Vàng mã
Việc sinh tử vô-thường ; sự cát hung, hoạ phúc khó lượng. Lúc ốm đau, khi lo sợ, cuộc nhân-sinh nhiều nỗi éo-le,… Rủi rủi, may may, bày bày, xoá xoá…Người ta tin tưởng rằng trong chỗ vô-hình, chắc có do một sức mạnh ngấm-ngầm chủ-trương. Bởi thế mới phát sinh ra cái quan niệm về quỷ, thần, mới có sự cúng-tế để cầu phúc, tránh họa.
Tại Trung-hoa, về đời thượng-cổ, một bọn đồng cốt đã lợi-dụng lòng tín-tưởng của quần chúng, đem những điều cát hung họa phúc, dùng những phương-thuật huyền-hoặc đánh lừa quốc dân, để làm kế sinh-nhai. Thậm chí nhà nào cũng thờ quỷ thần !
Dân-chúng bị mê-hoặc, không hiểu rõ chính lý của trời đất, không phân biệt thiện, ác, chỉ tìm mối hoạ-phúc ở chỗ mơ-màng mù -mịt, nên đế-vương đời trước mới định rõ điển-lễ, để phân-biệt người với thần, để chính lòng người.
Đạo thánh-hiền tuy công-chính nhưng chỉ cảm-hoá được thiểu số có học-thức, còn ngoài ra con người vẫn bị vật-dục làm mờ tối, nên cái thuật của bọn vu-nghiễn (thầy pháp) vẫn được công-hành. Về sau, các vương-giả phải đặt quan Tư-vu để cai quản bọn-vu-nhân.
Việc cúng-bái theo theo sự mê-tín của quần-chúng mỗi ngày một phức-tạp mà do đó có nhiều tập-quán không sao bỏ được. Tục đốt vàng mã có nhẽ cũng tự nguyên-nhân ấy phát-sinh ra từ mấy nghìn năm nay. Nay thử lược khảo về sự-tích vàng mã trong lịch đại Trung-hoa và xét xem tục đốt đồ mã thâu-nhập vào nước ta từ thời-đại nào.
Nguyên nước Trung-hoa, về đời thượng-cổ, người chết không phong phần, không cây làm nghi, chỏ bó bằng củi , đem táng giữa nơi hoang-vu, không người qua lại thăm-viếng.
Đến năm 1269 trước Tây-lịch, vua Hoàng-đế truyền ông Xích-tương chế ra quan quách. Từ năm 2205 trước Tây-lịch nhà Hạ nặn đất ngói làm cỗ bàn, lấy tre và gỗ làm các khí-cụ như đàn, sáo, chuông, khánh, vân vân, gọi là minh-khí để chôn theo với người chết.
Minh-khí là đồ dùng của thần minh vua quỷ, nên cũng thường gọi là quỷ-khí rồi do đó, nẩy ra cái mầm dùng đồ mã.
Sau, nhà Ân lên thay nhà Hạ vào năm 1765 trước Tây-lịch. Trái với đời trước chôn minh-khí, đời này chôn tế-khí là đồ thực cả.
Nhà Châu (1122 trước Tây-lịch) chia người chết làm hai hạng ; quý và tiện. Quý, gồm từ thiên-tử xuống đến đại-phu, được kiêm dùng cả quỷ-khí và tế-khí. Tiện, từ sĩ-phu xuống đến thứ-dân, chỉ được dùng quỷ-khí mà thôi.
Lúc sinh-thời, vua yêu vợ nào, quý con nào, mến kẻ thị-dụng nào đến khi vua băng, những người ấy phải chôn sống theo vua, gọi là tuẫn-táng. Tục này không những dùng cho một thiên-tử, mà các vua chư hầu cũng đều theo cả.
Sau khi Tần Mục-công mất, ba anh em họ Tử-xa là Yêm-tức, Trọng-hành và Châm-hồ có tài-đức hơn người, đều phải tuẫn-táng ! Người trong nước tỏ nỗi xót thương, có làm thơ phản-đối tục chôn sống người vô-nhân-đạo ấy. Triều đình mới tìm vật khác thay cho người, nhân thế mà chế ra người bằng cỏ gọi là sô-linh.
Người bằng cỏ trông không được mĩ-quan, nên lại làm người bằng gỗ tức là mộc-ngẫu hay dũng do Yểu-tư chế ra từ năm 1001 đời Châu Mục-Vương.
Từ đời Hán về sau, nho giáo thịnh hành, việc dùng mộc ngẫu đều bị coi khinh, gian lại trở lại việc dùng đồ thực. Bao nhiêu đồ nhật dụng, bao nhiêu vàng, ngọc, châu báu, lúc chết đều đưa ra mộ. Vì tục tuẫn-táng đã coi là vô-nhân đạo, nên người đã không phải chôn sống nữa, chỉ phải lưu cư nơi mộ địa. Có khi, trên mộ lại đặt ngựa đá, voi đá, phỗng đá, cho thêm nghị vệ.
Đến năm đầu tiên, nguyên hiệu Nguyên-hưng (105) đời Hán Hoà-Đế, ông Thái-Luân lấy vỏ cây gió và rẻ rách chế ra giấy.
Về sau quan Chưởng-Sử nhà Đường là Vương-Dư mới nghĩ cách thay vàng bạc thực bằng tiền giấy để dùng vào việc tang ma, tế tự. Tiền giấy xuất hiện tự đời Huyền-Tôn nhà Đường năm Khai-Nguyên 26 (738) Vương-Dư được cử làm Thái-thường bác-sĩ coi việc thiêu đốt tiền giấy trong khi cúng tế.
