Vì sao ‘app cho mọi thứ’ của ông Elon Musk khiến tất cả chúng ta lo lắng?
John Mac Ghlionn
Khi nói đến việc tạo ra các nền tảng mạnh mẽ, Trung Quốc nổi tiếng với nhu liệu ứng dụng (app) TikTok – một nhu liệu có vấn đề nghiêm trọng bị cáo buộc là con ngựa thành Troy của Trung Cộng. Tuy nhiên, WeChat lại là nền tảng tinh vi nhất của Trung Quốc cho đến nay. Theo nhiều cách, WeChat là một siêu ứng dụng. Với hơn 1 tỷ người dùng, WeChat là thứ mà quý vị nhận được khi cho Twitter Instagram, Substack, Uber, và PayPal vào chiếc máy trộn Big Tech. Thông qua “các chương trình nhỏ” của app này, người dùng có thể thực hiện bất cứ điều gì trên WeChat; có thể nhắn tin cho bạn bè, đặt mua thức ăn hoặc gọi taxi, trả hóa đơn, viết báo, đặt vé phi cơ, v.v. Các tùy chọn là vô tận.
Tuy nhiên, như tôi đã từng cho thấy trước đây, app này là vô cùng nguy hiểm. Theo nhiều cách, đây là một công cụ gián điệp của Trung Cộng. Kỳ thực, theo Bloomberg, WeChat là công cụ gián điệp được yêu thích nhất của Trung Cộng. Đó là tin xấu cho 19 triệu người dùng ở Hoa Kỳ và hàng trăm ngàn người dùng ở Anh quốc. Tại Hoa Kỳ, mới đây tiểu bang Montana đã cấm WeChat, TikTok, và một số app truyền thông xã hội nguy hiểm khác có liên kết với “những kẻ địch ngoại bang”. Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trên WeChat, rằng “app cho mọi thứ” gây nguy hiểm cho người dùng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, vì một số lý do đặc biệt nào đó, điều này không ngăn được ông Elon Musk dành nhiều lời khen ngợi cho app thu thập sinh trắc học này.
Hồi năm ngoái (2022), vị tỷ phú bí ẩn này, người trước đây đã từng ca ngợi Trung Cộng và khuyến khích Đài Loan nhượng bộ các yêu cầu thống nhất của Trung Quốc, đã gọi WeChat là “một ứng dụng xuất sắc” và là “một hình mẫu đáng giá” cho các nền tảng công nghệ khác. “Chúng tôi không có bất cứ thứ gì giống như vậy,” ông Musk nói thêm, trước khi gợi ý rằng “một ứng dụng như vậy sẽ thực sự hữu ích” ở các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.
Giờ đây, có vẻ như ông Musk muốn tạo ra một ứng dụng tương tự WeChat của riêng mình. Hôm 12/05, sau khi bổ nhiệm bà Linda Yaccarino làm Giám đốc điều hành mới của Twitter, ông đã tweet, “Rất trông mong được làm việc với bà Linda để biến nền tảng này thành X, app cho mọi thứ.” Ông Musk đã nói về “X” trong nhiều tháng.
Điều này đặt ra câu hỏi: Có phải ông Elon Musk đang cố gắng đưa WeChat đến Mỹ quốc? Một số nhà bình luận cho rằng đúng là như vậy; lý do cho nhận định này của họ là dựa trên thực tế. Rốt cuộc, ông Musk đang cố gắng xây dựng một “app cho mọi thứ” và “app cho mọi thứ” duy nhất thực sự đang tồn tại chính là WeChat. Mặc dù ông Musk có vẻ là một người hoàn toàn tử tế, nhưng ông là một trong những người đáng chú ý nhất hành tinh. Chúng ta phải được phép đặt ra những câu hỏi nan giải.
