Việc tăng thuế hàng nhập cảng Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với Hoa Kỳ
Anders Corr
Hôm 14/05, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã công bố các loại thuế quan mới hoặc tăng mức thuế quan đối với một loạt hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc. Các loại thuế này sẽ áp dụng cho lượng hàng nhập cảng Trung Quốc trị giá 18 tỷ USD, so với mức thuế áp dụng cho 300 tỷ USD hàng nhập cảng của cựu TT Donald Trump.
Các mức thuế mới nhất bao gồm mức thuế cao hơn đối với vi mạch máy điện toán, pin, thép, nhôm, nguyên tố đất hiếm, vật tư y tế (bao gồm cả thiết bị bảo hộ cá nhân), cần cẩu cảng, và xe điện (EV) của Trung Quốc. Xe điện có mức tăng thuế quan cao nhất, từ 27.5% lên 102.5%. TT Joe Biden đang duy trì phần lớn thuế quan của chính phủ tiền nhiệm.
Cựu TT Trump vẫn là người ủng hộ mạnh mẽ hơn việc áp thuế đối với Trung Quốc. Ngoài việc áp đặt thuế quan đối với phần lớn giá trị thương mại tính bằng đồng USD, ông đã phá vỡ khuôn mẫu về các cách tiếp cận thương mại tự do thuần túy trước đây với Trung Quốc. Thuế quan của ông thường được ấn định ở mức 25%, nhưng vẫn là thấp hơn mức thuế 60% được đề nghị đối với tất cả hàng nhập cảng của Trung Quốc, và 10% đối với tất cả hàng nhập cảng khác, nếu ông đắc cử tổng thống.
Thuế quan cao hơn đánh vào những mặt hàng nhập cảng chiến lược từ Trung Quốc vốn cạnh tranh làm giảm giá ở Hoa Kỳ – đôi khi tới mức thấp hơn chi phí sản xuất – để giành thị phần của những mặt hàng mà, trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như đại dịch hoặc chiến tranh, sẽ khó hoặc không thể thay thế. Bất cứ lúc nào, sự độc quyền của Trung Quốc đối với một mặt hàng nhất định có thể dẫn đến mức giá độc quyền cao. Việc “bán phá giá” chiến lược sản phẩm của Trung Quốc vào thị trường Hoa Kỳ được xem là hành vi thương mại không công bằng, làm tăng rủi ro kinh tế và rủi ro an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ.
Hoa Thịnh Đốn cũng chỉ trích nhà cầm quyền Trung Quốc về những vụ đàn áp nhân quyền của chế độ này – chẳng hạn như cuộc diệt chủng nô lệ với người Duy Ngô Nhĩ – và việc không khuyến khích công dân Trung Quốc tiêu dùng ở trong nước nhiều hơn. Khuyến khích tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ làm cải thiện mức sống của người dân Trung Quốc và tăng nhu cầu nhập cảng từ Hoa Kỳ, tạo ra việc làm cho người Mỹ.
Sau nhiều thập niên nhập cảng hàng giá rẻ – chủ yếu từ Trung Quốc, với hệ quả là Hoa Kỳ bị phi công nghiệp hóa – cử tri Mỹ nhìn chung ủng hộ lập trường cứng rắn hơn chống lại các chính sách thương mại không công bằng của Trung Cộng. Chính sách cam kết thương mại tự do với Trung Quốc trước đây nhằm cố gắng đưa đất nước này hướng tới nền dân chủ thị trường rõ ràng đã thất bại.
Khi Trung Quốc trở nên ngày càng giàu có hơn, phần lớn là thông qua thương mại với Hoa Kỳ và châu Âu, thì những hành xử hung hăng của Bắc Kinh – đặc biệt là đối với Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta – chỉ ngày càng gia tăng. Những hành xử ác ý này bao gồm vụ che đậy tiềm ẩn dẫn đến đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng fentanyl, và kiểu chạm trán nguy hiểm với các phi cơ không lực và các tàu hải quân của Hoa Kỳ có thể dẫn đến thương vong cho quân nhân Mỹ. Kết quả là, công chúng Mỹ ngày càng nhận thức được rằng việc tiếp tục làm giàu cho địch thủ nguy hiểm nhất của Hoa Kỳ thông qua các hoạt động thương mại không công bằng có lẽ là thất bại chiến lược lớn nhất về chính sách đối ngoại và thương mại trong lịch sử Hoa Kỳ.