Tiền giấy một khi đã được công hành, người ta lại nghĩ đến việc thay người cỏ, người gỗ hay người sống bằng người giấy gọi là hình-nhân để thế mạng. Rồi những đồ cúng cũng đều làm bằng giấy để dùng cho vong-giả.
Tục dùng đồ mã từ đó được ưa chuộng, lại gặp hồi Phật-giáo thịnh-hành, nên được phổ-cập trong nước Trung-hoa.
Nhân ngày 15 tháng 7 là tiết trung nguyên, vua Đường Đại-tôn (763-779), theo nhời tâu của sư Đạo-Tạng, thông sức cho dân-gian mua minh cụ bằng đồ mã, khấn, rồi đốt để các vong-nhân có thứ dùng trong âm-giới.
Thế là đồ mã được lưu hành trong nước Tàu một cách rất mau-chóng. Nước ta, trong hồi nội thuộc Tàu, từ văn-chương đến phong-tục, dù hay, dù dỡ cũng đều hoà theo người Trung-quốc. Tục đốt mã cũng vì thế mà thâu-nhập trong xã-hội Việt-nam.
Quốc dân ta bao năm đã từng thực hành tập tục ấy đối với người đã khuất. Song tiếc rằng người mình quá ư xa xỉ, thường thường chỉ làm theo cái nghi-thức trong sự thờ-tự mà quên mất cái tinh-thần về việc kỷ-niệm thần-minh hay tổ-tiên.
Ít lâu nay, muốn cho đồng-bào tiết kiệm một số tiền xa-phí vô ích để mua mua lấy một đống tro tàn, nên trong xã-hội ta đã từng nổi lên phong-trào bài-trừ việc dùng đồ vàng mã. Song xem ra cũng không có kết quả là bao !
Tục đốt vàng mã vẫn thịnh-hành, quốc-dân phần đông tuy đối với mọi sự chi phí ăn tiêu còn dè dặt, mà đối với việc đốt vàng mã vẫn không chịu ngừng tay ! Nhờ thế mà nuôi sống một nghề đã có tự nghìn xưa, do đó một hạng người không đến nỗi thất nghiệp ! Hiện nay, nghề làm đồ mã vẫn phát đạt như thường !
Việc đời không có gì là toàn-lợi, mà cũng không cái gì toàn hại cả ; cốt sao dung-hoà, tiết-chế cho có điều-độ thì hơn.
Theo nho giáo nói, thì người ta sinh ra đời, có khí, có hồn, có phách. Một khí thở hơi cuối-cùng, hồn phách sẽ dời xác thể mà bay đi. Cái khí tinh-anh lên trên khoảng không-gian sáng sủa rực-rỡ, còn hài-cốt dần dần tiêu tán.
Vậy thì chết đi không phải là hết cả, chỉ hết cái hình-hài mà thôi; còn cái khí tinh-anh tức là tinh-thần vẫn ở trong vũ-trụ. Do cái lý-tưởng ấy, nên có câu : “Sinh ký giã, tử quy giã” (sống là gửi vậy, thác là về vậy).
Dù tinh-thần biết hay không biết, đối với người chết, bao giờ ta cũng có tình-cảm, không thể cho là người chết không biết gì nữa hay vẫn còn biết như lúc ở trên trần.
Theo Lễ-ký, thì “cho người chết là mất hẳn không biết gì nữa, là bất nhân; không nên theo. Cho người chết còn biết như lúc hãy còn sống, là bất trí ; không nên theo”.
Vậy sự thờ-cúng người chết, tế-tự tổ-tiên là một việc cần nên có để tỏ lòng thành-kính, biết ơn, khiến con cháu lúc nào cũng ngưỡng-vọng đến tiền-nhân, tưởng-tượng như tiên-tổ vẫn còn tại thế để chứng kiến lòng tôn kính của con cháu, để che chở, dìu-dắt con cháu qua nhiều bước khó-khăn trên đường đời…
Vì sùng-bái, kỷ-niệm tiên-tổ, nên con cháu muốn tỏ lòng “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”
Người con cháu có lòng hiếu kính sắm đủ các đồ nhật-dụng, các thứ kim-ngân châu báu, dâng cúng tổ-tiên, đốt ra tro để làm khói bay theo linh hồn người khuất ! Rồi trông theo làn khói, con cháu có thể tự an-ủi là một khi tiền nhân đã nhận đủ các đồ minh-khí, nghĩa vụ người sau đã trọn vẹn để yên lòng theo đuổi cuộc đời.
Vậy thì đốt vàng mã trong mấy ngày tết, trong các kỵ-nhật tuy cũng là một phí-khoản, song cũng không đến nỗi xa-phí vô tích như những món tiền hi-sinh trong chốn yên-hoa, trong bàn đèn đỏ, mà lại còn có công-dụng nhắc kẻ làm con cháu phải đủ bổn-phận đối với tiền-nhân, nghĩ đến công-đức người khác, noi gương sáng, làm cho thơm danh tiên-tổ, quang-rạng nghiệp nhà…
Điều cốt-yếu là theo cuộc biến-thiên của thời-thế, ta nên xa giấc mộng mơ-màng mê muội nghìn xưa. tinh-giảm sự xa-phí về việc đốt vàng mã, thâu-thái lấy cái tinh-hoa của cổ-tục, ấy là đã tiến thêm một bước dài trên đường giác-ngộ vậy.
NHẬT-NHAM