Việc Hoa Kỳ tạm ngưng cung cấp vũ khí cho Israel cho thấy TT Biden thất vọng về ông Netanyahu
Emel Akan
Tổng thống (TT) Joe Biden ngày càng bất mãn trước việc chính phủ Israel không giải quyết những lo ngại của Hoa Kỳ về chiến dịch quân sự lớn tại Rafah. Điều đó được thể hiện qua lời đe dọa của ông về việc ngừng các chuyến hàng vũ khí đến nhà nước Do Thái.
Lần đầu tiên TT Biden tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ không “cung cấp vũ khí và đạn pháo” nếu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiến hành xâm chiếm Rafah.
“Nhiều thường dân đã thiệt mạng tại Gaza do chính những loại bom đạn đó gây ra và do nhiều yếu tố khác khi họ tấn công vào các khu tập trung dân cư,” TT Biden nói với người dẫn chương trình CNN Erin Burnett trong buổi phỏng vấn trực tiếp hiếm hoi hôm 08/05.
Ngày hôm sau, ông Netanyahu đã đáp trả bằng thông điệp video, quả quyết sẽ một mình chiến đấu với Hamas.
“Nếu phải đơn độc, thì chúng tôi sẽ đơn độc,” ông Netanyahu cho biết.
Mặc dù cả hai nhà lãnh đạo đã từng lời qua tiếng lại gay gắt về chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza, và dường như cuộc đàm thoại mới nhất đã đẩy xung đột giữa họ lên một mức mới.
“Dấu hiệu chính trị cho thấy sự bất mãn và không hài lòng” là cách mà ông Aaron David Miller – cựu chuyên gia phân tích Trung Đông của Bộ Ngoại giao – giải thích về tối hậu thư gần đây của TT Biden.
Trong bài đăng mới đây trên X, ông suy đoán rằng có thể TT Biden đang chuyển từ lập trường “gây hấn thụ động” đối với Israel trong sáu tháng vừa qua sang lập trường cứng rắn hơn.
Do Rafah là thành trì cuối cùng của Hamas tại Gaza, nên ông Netanyahu liên tục tuyên bố rằng ông sẽ phát động chiến dịch quân sự tại nơi đây để tiêu diệt nhóm khủng bố này.
Mặt khác, TT Biden lại liên tục bày tỏ lo ngại rằng chiến dịch quân sự lớn ở Rafah có thể tổn hại thường dân, trong bối cảnh hơn 1 triệu người Palestine đã tập trung tại thành phố này trong suốt bảy tháng giao tranh vừa qua.
Theo một số nhà quan sát, tình trạng căng thẳng hiện nay báo hiệu dấu chấm hết cho giai đoạn “ôm choàng thân thiết” giữa TT Biden và ông Netanyahu – người còn có biệt danh là “Bibi”.
Sách lược ‘ôm choàng Bibi’
TT Biden và nội các của mình đã rất kinh ngạc khi nhóm khủng bố Hamas phát động cuộc tấn công đột ngột vào Israel ngày 07/10/2023, sát hại khoảng 1,200 thường dân, trong đó có hơn 30 công dân Mỹ.
Chỉ hai ngày trước cuộc tấn công, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã tuyên bố rằng “hiện giờ khu vực Trung Đông yên ổn hơn so với hai thập niên trước,” sau đó liệt kê một loạt những diễn biến tích cực tại khu vực này.
Ngay sau vụ tấn công, TT Biden đã đến thăm Trung Đông, và nhận ra nơi đây đã trở thành một vùng chiến sự.
Cái ôm chặt thân thiện ông dành cho ông Netanyahu khi đến Tel Aviv ngày 18/10/2023 đã trở thành một trong những khoảnh khắc được nhắc đến nhiều nhất của cuộc khủng hoảng, và một số người xem đây là chương mới của mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo.
TT Biden và ông Netanyahu đã biết về nhau trong nhiều thập niên.