Ngoài ra, đối với ông Musk, như ký giả điều tra Whitney Webb đã nhấn mạnh, vẻ bề ngoài có thể đánh lừa rất nhiều. Bà lập luận rằng ông Musk xuất hiện trước công chúng và ông Musk khi một mình dường như là hai người đối lập nhau. Bà Webb đã thảo luận rất chi tiết về mối liên hệ của ông Musk với Trung Quốc cũng như quá khứ của ông với ông Jeffrey Epstein. Bà là một nhà nghiên cứu chỉnh chu, và những lời cảnh báo của bà nên được quan tâm đúng mực. Khi nói đến mối liên hệ của ông Musk với Trung Quốc, bằng chứng là không thể chối cãi. Xét cho cùng, hàng chục ngàn chiếc Tesla được sản xuất tại Trung Quốc mỗi tháng. Hơn nữa, Tencent Holdings Ltd., công ty đứng sau WeChat, sở hữu một cổ phần khá lớn trong Tesla.
Ý tưởng về “X” sẽ làm cho bất kỳ độc giả nào xem trọng ý tưởng về quyền riêng tư cũng thấy khó chịu. Xem dữ liệu quý như dầu mỏ mới, một cá nhân hoặc tổ chức đặc trách “app cho mọi thứ” sẽ có quyền truy cập vào “mỏ dầu” đồ sộ này.
Như các chuyên gia tại Netacea, một công ty an ninh mạng có trụ sở tại Anh quốc, đã lưu ý, ứng dụng như “X” mở ra cho người dùng một thế giới với đầy rẫy những rắc rối tiềm ẩn. Đó là do luật riêng tư ở một số quốc gia phương Tây còn quá nhiều thiếu sót. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, dữ liệu người dùng có thể dễ dàng được chia sẻ với bên thứ ba. Năm ngoái, Facebook đã chuyển dữ liệu người dùng cho các cơ quan chấp pháp Hoa Kỳ, mà cơ quan này sau đó đã tiến hành truy tố một thiếu nữ với cáo buộc tìm cách phá thai bất hợp pháp.
Ngoài ra, như các chuyên gia của Netacea nhấn mạnh, “việc có tất cả thông tin của quý vị trong một siêu ứng dụng có thể giúp các cơ quan chấp pháp và chính phủ giám sát công dân dễ dàng hơn.”
Ngoài ra, tại sao chúng ta nên tin tưởng giao dữ liệu của mình cho ông Musk? Gần đây, có thông tin cho rằng Tesla đã không bảo vệ được 100 gigabyte dữ liệu bí mật – một con số đáng kinh ngạc. Do một người tố giác tiết lộ, dữ liệu này chứa số an sinh xã hội của ông Musk, mức lương của nhân viên, và chi tiết ngân hàng của khách hàng. Với “app cho mọi thứ” được sử dụng bởi hàng chục triệu người, kiểu rò rỉ tương tự sẽ hết sức thảm khốc.
Cuối cùng, điều quan trọng cần nhớ là siêu ứng dụng như WeChat được thiết kế để tiện dụng. Tuy nhiên, trong thế giới công nghệ, tiện lợi luôn đi kèm với chi phí.
Hãy tưởng tượng rằng nếu tin tặc có quyền truy cập vào trương mục siêu ứng dụng của quý vị. Tất cả mọi thứ, từ tin nhắn và hình ảnh riêng tư đến chi tiết trương mục ngân hàng của quý vị đều bị tiết lộ. Đây chỉ là một số vấn đề mà một siêu ứng dụng có thể tạo ra. Ông Musk muốn biến “X” thành hiện thực, nhưng chúng ta có quyền đặt câu hỏi liệu chúng ta có thực sự muốn trở thành một phần trong giấc mơ công nghệ quyền lực của ông ấy hay không. Về phần tôi thì không.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết tiểu luận. Tác phẩm của ông đã được những hãng thông tấn như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng viết về tâm lý và các mối quan hệ xã hội, rất quan tâm đến vấn đề rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.