Vài vấn đề then chốt về quốc phòng Nhật Bản
GRANT NEWSHAM
Điều gì đang thúc đẩy Nhật Bản và Thủ tướng Kishida? Đó là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC). Ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc khiến Nhật Bản xem trọng nền quốc phòng – điều mà người Mỹ chưa bao giờ thành công đến vậy.
Khá nhiều người Nhật lo ngại về mối đe dọa quân sự của CHND Trung Hoa vào hồi đầu những năm 2000, nếu không muốn nói là từ trước đó. Thật vậy, những nỗ lực của Thủ tướng đương thời Abe trong năm 2006 và năm 2007 nhằm thiết lập liên minh “Bộ tứ” giữa các nền dân chủ lớn trong khu vực – Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, và Ấn Độ – là do các mối lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Nhật Bản đã và đang âm thầm xây dựng hệ thống phòng thủ của mình trong suốt thời gian đó. Chẳng hạn như, vào cuối những năm 2000, “hàng không mẫu hạm trực thăng chống chiến hạm ngầm” của Nhật Bản – các hàng không mẫu hạm được sửa đổi một chút – đã sẵn sàng hoạt động rồi, và thế hệ tiếp theo đã được đưa vào chế tạo. Các kế hoạch ”xây thành phòng thủ” chuỗi đảo Nansei Shoto của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (GSDF) cũng được phát triển trong khoảng thời gian đó.
Thế nhưng việc đội tàu đánh cá của Trung Quốc, Hải Cảnh Trung Quốc, và Hải quân Trung Quốc xâm nhập vào quần đảo Senkaku của Nhật Bản vào khoảng năm 2012 mới là điều thực sự thu hút sự chú ý của Tokyo, khiến việc xây dựng nền quốc phòng nhanh hơn, dù có sự thận trọng. Tuy nhiên, có lẽ quá trình xây dựng đó cũng đã quá thận trọng. Trung Cộng đã không ngừng nhòm ngó các hòn đảo phía nam của Nhật Bản, khiến Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) và Lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản phải bận rộn ở phía nam. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên vì từ năm 2016 đến năm 2020, Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân đã điều động số lượng tàu nhiều bằng toàn bộ số tàu trong hạm đội hải quân Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, các bước xây dựng nền quốc phòng vững mạnh của Nhật Bản dường như rõ rệt hơn và đang tiến nhanh hơn, đặc biệt là việc ông Kishida tuyên bố tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng – là điều thực sự thu hút sự chú ý của mọi người. Các hướng dẫn quốc phòng của Nhật Bản không còn vòng vo nữa và giờ đây mô tả Trung Quốc là vấn đề cần phải giải quyết.
Nhìn chung, Nhật Bản nhận ra rằng không có thỏa thuận nào với CHND Trung Hoa. Và Nhật Bản đang bắt buộc phải tự bảo vệ.
Liệu có phải mối đe dọa Bắc Hàn khiến Nhật Bản củng cố nền quốc phòng đến mức này không? Tôi e rằng không phải vậy. Đó chủ yếu là vấn đề tăng cường hệ thống phòng thủ phi đạn điều khiển, và có thể mua sắm một số phi đạn tầm xa – cái gọi là các vũ khí phản công cần thiết để tấn công các mục tiêu ở Bắc Hàn.
Một trong những điều thúc đẩy Nhật Bản xây dựng nền quốc phòng của mình cũng là vì những lo ngại rằng Hoa Kỳ có thể không bảo vệ được Nhật Bản nếu quốc gia Á Châu này không tự mình hành động. Thật vậy, Tokyo luôn lo lắng về việc “Nhật Bản bị lờ đi” – hay nói cách khác, người Mỹ không còn quan tâm tới Nhật Bản nữa và thậm chí dàn xếp với Trung Quốc để Nhật Bản tự lo liệu.
Nhật Bản có khó từ bỏ chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến không?
Không thực sự là vậy. Chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản luôn là một điều kỳ lạ và phần nào chỉ là sự tô điểm về mặt đạo đức. Bất chấp tất cả những nhược điểm của mình, JSDF luôn là một quân đội thực thụ. Ngoài ra, Nhật Bản theo chủ nghĩa hòa bình luôn khẳng định rằng người Mỹ tiêu diệt bất kỳ ai đe dọa Nhật Bản. Đó đúng là chủ nghĩa hòa bình! Với việc Trung Quốc đang vô cùng giận dữ, thì hiện nay không ai ở Nhật Bản nói nhiều về chủ nghĩa hòa bình nữa.
Để cải thiện quân đội nhanh chóng như vậy, Nhật Bản gặp thách thức lớn nhường nào? Liệu có quá trễ không?
Liệu có quá trễ không? Có thể có, mà cũng có thể không. Tokyo lẽ ra đã phải bắt đầu hành động nhanh hơn ít nhất một thập niên trước. Nhưng đây thật sự luôn là lúc các quốc gia tự do bừng tỉnh và nhận ra rằng họ đang gặp nguy hiểm trước các chế độ độc tài, hiếu chiến. Mọi thứ cứ luôn muộn màng như vậy.
Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ không bắt đầu từ con số không. Họ có tố chất có thể tạo ra sức mạnh nào đó. Nhưng do những hạn chế – hầu hết là tự áp đặt – đối với sự phát triển của JSDF, nên đây là một lực lượng có phần méo mó và quy mô nhỏ hơn bình thường. Chẳng hạn, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải (MSDF) phải có quy mô gấp đôi mới có thể đảm nhận được các nhiệm vụ hiện tại. Lực lượng Phòng vệ Trên không (ASDF) không được kết hợp tốt với các cơ quan khác, và dường như thích bay vòng quanh ở độ cao 30,000 feet (9,144 mét) để chờ một trận không chiến. Lực lượng này cũng nhỏ hơn mức cần thiết.
GSDF đã đạt được một số tiến bộ khả quan trong thập niên vừa qua khi trở thành một lực lượng cơ động hơn – bằng chứng là Lữ đoàn Điều động Nhanh Đổ bộ – và họ thậm chí có thể phối hợp với MSDF nhiều hơn những gì người ta tưởng tượng. Nhưng GSDF phải đương đầu với hàng thập niên tập trung bảo vệ Hokkaido phòng khi có cuộc xâm lược của Nga – một cuộc xâm lược chưa bao giờ xảy ra.
JSDF cần tìm ra các hoạt động chung (hoặc kết hợp), để ba quân chủng JSDF có thể phối hợp với nhau. Nếu không thì, hiệu suất hoạt động chung của JSDF thậm chí còn không bằng hiệu suất của từng quân chủng cộng lại. Đang có sự tính toán sắp xếp để đạt được năng lực đó, nhưng sẽ mất một vài năm – và nếu thành công, thì để thành thạo các hoạt động phối hợp/kết hợp cũng cần có thời gian và sự rèn luyện.
Một vấn đề khác là việc chiêu binh. JSDF đã và đang không đạt được mục tiêu 20% trong nhiều năm. Tuy nhiên, đó không phải do dân số đang giảm. Một lý do khác là vì phục vụ trong JSDF chưa bao giờ là một nghề nghiệp được tôn trọng – do các chính phủ, truyền thông, và giới học thuật đã cố gắng hết sức để làm bẽ mặt và kiềm chế JSDF trong nhiều thập niên. Ngoài ra, phục vụ trong JSDF được trả lương thấp, điều kiện sống gần giống như khu ổ chuột, và không phúc lợi giống như khi phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ.
Thông báo rằng Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng là việc dễ dàng, nhưng chi tiêu vào những mục thích hợp là điều khó khăn. Nhật Bản thực sự không biết mình cần gì – dù là mức độ năng lực hay mức độ khí giới – để tham chiến. Hy vọng rằng phía Hoa Kỳ sẽ lặng lẽ gửi một số nhà hoạch định chiến tranh giỏi đến Nhật Bản, liên kết họ với những người phù hợp, và để họ vạch ra những gì cần thiết (và cả những gì Hoa Kỳ cần từ Nhật Bản). Điều đó sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, đỡ lãng phí công sức và tiền bạc.
Một số thiếu sót khác cần được giải quyết – và đẩy nhanh – là các vấn đề thực tế về tiếp vận, vật liệu chiến tranh, giải quyết và thay thế thương vong, các quy trình điều động, phòng thủ dân sự, v.v. Thật khó để tham chiến nếu như những yếu tố này chưa sẵn sàng và, trong trường hợp của Nhật Bản, thì họ vẫn chưa sẵn sàng.