Lần đầu gặp nhau, ông Joe Biden vẫn còn là thượng nghị sĩ 40 tuổi ít thâm niên, và khi đó ông Netanyahu là nhà ngoại giao non trẻ có ít hơn khoảng chục năm kinh nghiệm so với ông Biden.
Dẫu vậy, mối quan hệ giữa họ không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Phóng viên Franklin Foer của Atlantic giải thích mối quan hệ phức tạp này trong cuốn sách của ông: “Chính trị gia Cuối cùng: Tòa Bạch Ốc của Joe Biden và Cuộc chiến cho Tương lai nước Mỹ”, được xuất bản hồi tháng 09/2023.
“Ông có bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta lại ở trong vị thế như thế này không?” TT Biden hỏi nhà lãnh đạo Israel trong cuộc điện thoại ngay sau khi nhậm chức hồi năm 2021, theo cuốn sách.
Cuốn sách trình bày chi tiết cách TT Biden tiếp cận với ông Netanyahu hồi tháng 05/2023, sau khi cuộc xung đột 11 ngày giữa Israel và Palestine nổ ra.
TT Biden nói với các cố vấn của mình rằng ông sẽ chờ đợi để tạo dựng được niềm tin của ông Netanyahu, vì kinh nghiệm trước đây cho ông biết rằng “những lời chỉ trích sẽ đẩy ‘Bibi’ ra.”
“Theo quan điểm của ông, cách nhanh chóng nhất để kết thúc mối xung đột này là kiên quyết kề vai sát cánh với Israel, đối đãi với ông Netanyahu bằng tình cảm,” cuốn sách giải thích.
“Sau đó, đến thời điểm thích hợp, ông Biden cho biết ông sẽ tận dụng niềm tin mà ông đã gây dựng lâu nay. Và khi đó ông sẽ bảo Bibi chấm dứt chiến tranh. Nhưng vào lúc này, ông sẽ ôm Bibi thật chặt.”
Dường như sách lược kiên nhẫn của TT Biden đối với ông Netanyahu đã đạt đến điểm tới hạn, như những gì cuộc phỏng vấn với CNN đã cho thấy.
“Hãy để tôi nói cho rõ,” TT Biden nói. “Nếu họ xâm lược Rafah, tôi sẽ không cung cấp vũ khí nữa.”
“Điều này chỉ có thể là sai trái,” ông nói thêm.
Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Hôm 05/05, khi trích dẫn lời của hai quan chức Israel ẩn danh, Axios lần đầu đưa tin rằng chính phủ TT Biden đã tạm ngưng cung cấp một số loại đạn dược vào tuần trước.
Mặc dù vậy, các quan chức chính phủ TT Biden đã từ chối xác nhận tin tức này trong vài ngày.
Do đó, một số hãng thông tấn suy đoán rằng Tòa Bạch Ốc đã cố ý tránh đưa ra bất cứ tuyên bố nào về quyết định này trước khi TT Biden đọc bài diễn văn tưởng niệm sự kiện Holocaust đã được chuẩn bị từ lâu.
TT Biden đã chỉ trích mạnh mẽ làn sóng bài Do Thái “dữ dội” tại các trường đại học và tại những nơi khác trong bài diễn văn hôm 07/05.
“Hành vi này là thực sự ti tiện, và cần phải dừng lại,” ông nói.
Ngày hôm sau, Bộ trưởng [Quốc phòng Lloyd] Austin xác nhận rằng chính phủ TT Biden đã tạm ngưng vận chuyển một số loại đạn dược cho Israel bởi vì họ phải xem xét lại mục đích sử dụng chúng đối với thường dân tại Gaza.
“Hiện tại chúng tôi đang xem xét lại một số chuyến hàng viện trợ an ninh ngắn hạn trong bối cảnh các sự việc đang xảy ra tại Rafah,” ông Austin cho biết.
