Vẻ đẹp và thời trang cao cấp thời Đường qua bức họa ‘Trâm hoa sĩ nữ đồ’
Trong thời Nhà Đường (618–907), một triều đại huy hoàng trong lịch sử Trung Hoa với nền văn hóa phát triển mạnh mẽ, tính nghệ thuật của thể loại tranh “mỹ nữ” được cho là đã đạt đến mức cao nhất. Đứng đầu những họa sĩ bậc thầy về sự cách điệu hóa tối đa trong việc khắc họa hình tượng phụ nữ chính là Châu Phưởng (Zhou Fang, khoảng 730–800); ông là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong thời kỳ này.
Bức tranh cuộn bằng lụa tinh xảo có tên “Trâm hoa sĩ nữ đồ” (còn gọi là Tranh thiếu nữ cài hoa) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Tác phẩm này là một viên ngọc quý hiếm giúp chúng ta hiểu thêm sự phong phú về chân dung và thời trang của phụ nữ triều đại nhà Đường.
Vẻ đẹp nữ tính và bông hoa như hòa làm một, vì cả hai đều gợi lên bản chất phù du của tuổi trẻ.
Châu Phưởng mô tả năm phi tần và một người cung nữ trong bức tranh “Trâm hoa sĩ nữ đồ”. Phía bên phải bố cục có hai phi tần đang vui chơi với một chú chó nhỏ, một người dùng chiếc phất trần để trêu đùa chú chó. Giữa bố cục là một phi tần đang ngắm bông hoa đỏ trên tay, gần nàng có con sếu đang bước ngang. Hình ảnh nhỏ hơn các phi tần chính là người cung nữ với chiếc quạt trên tay; chi tiết này là chủ đích của họa sĩ để thể hiện thứ bậc, địa vị của người cung nữ thấp hơn.
Phía bên trái là một phi tần với hai tay được giấu trong chiếc áo choàng màu hồng; hình ảnh nhân vật này ở xa hơn so với những người khác đã tạo cảm giác cho chiều sâu của bố cục. Đứng cạnh cây hoa mộc lan đang kỳ nở rộ là một mỹ nhân với chú bướm đậu trên tay; nàng đang quan sát chú chó chạy về phía mình.
Tổng thể bức tranh có một sự gắn kết chặt chẽ giữa những mỹ nữ với các loài động vật, dường như họ luôn bầu bạn cùng nhau. Điều này cũng là đại diện cho cuộc sống nhàn hạ của những mỹ nữ trong hoàng cung.
Qua tác phẩm này người xem hiểu thêm được tiêu chuẩn thời trang và vẻ đẹp của phụ nữ triều đại nhà Đường. Vẻ đẹp nữ tính lý tưởng thời nhà Đường chính là khuôn mặt tròn trịa và dáng người bầu bĩnh (so với tiêu chuẩn ngày nay). Nước da trắng ngần của các nữ nhân là kết quả của việc thoa bột màu trắng. Lông mày của họ được mô tả giống như cánh bướm, đôi môi thì giống như quả anh đào. Kiểu tóc búi cao thường được tô điểm bằng đóa hoa mẫu đơn hoặc hoa sen và một cây trâm vàng được cài ngay chân búi tóc [trâm có trang trí dây vàng và ngọc trai đung đưa theo bước chân].
Phía dưới chiếc khăn lụa mỏng manh của các mỹ nhân là chiếc áo choàng dài thanh lịch thêu hoa văn và họa tiết hình học. Châu Phưởng sử dụng nhiều màu sắc tươi tắn, đỏ thẫm và hồng cho những chiếc váy, và dùng tông màu dịu hơn để khắc họa chiếc khăn với độ trong suốt của nó. (Phụ nữ thời Đường không phải tuân thủ các quy tắc truyền thống, họ có thể mặc áo cổ rộng hoặc trang phục theo phong cách nước ngoài). Đường viền cổ áo tương đối thấp, tay áo dài gần như chạm sàn, và những chiếc khăn được choàng trên vai hoặc vắt trên hai cánh tay chính là đặc điểm của thời trang cung đình cao cấp của triều Đường.
Tiêu đề của bức tranh chính là những bông hoa tô điểm cho mái tóc của các mỹ nhân. Họ dường như rất ưa thích vẻ đẹp của những bông hoa cho dù là hoa cài trên tóc hay hoa cầm trên tay. Vẻ đẹp nữ tính và bông hoa như hòa làm một, vì cả hai đều gợi lên bản chất phù du của tuổi trẻ. Hoa đẹp rồi hoa cũng tàn, một thời rực rỡ của tuổi trẻ và nhan sắc rồi cũng sẽ tàn phai theo tháng năm.
Các nhà thơ Đường nổi tiếng như Lý Bạch thường đưa ý tưởng này vào các bài thơ của họ. Tương truyền, Hoàng đế Đường Huyền Tông chọn mỹ nhân thông qua việc thả một con bướm trong yến tiệc mùa xuân, bởi vì trên đầu các phi tần đều được cài hoa vậy nên loài bướm đậu lên hoa của mỹ nhân nào thì người đó sẽ được chọn để thị tẩm.
Tác giả Mike Cai tốt nghiệp tại Học viện Nghệ thuật Phi Thiên New York và Đại học California – Berkeley.