Việc cắt giảm an sinh xã hội có thể sắp xảy ra, và ai sẽ bị ảnh hưởng
JACK PHILLIPS
Một báo cáo mới cho thấy rằng chương trình An sinh Xã hội dự kiến sẽ hết ngân quỹ vào năm 2033 do tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự đoán.
Một báo cáo của các Ủy viên An sinh Xã hội và Medicare được công bố hôm 31/03 đã cho thấy chương trình phúc lợi này có thể phải đối mặt với tình trạng mất khả năng chi trả sớm hơn một năm so với báo cáo trước đó – một phần là do sự điều chỉnh tổng sản phẩm quốc nội và năng suất làm việc trong những năm tới. Theo Cơ quan An sinh Xã hội, những khoản phúc lợi đó, đa phần là dành cho những người đã về hưu, ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người mỗi tháng, mức chi trung bình là khoảng 1,800 USD.
Các ủy viên này cho biết thêm rằng nếu cơ quan này không thực hiện những thay đổi đáng kể nào trước năm 2034 để phát triển quỹ của mình, thì khoảng 66 triệu người dân Mỹ có thể nhận thấy phúc lợi bị giảm từ 23% đến 25%.
“Các quỹ ủy thác hợp lại sẽ mất khả năng chi trả vào năm 2034 – khi những người 56 tuổi ngày nay đến lúc đủ tuổi hưu và những người về hưu trẻ nhất hiện nay bước sang tuổi 73,” Ủy ban Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm (CRFB) cho biết trong một phân tích. “Khi tình trạng mất khả năng chi trả xảy ra, toàn bộ những người thụ hưởng sẽ đều phải đối mặt với sự cắt giảm 20% phúc lợi.”
Họ nói thêm rằng “Chương trình An sinh Xã hội chỉ còn 11 năm nữa là mất khả năng chi trả, trong khi chỉ một thập niên nữa là chương trình dành cho người cao niên này mất khả năng chi trả”, và cảnh báo rằng “phải sớm có hành động để ngăn chặn sự cắt giảm phúc lợi của nhiều người thụ hưởng hiện tại và tương lai.”
Họ cũng cho biết thêm, và nếu không có hành động nào được thực hiện, “thì tất cả những người về hưu bất kể tuổi tác, mức thu nhập, hay nhu cầu, đều sẽ phải đối mặt với một sự cắt giảm 20% phúc lợi của tất cả mọi người. Con số này sẽ tăng lên 26% vào cuối thời hạn dự báo 75 năm” khi chương trình này mất khả năng chi trả.”
Tình trạng mất khả năng chi trả đã luôn tiềm tàng đối với chương trình An sinh Xã hội trong nhiều năm. Tuy nhiên, một số chuyên gia đã nói rằng các báo cáo mới đây không có gì đáng báo động.
Bà Kathleen Romig – giám đốc chính sách An sinh Xã hội và người khuyết tật tại Trung tâm Ưu tiên Ngân sách và Chính sách – viết trên Twitter: “Trước hết, sự dao động một năm về ngày dự trữ tiền [của quỹ An sinh Xã hội] cạn kiệt không phải là một nguyên nhân đáng báo động. Bà lưu ý rằng những ủy viên quản trị đã dự báo ngày mất khả năng chi trả từ năm 2033 đến 2035 trong nhiều năm.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ và Bộ trưởng Janet Yellen, từng nằm trong số những người gióng lên một hồi chuông cảnh báo về các ngân quỹ cạn kiệt, đưa ra một tuyên bố rằng “dự trữ của quỹ tín thác sẽ giảm xuống dưới 20% chi phí hàng năm vào đầu năm dương lịch 2033 và sẽ cạn kiệt trong năm 2033 trong trường hợp không có luật để giải quyết sự mất cân đối này giữa các khoản phúc lợi phải trả theo lịch trình và doanh thu.”
“An sinh Xã hội sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của 67 triệu người thụ hưởng và 180 triệu người đi làm cùng với gia đình của họ trong năm 2023. Với sự thảo luận đầy đủ thông tin, suy nghĩ sáng tạo, và hành động lập pháp kịp thời, Sở An sinh Xã hội có thể tiếp tục bảo vệ các thế hệ tương lai,” Ủy viên lâm thời Sở An ninh Xã hội Kilolo Kijazaki nói thêm trong một tuyên bố.
Điều gì xảy ra khi năm 2033 đến gần?
Theo các nhà phân tích, càng gần đến năm 2033, thì khả năng cắt giảm phúc lợi càng ít. Việc cắt giảm phúc lợi thường được thực hiện một cách từ từ cho những người thụ hưởng trong tương lai, vì vậy tác động của bất kỳ khoản cắt giảm nào sẽ không đủ để đạt được việc duy trì khả năng chi trả.
Ông Andrew Biggs, một thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, cho biết: “Chúng ta đã trì hoãn quá lâu đến mức không có khoản cắt giảm thích đáng nào có thể giữ cho quỹ ủy thác không bị cạn kiệt vào những năm 2030.”
Ông Paul Van de Water, thành viên cao cấp tại Trung tâm Ưu tiên Ngân sách và Chính sách, cho biết vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2033, rất có thể sẽ có một đợt bơm doanh thu mới khẩn cấp. “Quốc hội có thể cho phép chương trình này tiếp tục thâm hụt bằng cách thay đổi luật để cấp thêm thu nhập cho An sinh Xã hội – trên thực tế, việc cấp tiền này sẽ tài trợ chương trình thông qua vay mượn.”
Giải pháp đó sẽ ngăn chặn được việc cắt giảm phúc lợi nghiêm trọng, nhưng sẽ càng làm tăng thêm lo lắng của công chúng về An sinh Xã hội. Một cuộc thăm dò AARP năm 2020 cho thấy 57% số người được hỏi không tin tưởng về tương lai của An sinh Xã hội, với lý do là thiếu tin tưởng vào việc giữ lời hứa của chính phủ và “tiền đang cạn kiệt”.