DEBORAH MITCHELL

Bạn sẽ nghĩ gì nếu tôi nói với bạn rằng có đến hàng nghìn tỷ vi khuẩn sống trong đường ruột của bạn – được gọi là hệ vi sinh vật đường ruột – chứa lượng gene nhiều gấp 100 lần so với phần còn lại của cơ thể bạn và rằng hệ vi sinh vật đường ruột này có thể có tác động đáng kể đến sức khỏe tim mạch của bạn? Mối quan hệ này là một ví dụ điển hình của sự liên thông giữa não–ruột.

Các chuyên gia ngày càng phát hiện ra nhiều bằng chứng cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột có vai trò đối với sức khỏe tổng thể và cơ hội phát triển bệnh tật của một người. Cho đến nay, bệnh tiểu đường loại 2, hội chứng chuyển hóa, và béo phì là một số bệnh trạng chứng minh tác động của sự tương tác của hệ vi sinh vật đường ruột lên vật chủ, và cả ba đều có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch.

Trimetylamin-N-oxide (TMAO)

Bằng chứng thuyết phục nhất cho mối liên quan giữa khuẩn ruột và sức khỏe tim mạch là hợp chất trimethylamine-N-oxit (TMAO), được gan sản xuất ra sau khi lợi khuẩn ruột tiêu hóa các chất dinh dưỡng như choline, L-carnitine, và lecithin. Các chất này được tìm thấy trong sữa, thịt, trứng, và cá.

Khi chúng ta ăn càng nhiều các thực phẩm này, thì hệ khuẩn ruột và gan sẽ sản xuất ra càng nhiều TMAO. Nồng độ TMAO cao có liên quan đến bệnh tiểu đường, xơ vữa động mạch, ung thư đại tràng, bệnh thận kinh niên, và tăng nguy cơ biến cố tim mạch. Đồng thời, có mối liên quan giữa thành phần hệ vi sinh vật với các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch, chẳng hạn như tăng huyết áp, viêm hệ thống, và hội chứng giảm trao đổi chất

Mối liên hệ giữa TMAO và nguy cơ tim mạch đã được quan tâm, đến nỗi các chuyên gia đang tìm cách xét nghiệm chất này trong máu để dự đoán nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, và tử vong trong tương lai ở những người còn khỏe mạnh. 

Các chuyên gia tại Cleveland Clinic đã phát minh ra xét nghiệm để đo nồng độ TMAO trong máu. Nói chung, mức TMAO của một người càng cao, người đó càng có nhiều nguy cơ tích tụ cholesterol trong thành mạch, từ đó làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Cụ thể hơn, các nhà nghiên cứu đã tiến hành xét nghiệm TMAO và phát hiện rằng những người có mức TMAO cao nhất có nguy cơ gặp biến cố tim mạch nghiêm trọng nhiều gấp 2.5 lần so với những người có mức thấp nhất trong suốt ba năm theo dõi.

Phương pháp giảm nồng độ TMAO

Bạn có thể thực hiện một số bước để giảm nồng độ TMAO, tạo ra một hệ vi sinh vật khỏe mạnh hơn, và do đó giảm nguy cơ biến cố tim mạch.

Cách ăn kiểu Địa Trung Hải, ăn chay và thuần chay: 

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ăn chay và ăn thuần chay có hệ vi khuẩn sản xuất ít TMAO hơn những người ăn thịt. Điều này cũng đúng đối với những người ăn theo kiểu Địa Trung Hải –  ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh, ít sữa, ít thịt đỏ và ăn cá, thịt gia cầm, đậu, trứng hàng tuần

Prebiotic và Probiotic 

Prebiotic là chất xơ trong trái cây và rau quả tạo nguồn thức ăn cho các lợi khuẩn trong đường ruột. Các nghiên cứu trên động vật đã được chứng minh rằng prebiotic và probiotic có thể làm giảm mức TMAO. Các thực phẩm chứa prebiotic gồm có tỏi sống, tỏi tây, hành tây, rau bồ công anh, rễ rau diếp cá, măng tây và củ sắn. Probiotic được tìm thấy trong thức ăn lên men như (ví dụ: dưa cải bắp, kimchi), sữa chua, kefir và tempeh.

Bổ sung vitamin B và D

Ít nhất một nghiên cứu ở người lớn đã cho thấy rằng việc bổ sung vitamin B (tức là acid folic cùng vitamin B6 và B12) với vitamin D3 (1.200 IU) làm giảm mức TMAO.

Bổ sung Resveratrol

Hợp chất polyphenol này – được tìm thấy trong vỏ của nho đỏ, rượu vang đỏ, các loại berries, và đậu phộng – đã được chứng minh là làm giảm nồng độ TMAO trong máu ở những con chuột bị xơ vữa động mạch.

Tác giả Deborah Mitchell là một nhà báo tự do viết vấn đề sức khỏe, có sở trường về động vật và môi trường. 

Thu Ngân biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn