Viết chữ có tác động tới tư duy
Các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa hoạt động viết chữ và sự phát triển nhận thức.
Trong một thế giới bị chi phối bởi văn bản và email, các trường học đang ít quan tâm hơn đến chữ viết tay. Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng xu hướng này tước đi một kỹ năng quý giá của sinh viên.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2009 “Bản Thảo & Nét Chữ Nguệch Ngoạc: Sự Trỗi Dậy và Sụp Đổ của Chữ Viết Tay” (Script & Scribble: The Rise and Fall of Handwriting), tác giả Kitty Burns Florey nhớ lại những năm 1950 tại Trường St. John the Baptist ở Syracuse, New York. Tại đây, bà tiến dần từ bút chì sang bút mực, rồi đến sự xa hoa mới lạ của bút bi. Sự khám phá khi trau dồi nghệ thuật viết chữ đem đến cho bà một trải nghiệm độc đáo không thể nào tìm được trên bàn phím máy tính.
“Giờ đây thật hiển nhiên là hầu hết các kịch bản mà tôi cố gắng viết thuở đó đều là sự kiêu căng thái quá, cũng đáng kinh ngạc, nhưng lúc đó tôi lại xem mỗi tác phẩm là đỉnh cao của sự tuyệt vời – nào là nét chữ đúng điệu của một nghệ sĩ bay bổng đầy khát vọng, một nhà văn tương lai, một người nhạy cảm sâu sắc đã viết nên những vần thơ lãng mạn ướt át, sau đó đốt nó trong bồn rửa rồi khóc,” bà Florey viết.
Tuy nhiên, trong lớp học ngày nay, học sinh có rất ít thời gian để học những điều cơ bản, lại càng ít thử nghiệm hơn với phong cách cá nhân. Các tiêu chuẩn mới nhất của liên bang theo Common Core chỉ xếp giờ tập viết vào mẫu giáo và lớp một.
Các tiểu bang có quyền thêm môn tập viết, nhưng không mấy ai nghĩ trẻ em cần nhiều hơn thế. Ngày nay, 41 tiểu bang không yêu cầu luyện viết chữ nghiêng cursive, và hầu hết các quận chọn dành thời gian học cho các kỹ năng khác.
“Rõ ràng là việc sử dụng bàn phím sẽ giúp sinh viên thành công hơn trong sự nghiệp và trong trường học so với viết chữ nghiêng cursive,” ông Morgan Polikoff, một giáo sư phụ tá về chính sách và lãnh đạo K-12 tại Đại học Nam California USC, cho biết.
Bút pháp và tiến trình nhận thức
Những người coi trọng kỹ năng viết chữ đưa ra các nghiên cứu gần đây cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc luyện viết chữ và sự phát triển của não bộ.
Bằng chứng MRI từ một nghiên cứu của Đại học Indiana năm 2010 chỉ ra rằng thần kinh của trẻ em được chứng minh là hoạt động nhiều hơn khi tập viết chữ so với khi chỉ nhìn vào các chữ cái in trên giấy. Một nghiên cứu năm 2012 cho rằng việc viết chữ hỗ trợ khả năng nhận dạng chữ cái của trẻ em và xây dựng kỹ năng đọc theo những cách mà việc gõ máy tính không làm được.
“Tôi nghĩ rằng nhiều nhà giáo dục thực sự không biết chính xác cách trẻ em học, cách hoạt động của quá trình nhận thức, và cách chữ viết tác động đến quá trình nhận thức đó. Nghiên cứu gần đây đã được chuyển đến các nhà giáo dục chịu trách nhiệm về chương trình giảng dạy,” chuyên gia viết tay Nan Jay Barchowsky cho biết.
Một bàn tay đang “chạy”
Bà Barchowsky và bà Florey mong muốn các trường học nhận ra tầm quan trọng của chữ viết tay; đồng thời họ cũng tin rằng các phương pháp cũ lãng phí thời gian và không khuyến khích thực hành. Ví dụ, trong các trường dạy viết chữ nghiêng cursive, các chuyên gia nhận thấy hầu hết trẻ em quay trở lại kiểu chữ viết in [thẳng] mà chúng đã học lúc đầu. Kết cuộc là nhiều người lớn viết chữ như gà bới.
