JENNY LI và LYNN XU

Các bác sĩ cấy ghép Trung Quốc tại Bệnh viện Nhân Tế (Renji) ở Thượng Hải gần đây đã công bố nghiên cứu đầu tiên của họ trên một tập san học thuật của Mỹ, đánh dấu ca ghép thận đầu tiên từ trẻ sơ sinh thiếu tháng sang người trưởng thành – ở một quốc gia đang phải đối mặt với cáo buộc vi phạm nhân quyền trong mạng lưới ghép tạng của nước này.

Đại học Giao thông Thượng Hải do nhà nước tài trợ đã công bố một thông cáo báo chí ngày 27/10 rằng nghiên cứu từ chi nhánh của mình, Bệnh viện Nhân Tế, đã được đăng trên tập san có uy tín về cấy ghép nội tạng – Tập san Cấy ghép Hoa Kỳ.

Thông cáo còn khoe khoang rằng Bệnh viện Nhân Tế và Trung tâm Y tế Trẻ em Thượng Hải đã “không ngừng vượt qua giới hạn của những người hiến thận trẻ tuổi và nhẹ cân,” và cho đến nay bệnh viện đã thực hiện 22 ca ghép thận từ trẻ sơ sinh “thành công”.

Bệnh viện nhận ra sự thiếu ý kiến ​​chuyên gia hiện nay và thiếu hướng dẫn đồng thuận trong cộng đồng cấy ghép toàn cầu về độ tuổi và cân nặng tối thiểu chấp nhận được của người hiến tặng. Nhưng họ kết luận rằng vì điều này, “kinh nghiệm lâm sàng của việc sử dụng trẻ sinh non rất nhẹ cân hoặc người hiến thận sơ sinh là vô cùng quý giá và sẽ giúp tích lũy kiến ​​thức lâm sàng, xây dựng sự đồng thuận trong ngành, và đem lại lợi ích cho nhiều bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối hơn.”

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân Tế đã công bố hồi tháng Một về hai ca ghép thận liên khối EBKT “thành công” – cả cặp thận – từ trẻ sơ sinh thiếu tháng nặng dưới 1,2 kg (2,6 pound) cho người nhận là người trưởng thành bị suy thận giai đoạn cuối.

Tài liệu y tế cho biết cả hai trẻ sơ sinh đều được sinh mổ sớm do suy thai. Tuy nhiên, bác sĩ đã xác định rằng hai bé sẽ không sống sót. Cha mẹ của một bé đã đồng ý ngừng liệu pháp duy trì sự sống (WLST) và hiến tạng thận sau khi chết tuần hoàn (DCD) vào ngày thứ hai của bé, và cha mẹ của bé kia đồng ý rút hỗ trợ sự sống vào ngày thứ tư của cuộc đời.

Một em bé được tuyên bố là đã tử vong 15 phút sau khi rút các biện pháp hỗ trợ sự sống, bao gồm khoảng thời gian 5 phút sau khi nhịp tim cơ học của bé không được phát hiện. Em bé còn lại được các bác sĩ tuyên bố là đã tử vong 25 phút sau khi rút các biện pháp hỗ trợ sự sống.

Hai quả thận chỉ dài 3 cm (hơn 1 inch) của cả hai em bé sau đó được lấy ra để ghép cho người lớn. Thận chỉ còn khả năng cấy ghép trong vòng 24–48 giờ sau khi tử vong.

Một y tá kiểm tra một cặp song sinh người Xiêm ở tỉnh Sơn Tây sau ca phẫu thuật mổ tách hai bé vào ngày 01/06/2005, tại bệnh viện Tân Hoa ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: China Photos/Getty Images)
Một y tá kiểm tra một cặp song sinh người Xiêm ở tỉnh Sơn Tây sau ca phẫu thuật mổ tách hai bé vào ngày 01/06/2005, tại bệnh viện Tân Hoa ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Vấn đề kỹ thuật và mối quan tâm về đạo đức

Ông Zain Khalpey – giáo sư Phẫu thuật, Hình ảnh Y tế, Khoa học Sinh lý và Kỹ thuật Y sinh tại Đại học Arizona – nói rằng ở các nước Tây phương, những người nhận ghép thận sơ sinh thường là những em bé sơ sinh rất nhỏ,. Tuy nhiên, theo tài liệu từ Bệnh viện Nhân Tế Thượng Hải thì một người nhận ghép thận sơ sinh đã 34 tuổi và người kia cũng đã 25 tuổi. 

Bác sĩ Khalpey nói với The Epoch Times hôm 04/03: “Thật là vô đạo đức. Nếu thận được ghép sang một đứa trẻ khác thì hợp lý. Nếu nó được ghép sang người lớn, tôi sẽ nghi ngờ điều đó,” ông nói.

Ca ghép thận đầu tiên trong lịch sử nhân loại diễn ra vào năm 1954. Ca phẫu thuật này được thực hiện bởi Bác sĩ Joseph Murray của Bệnh viện Brigham and Women, một chi nhánh của Trường Y Harvard, nơi ông Khalpey được đào tạo về phẫu thuật tim.

Năm 1963, bác sĩ Murray thực hiện ca ghép đầu tiên cho trẻ sơ sinh. Một em bé được ghép thận từ người anh/chị/em song sinh của mình nhưng đã tử vong vì nhiễm trùng sau hai năm rưỡi.

“Từ đó, ghép thận sơ sinh trở thành thủ thuật thường được thực hiện cho trẻ sơ sinh, các em bé bị suy thận. Và tỷ lệ ghép thận thành công ở trẻ sơ sinh là cao; tỷ lệ thận ghép còn chức năng sau một năm được tường trình trong một số nghiên cứu là hơn 90%.”

Ông Khalpey cho biết: “Tuy nhiên, việc sử dụng thận trẻ sơ sinh để cấy ghép cho người trưởng thành là rất hiếm” ở phương Tây do liên quan đến các vấn đề kỹ thuật và đạo đức.

Ông cho biết rằng một thách thức về kỹ thuật là sự không phù hợp về mặt lâm sàng tiềm ẩn giữa người hiến và người nhận, nói rằng, “thận của trẻ sơ sinh nhỏ hơn người trưởng thành, và kích thước không tương đồng có thể dẫn đến các biến chứng như huyết khối hoặc bị hẹp và tắc nghẽn tĩnh mạch thận. Ngoài ra, thận của trẻ sơ sinh kém phát triển hơn thận của người lớn – điều này có thể dẫn đến sự khác biệt về chức năng và khi đó [bệnh nhân có thể] dễ bị thương tổn.”

Một khó khăn nữa là trẻ sơ sinh có thể bị dị tật bẩm sinh.

“Dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh, và một số dị tật có thể ảnh hưởng đến chức năng của quả thận được hiến tặng. Do đó, ví dụ, một quả thận được hiến tặng có dị tật bẩm sinh có thể dễ bị nhiễm trùng hơn hoặc có thể bị suy giảm khả năng lọc. Vì vậy, việc sử dụng thận để cấy ghép ở người trưởng thành có thể dẫn đến nguy cơ biến chứng cao hơn.”

Ngoài ra, còn có những vấn đề đạo đức liên quan đến việc cấy ghép nội tạng từ trẻ sơ sinh sang người trưởng thành, theo ông Khalpey.

“Ý tôi là, trẻ sơ sinh rất dễ bị tổn thương. Và việc sử dụng nội tạng của trẻ sơ sinh để cấy ghép làm dấy lên mối lo ngại về sự ép buộc chấp thuận và việc sử dụng hợp lý các nguồn lực y tế. Quý vị biết đấy, trong một số trường hợp, cha mẹ có thể cảm thấy bị áp lực phải hiến tặng nội tạng của trẻ sơ sinh, đặc biệt nếu họ được bảo rằng việc hiến tặng sẽ cứu sống một người trưởng thành. Và áp lực có thể trở nên trầm trọng hơn nếu bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn hoặc không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế. Quý vị biết đấy, việc sử dụng thận của trẻ sơ sinh để cấy ghép cho người trưởng thành, vì lẽ đó, ảnh hưởng không cân xứng đến một số nhóm cư dân nhất định, làm dấy lên lo ngại về công bằng và công lý.”

Ông Khalpey cho biết, một vấn đề đạo đức lớn khác là “việc thương mại hóa ghép thận trẻ sơ sinh và sử dụng thận trẻ sơ sinh để ghép cho người trưởng thành có thể được xem là một cách để tăng nguồn cung tạng ghép ở các quốc gia có danh sách dài người chờ ghép tạng, và điều này có thể dẫn đến việc buôn bán nội tạng trẻ sơ sinh và lạm dụng.”

Bác sĩ Khalpey cho biết điều kỳ lạ là không có một người nhận là trẻ sơ sinh nào trong nghiên cứu ở Trung Quốc. “Vì vậy, nó có vẻ cực kỳ khác thường trong việc này. Và có vẻ như là ‘được sản xuất’,” ông ám chỉ ca cấy ghép được thiết kế sẵn.

Một nhân viên bảo vệ đang đứng ở lối vào thư viện Đại học Giao thông Thượng Hải ở Thượng Hải vào ngày 03/08/2010. (Ảnh: Philippe Lopez/AFP qua Getty Images)
Một nhân viên bảo vệ đang đứng ở lối vào thư viện Đại học Giao thông Thượng Hải ở Thượng Hải vào ngày 03/08/2010. (Ảnh: Philippe Lopez/AFP qua Getty Images)

Tại sao nhắm vào nội tạng của trẻ sơ sinh?

Bất chấp những vấn đề về kỹ thuật và đạo đức này, Bệnh viện Nhân Tế ở Thượng Hải đang khoa trương rằng ngày càng có nhiều người hiến tặng là trẻ sơ sinh để cung cấp nội tạng cho các ca cấy ghép ở người trưởng thành.

