.
Cô viết: “Nhờ khả năng truy xuất và khả năng lập trình của công nghệ chuỗi khối, PBOC [Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương của Trung Cộng] có thể thảo ra các quy định về mã hóa liên quan đến đồng RMB điện toán có thể và không thể lưu thông. Ví dụ, nếu họ muốn hạ nhiệt thị trường nhà ở, họ có thể chỉ cần thiết lập một chương trình ngăn chặn đồng RMB điện toán đi vào lĩnh vực bất động sản.”
Cô cũng cho biết thêm rằng, “Một đồng RMB điện toán thậm chí có thể tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở hải ngoại.”
“Nếu sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường thành công, một loại tiền điện toán, không biên giới, ổn định có thể tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế giữa hơn 60 quốc gia thành viên. Điều này, cùng với thực tế là Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất đối với Venezuela và nước này nắm giữ hơn 14% khoản nợ quốc gia của các nước Phi Châu, sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc đưa ra một đồng nhân dân tệ điện toán làm đồng tiền dự trữ tiếp theo của các nền kinh tế thuộc các thị trường mới nổi.”
Cô viết rằng việc quảng bá đồng tiền điện toán của Trung Quốc sẽ “có tính kết hợp cao với nỗ lực khử dollar hóa nghiêm ngặt của Trung Quốc: giảm tài sản bằng dollar Hoa Kỳ trong cả dự trữ ngoại hối, tăng phần lớn dự trữ vàng và bán bớt Trái phiếu nợ của Hoa Kỳ. Những biện pháp này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và thậm chí có thể buộc Hoa Kỳ theo đuổi một mô hình điện toán tương tự cho đồng dollar.”
Trong một bài báo vào tháng 09/2020 trên trang web của Sina, một trong những cơ quan ngôn luận trực tuyến của Trung Cộng, cũng tiết lộ một trong những mục đích ẩn giấu của Trung Cộng trong việc sử dụng tiền điện toán và công nghệ chuỗi khối.
“Tiền điện toán số chỉ là bề nổi, nhưng việc thiết lập lại mạng lưới thanh toán là một kế hoạch đầy tham vọng có ảnh hưởng sâu rộng.”
Bài báo lập luận rằng Trung Cộng chú ý vào SWIFT, “mạng lưới thanh toán tiền tệ phổ biến đằng sau quyền lực bá chủ của đồng dollar Hoa Kỳ,” bởi vì “mạng lưới này hỗ trợ kỹ thuật để đồng dollar trở thành đồng dollar Hoa Kỳ” và bởi vì “đây là kỹ thuật hỗ trợ để đồng dollar Hoa Kỳ trở thành vàng của Hoa Kỳ.”
Bài báo cũng nêu rõ: “Việc thiết lập lại hệ thống thanh toán quan trọng hơn nhiều so với việc xây dựng một đồng tiền điện toán. Nếu hệ thống mã nguồn mở này của DCEP được thực hiện đủ tốt để các quốc gia khác có thể phát hành và chuyển đồng nội tệ của họ một cách an toàn và nhanh chóng trên công nghệ chuỗi công khai này, thì việc xây dựng một hệ thống tài chính mới sẽ dễ dàng… Đó sẽ là một thành tựu đột phá.”
Bài báo lưu ý rằng “thế giới [tiền] pháp định do đồng dollar thống trị đang trong cuộc khủng hoảng tài chính liên tục và nên có nhiều đối thủ cạnh tranh lành mạnh hơn.” Nó cho rằng “DCEP có một chương trình mở linh hoạt hơn” và việc tìm kiếm sự thống trị của DCEP “nên là tham vọng lớn nhất của Trung Quốc về tiền điện toán.”
Một số tuyên bố gần đây của ông Li Bo, phó chủ tịch ngân hàng trung ương của Trung Cộng, dường như nêu bật tầm quan trọng mà Trung Cộng đặt vào các loại tiền điện toán dựa trên công nghệ chuỗi khối như bitcoin và các loại mã kim, chẳng hạn như các loại mã kim cố định giá (stable coin).
Ông cho biết trong một bài diễn văn ngày 18/04/2021 tại Diễn đàn Boao của Á Châu rằng ngân hàng trung ương đang nghiên cứu các quy tắc quản lý đối với các loại mã kim như bitcoin và các loại mã kim cố định giá.
Ông Li nói: “Bất kỳ loại mã kim cố định giá nào muốn trở thành công cụ thanh toán được sử dụng rộng rãi trong tương lai đều phải tuân theo quy định nghiêm ngặt.”
Nói chung, mã kim cố định giá là một loại mã kim được thế chấp bằng giá trị của tài sản căn bản.
Ông Yu Jianing, chủ tịch luân phiên của Ủy ban Chuyên trách về công nghệ chuỗi khối của Hiệp hội Công nghiệp Truyền thông Trung Quốc, cũng nói rằng các loại mã kim cố định giá là một trong những ứng dụng công nghệ chuỗi khối quan trọng có tiềm năng cách mạng hóa hệ thống thanh toán toàn cầu.
Cho dù đó là các đồng tiền điện toán, công nghệ chuỗi khối, hay các loại mã kim cố định giá, Trung Cộng đều muốn kiểm soát chúng và sử dụng chúng làm công cụ để thay đổi trật tự tài chính toàn cầu.
Phản hồi từ Hoa Kỳ
The Epoch Times đưa tin hồi tháng 04/2021 cho hay ông Kyle Bass, người sáng lập và là giám đốc đầu tư của Hayman Capital Management có trụ sở tại Dallas, đã cảnh báo rằng Trung Cộng đang sử dụng đồng tiền điện toán của mình như “một con ngựa thành Troy chống lại các nền dân chủ phương Tây.”
Ông nói rằng “Thế giới tự do cần phải nghiêm cấm nó.”
Ông Peter Thiel, người đồng sáng lập PayPal, đã bày tỏ mối lo ngại của mình về việc sử dụng các loại mã kim của Trung Cộng.
Ông nói tại một sự kiện trực tuyến được tổ chức cho các thành viên của Quỹ Richard Nixon, “Bitcoin cũng nên được coi [một phần] như một vũ khí tài chính của Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ.”
Bloomberg trích dẫn lời ông hôm 08/04/2021 cho rằng “Bitcoin đe dọa [các] đồng tiền pháp định, nhưng đặc biệt đe dọa đồng dollar Hoa Kỳ.”
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Cynthia Lummis (Cộng Hòa–Womyn) cho biết trong một tuyên bố trên mạng xã hội ngày 19/05/2021 rằng, “Trung Quốc đã tung ra đồng nhân dân tệ điện toán ở một số thành phố được lựa chọn, và cuối cùng họ muốn sử dụng nó để làm suy yếu vị thế của đồng dollar Hoa Kỳ trong thế giới tài chính. Đây là vấn đề an ninh quốc gia, và nếu Hoa Kỳ không phản ứng, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau.”