Trung Cộng đã phản ứng với các loại thuế quan mới của Hoa Kỳ bằng cách nói rằng chính sách thuế này vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO). Trung Quốc đã tận dụng WTO để thúc ép mở cửa các thị trường trên toàn thế giới – điều này đặt ra câu hỏi liệu WTO có thực sự là tổ chức vì lợi ích toàn cầu hay không nếu tổ chức này đang bị một chế độ toàn trị và diệt chủng lợi dụng để tăng cường quyền lực gây thiệt hại cho các nền dân chủ thị trường khắp thế giới.
Hai mối lo ngại chính về các loại thuế mới của chính phủ TT Biden cũng đang được đưa tin trên báo chí kinh doanh. Đầu tiên, thuế quan có thể dẫn đến các mức thuế trả đũa mà Trung Cộng áp đặt đối với Hoa Kỳ. Thứ hai, thuế có thể làm tăng lạm phát ở Hoa Kỳ đúng thời điểm lạm phát rốt cuộc đã giảm được xuống mức có thể dẫn đến Ngân hàng Dự trữ Liên bang giảm lãi suất.
Tuy nhiên, giới báo chí kinh doanh thường phục vụ cho các nhóm lợi ích đặc biệt và hệ tư tưởng thương mại tự do chạy theo lợi ích trước mắt của các nhóm này, tạo lợi thế cho các nhà xuất cảng sang Trung Quốc lớn nhất của Hoa Kỳ trong khi bỏ qua các doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ vốn thường bị tổn hại vì hàng nhập cảng Trung Quốc. Các nhà xuất cảng lớn sang Trung Quốc cảnh báo không ban hành các loại thuế mới, cho rằng các loại thuế này có thể kích động Bắc Kinh áp dụng thuế trả đũa và dẫn đến lạm phát tăng đáng kể. Các nhà xuất cảng sang Trung Quốc đề ra lập luận như vậy cũng có thể là đang lấy lòng Bắc Kinh.
Những động lực tương tự cũng ảnh hưởng đến Liên minh Âu Châu, nơi dự kiến sẽ tăng thuế quan đối với xe điện Trung Quốc trong những tháng tới. Volkswagen – hãng có doanh số bán hàng lớn nhưng đang giảm dần ở Trung Quốc – đã phản đối thuế quan của EU đối với xe điện Trung Quốc.
Mặc dù thuế quan cứng rắn hơn đối với Trung Quốc là cần thiết, nhưng xét đến tình trạng kinh tế và chính trị hiện tại của Trung Quốc, các loại thuế quan có thể được nới lỏng trong tương lai nếu Trung Quốc dân chủ hóa và trở thành nền kinh tế thị trường giao dịch công bằng với các nước khác.
Một khi thuế quan được áp dụng và các ngành công nghiệp của Hoa Kỳ được gây dựng lại, thì thuế quan sẽ khó có thể được dỡ bỏ về mặt chính trị. Kết quả này có thể tránh được nếu chính phủ TT Biden và Quốc hội đưa vào các điều khoản hết hiệu lực để xóa bỏ thuế quan nếu Trung Quốc chuyển thành nền dân chủ thị trường một cách đáng tin cậy. Viễn cảnh này có thể được xem là mơ tưởng hão huyền, nhưng những điều khoản như vậy sẽ khuyến khích Bắc Kinh làm điều đúng đắn và nhắc nhở Trung Quốc rằng nguyên nhân của thuế quan không phải là “chủ nghĩa bảo hộ” hay tâm lý bài Hoa mà là do sự tấn công của Trung Cộng vào các nguyên tắc dân chủ thị trường của chúng ta và vào nhân quyền của chính người dân Trung Quốc.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/cao học khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông) xuất bản năm 2018.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.