“Hầu hết các trường học trong 75 năm qua đều dạy viết chữ in thẳng trước rồi sau đó mới dạy thêm chữ nghiêng cursive. Theo quan điểm của tôi, họ đã gây ra rất nhiều vấn đề khi làm theo cách này. Bởi vì tôi nghĩ quan trọng là trẻ em chỉ cần học một cách viết và không bị làm rối bằng cách dạy hai bộ nhớ vận động khác nhau,” bà Barchowsky nói.
Kiểu chữ nghiêng cursive gợi đến một kiểu vòng lặp, lượn xuống, và một chữ Q viết hoa khá gây tò mò, nhưng cái thực sự làm cho người ta liên tưởng đến là một dòng chảy liên tục – đó là một bàn tay đang “chạy”.
Một số kiểu viết tay nhanh [tốc ký] đã tồn tại có thể nói là từ rất xa xưa. Không chỉ trong bảng chữ cái La Mã, mà người Phoenicia, người Ai Cập cổ đại, và các nền văn hóa khác đều đã phát triển một kiểu viết với tốc độ nhanh hơn và tiện hơn so với ký hiệu tiêu chuẩn.
Do sử dụng phần lớn thời gian trên lớp để ghi chép, học sinh ngày nay vẫn cần một kiểu viết nhanh chóng, thoải mái, và nếu họ muốn giao tiếp hiệu quả, thì nó còn phải dễ đọc.
Kiểu chữ nghiêng (Italic)
Bà Barchowsky và bà Florey ủng hộ kiểu chữ viết được gọi là kiểu chữ in nghiêng (Italic). Mặc dù nó giống với kiểu chữ viết xéo (slanted), nhưng kiểu chữ in nghiêng Italic giống như một sự lai tạo giữa chữ in (print) và chữ viết nghiêng cursive thông thường. Là sản phẩm của thời Phục hưng Ý, kiểu chữ in nghiêng Italic giống kiểu chữ in, nhưng những nét viền của chúng hoa mỹ hơn.
Trong bài xã luận “Chữ Viết Tay Vẫn Quan Trọng trong Thế Giới Kỹ Thuật Số” (Does Handwriting Still Matter in the Digital World) tháng 9/2013 của mình, bà Florey cho rằng, trẻ em dễ dàng chuyển sang chữ in nghiêng Italic vì nó ít nét hơn. Nó dễ viết hơn và cũng dễ đọc hơn, và nó đã được áp dụng trong các trường học trên khắp Âu Châu và Úc Châu.
“Chúng ta có thể không chuyển sang viết tay mỗi ngày (tôi cá là hầu hết mọi người đều vậy), nhưng chúng ta nên sử dụng nó thường xuyên hơn vì nó trong tầm tay chúng ta: nhanh chóng, đáng tin cậy, dễ đọc. Và tôi không nghi ngờ gì về việc 90% những người đọc bài báo này có nét chữ rất xấu,” bà viết.
Theo bà Barchowsky, nét chữ viết tay mang đậm sắc thái cá nhân. “Đó là cách bạn thể hiện bản thân mình với thế giới. Nó tương tự như kiểu tóc của bạn, quần áo mà bạn chọn mặc,” bà nói.
Bà Barchowsky cho biết thêm rằng cảm nhận về bản thân khi viết tay cũng có thể là lý do khiến các trường học chống lại sự thay đổi.
“Tôi nghĩ rằng điều này bắt nguồn từ việc viết tay là một kỹ năng thể hiện cái tôi của bản thân. Tôi cho rằng người ta thể hiện cảm xúc vào trong chữ viết tay, và ‘đó là cách chúng ta vẫn luôn làm,’” bà chia sẻ.