Chiến dịch quân sự mà Israel tiến hành cho đến nay đã bị hạn chế. Israel khẳng định rằng các hoạt động khủng bố đang diễn ra tại Palestine ở phía bên kia biên giới Rafah. Vì vậy, việc kiểm soát biên giới có giá trị chiến lược to lớn.
Cửa biên giới Rafah cũng đóng vai trò cửa ngõ quan trọng cho việc viện trợ nhân đạo giữa Gaza và Ai Cập.
Trong nhiều tháng, Israel cũng đã nói thẳng rằng họ có ý định phát động chiến dịch quân sự quan trọng tại Rafah, nhưng Hoa Kỳ luôn phản đối ý định này.
“Chúng tôi đã nói khá rõ ràng rằng chúng tôi không muốn chuyện này xảy ra. Có thể nói rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Israel nếu như họ theo đuổi các lựa chọn khác,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết trong cuộc họp báo hôm 09/05.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Kirby cố gắng làm rõ các bình luận của tổng thống trong cuộc gọi với các phóng viên, ám chỉ rằng công chúng đã hiểu những gì mà tổng thống nói riêng với ông Netanyahu trong nhiều tuần nay rồi.
“Tổng thống cùng nội các của mình đã nói rõ trong vài tuần nay rằng chúng tôi không ủng hộ chiến dịch quân sự lớn trên bộ tại Rafah,” ông Kirby cho biết hôm 09/05, đồng thời nói thêm rằng tổng thống “đã liên tục truyền đạt điều này một cách thẳng thắn” cho ông Netanyahu.
Hiện vẫn chưa rõ liệu quyết định của Hoa Kỳ sẽ tác động như thế nào đến chiến dịch quân sự tại Rafah và quan điểm của cộng đồng Do Thái ở Hoa Kỳ.
Cựu quan chức tình báo Israel Avi Melamed tin rằng tuyên bố gần đây của ông Biden đã khuyến khích Hamas và Iran, đồng thời đặt các đồng minh của Hoa Kỳ tại Trung Đông vào vòng nguy hiểm.
“Có những thông điệp và mục tiêu mâu thuẫn trong chính sách của Hoa Kỳ. Nhiều người Do Thái nhìn nhận vấn đề này như thế,” ông nói với The Epoch Times.
Mặc dù vậy, ông Melamed tin rằng vẫn còn cơ hội cho các hành động mang tính chiến thuật của Israel khi nói đến các chiến dịch quân sự tại Rafah.
“Tôi không biết liệu chuyện này sẽ có ảnh hưởng đến quyết tâm phát động chiến dịch tại Rafah hay không. Trên thực tế, trong vài giờ trước, theo như đưa tin thì Israel đã mở chiến dịch này rồi,” ông cho biết.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng sau này kế hoạch chiến dịch của Israel sẽ chậm rãi hơn và thận trọng hơn, trái ngược với chiến lược “bất ngờ và kinh hãi” mà họ sử dụng trước đây trong cuộc chiến này.
Ông Melamed lưu ý rằng Israel có lẽ sẽ tránh được xung đột thêm với chính phủ TT Biden nếu áp dụng chiến lược mới này.
Mặc dù vậy, một số nhóm người Do Thái tại Hoa Kỳ đã bày tỏ sự thất vọng đối với việc Hoa Kỳ quyết định ngừng chuyển vũ khí cho Israel.
Ông Daniel Rosen, Chủ tịch American Jewish Congress, đã đưa ra tuyên bố, gọi quyết định này là “hết sức đáng lo ngại”.
“Điều này gây ra nguy cơ tạo ra lối đưa tin khiến cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái ở Hoa Kỳ càng trầm trọng hơn, giúp công nhận những người nuôi dưỡng lòng căm thù đối với người Israel theo đạo Do Thái (Jews, khoảng 80%) và người Israel theo tôn giáo khác [khoảng 20%] , cũng như trao quyền cho những địch thủ của người Do Thái,” ông nói trong bản tuyên bố.