Khả năng hoạt động phối hợp với các lực lượng Hoa Kỳ cũng cần nhiều nỗ lực. Sự hợp tác giữa hải quân hai nước thì khá tốt, nhưng ngoài ra, còn nhiều điều cần phát triển. Quân đội hai nước thiếu sót về mặt này đến mức mà quý vị sẽ không nghĩ rằng người Mỹ và người Nhật đã có mối quan hệ quốc phòng hơn 60 năm.
Quý vị nên hoài nghi khi các quan chức nói rằng liên minh quân sự giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu mãi cho đến lúc quý vị nhìn thấy Bộ chỉ huy liên quân ở Nhật Bản – nơi quân đội hai nước đang tiến hành các hoạt động thời bình và thời chiến cần thiết để bảo vệ Nhật Bản.
Nhật Bản có đóng vai trò tích cực trong bất kỳ cuộc xung đột Hoa Kỳ–Trung Quốc về Đài Loan không?
Nhật Bản nên đóng vai trò như vậy. Nếu Nhật Bản không giúp sức, thì liên minh Hoa Kỳ–Nhật Bản sẽ sụp đổ trong thời gian ngắn. Trớ trêu thay, nhưng không ngạc nhiên, cách đây không lâu tôi đã nghe một học giả Nhật Bản nói rằng nếu Hoa Kỳ không chiến đấu để bảo vệ Đài Loan, thì người Nhật sẽ rời bỏ liên minh. Tuy nhiên, ông không hề đề cập đến việc Nhật Bản tham gia vào cuộc chiến đó. Quả thực, ông ấy đã chỉ ra rằng làm vậy sẽ khó khăn như thế nào từ một góc độ pháp lý, cũng như sẽ làm đảo lộn mối quan hệ kinh tế của Nhật Bản với CHND Trung Hoa. May mắn thay, hầu hết người Nhật đều nắm bắt được vấn đề nhiều hơn nhà nghiên cứu đó.
Nhật Bản nhận thức rõ rằng “phòng thủ cho Đài Loan là phòng thủ cho Nhật Bản.” Các sĩ quan JSDF đã nói điều đó từ nhiều năm trước, nhưng bây giờ câu nói này đã được hiểu một cách rộng rãi.
Nhật Bản sẽ xem xét những gì người Mỹ sẽ làm, và sau đó tìm hiểu những gì Nhật Bản sẽ làm. Điều đó không có gì lạ.
Tôi hy vọng rằng Nhật Bản sẽ khai triển JSDF – đặc biệt là Hải quân và Không quân – và sẽ hậu thuẫn người Mỹ, kể cả việc “khai hỏa” ở chừng mực nào đó. Lực lượng Phòng vệ Mặt đất sẽ hoạt động tích cực ở quần đảo Nansei Shoto với các vũ khí giám sát và tầm xa, và thậm chí có thể hoạt động với Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.
Đáng tiếc là, có vẻ như Nhật Bản chưa có kế hoạch cần thiết cho một tình huống bất ngờ ở Đài Loan, và không rõ liệu người Nhật và người Mỹ có một kế hoạch chung hay không. Có lẽ ý tưởng là ‘tùy cơ ứng biến’ nếu có chuyện xảy ra. Làm như vậy thì chỉ có thua cuộc.
Dừng lại để suy ngẫm thì Nhật Bản đã đạt được rất nhiều bước tiến. Nếu quý vị đã biết về tình hình quốc phòng của Nhật Bản vài thập niên trước, thì hôm nay hầu như nền quốc phòng đó thay đổi đến mức không nhận ra được nữa. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều việc phải làm mà còn lại rất ít thì giờ để hoàn thành.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Grant Newsham là sĩ quan Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đã về hưu, cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ, và đồng thời là giám đốc điều hành, người đã sống và làm việc nhiều năm tại khu vực Á Châu/Thái Bình Dương. Ông từng là trưởng ban tình báo dự bị của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Thái Bình Dương, và là tùy viên Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tokyo trong hai nhiệm kỳ. Ông là một thành viên cao cấp của Trung tâm Chính sách An ninh.