Theo phân tích của ông Khalpey, điều này có thể là do “lợi thế” của nội tạng trẻ sơ sinh.

Nếu dùng thận của trẻ sơ sinh để ghép, cơ quan này có thể tồn tại rất lâu ở người nhận vì thận trẻ sơ sinh có ít kháng thể có thể tấn công các mô của người nhận (nghĩa là gây ra bệnh ghép chống chủ), “đó là lý vì sao Bệnh viện Nhân Tế muốn làm điều đó khi các bé còn là trẻ sơ sinh,” ông Khalpey nói.

Các tác giả đầu tiên của phát hiện cấy ghép trẻ sơ sinh ở trên là ông Lý Đại Vĩ (Li Dawei) và ông Võ Hạo Vũ (Wu Haoyu), hai bác sĩ điều trị tại Khoa Tiết niệu tại Bệnh viện Nhân Tế. Các đồng tác giả là ông Trương Minh (Zhang Ming), phó giám đốc Khoa Tiết niệu tại cùng một bệnh viện và ông Bối Phi (Bei Fei), giám đốc Khoa Sơ sinh tại Trung tâm Y tế Trẻ em Thượng Hải.

Các học viên Pháp Luân Công diễu hành trong một cuộc diễn hành ở Brooklyn, New York, nêu bật cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với đức tin của họ hôm 26/02/2023. (Ảnh: Larry Dye/The Epoch Times)
Các học viên Pháp Luân Công diễu hành trong một cuộc diễn hành ở Brooklyn, New York, nêu bật cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với đức tin của họ hôm 26/02/2023. (Ảnh: Larry Dye/The Epoch Times)

Trung Cộng thực hiện thu hoạch và cấy ghép tạng

Bác sĩ Khalpey vẫn giữ quan điểm rằng Tập san Cấy ghép Hoa Kỳ lẽ ra không nên chấp nhận bài viết của Bệnh viện Renji Thượng Hải vì Trung Cộng từ lâu đã bị cáo buộc vi phạm các quy định của ngành cấy ghép quốc tế.

Ông tin rằng các biên tập viên của tập san cần chứng minh rằng họ đã hỏi các tác giả một số câu hỏi để đảm bảo hành vi đạo đức: Cha mẹ của đứa bé có đồng ý hiến tạng con mà không bị ép buộc không? Những cha mẹ này có là tù nhân lương tâm hay là thành viên của một nhóm dễ bị tổn thương ở Trung Quốc không?

Hồi tháng Tư năm 2022, Tập san Cấy ghép Hoa Kỳ đã công bố một “phân tích văn bản bằng máy điện toán để tiến hành đánh giá pháp y đối với 2,838 bài viết được rút ra từ bộ dữ liệu 124,770 ấn phẩm cấy ghép bằng Trung văn,” cho thấy những vấn đề đạo đức trong các nghiên cứu đó.

“Thuật toán của chúng tôi đã tìm kiếm bằng chứng về những tuyên bố khả nghi của những trường hợp chết não trong quá trình thu hoạch nội tạng. Chúng tôi tìm thấy bằng chứng cho 71 trường hợp trong số được báo cáo này, trải rộng khắp toàn quốc, rằng tình trạng chết não có thể đã không được tuyên bố chính xác.”

Theo Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Quốc hội Hoa Kỳ, “bản phân tích này… ủng hộ suy luận rằng các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đã lấy nội tạng, kể cả tim và phổi, vi phạm nguyên tắc ‘người hiến tặng đã qua đời’ được quốc tế chấp nhận, tức là, trước khi người hiến tặng đã (hoặc có thể) được tuyên bố là ‘chết não’”.

Trung Cộng cũng đã bị cáo buộc rộng rãi về tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Kể từ năm 2015, chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố rằng nội tạng ở Trung Quốc chỉ được lấy từ những người hiến tặng tự nguyện, nhưng tính trung thực của tuyên bố này vẫn còn nhiều nghi vấn. Dữ liệu cho thấy các bệnh viện Trung Quốc đang thực hiện số ca cấy ghép gấp nhiều lần so với ước tính cao nhất về số người hiến tạng có thể cung ứng.

Hồi tháng Ba năm 2020, một tòa án độc lập đã đưa ra phán quyết cuối cùng về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đối với tù nhân lương tâm của Trung Cộng. Vào ngày 14/06/2021, có 12 quan chức của Liên Hiệp Quốc cho biết họ “vô cùng chấn động” trước các báo cáo về hoạt động thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, tín đồ Cơ Đốc, và các nhóm dân tộc thiểu số khác bị giam giữ ở Trung Quốc. Họ kêu gọi chính quyền cộng sản Trung Quốc “cho phép các cơ chế nhân quyền quốc tế giám sát độc lập.”

Họ kêu gọi chính phủ cộng sản Trung Quốc “cho phép các cơ chế nhân quyền quốc tế được quyền giám sát độc lập.”

Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn