Nếu khách hàng ghé vào một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội, hay Sài Gòn để gửi tiết kiệm hoặc làm các giao dịch cá nhân, thì rất có thể sẽ được chào mua các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao hơn mức tiết kiệm tới vài phần trăm. Đã có rất nhiều người mua trái phiếu doanh nghiệp như vậy.

Nhưng khi hỏi họ có biết điều kiện trái phiếu, điều kiện thanh toán vốn, lãi cũng như tình hình các doanh nghiệp như thế nào hay không, thì những cá nhân này đều không rõ. Ở chiều ngược lại, đã có nhiều doanh nghiệp phát hành thành công hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu. 

Tăng trưởng nóng và nguyên nhân

Từ cuối năm 2018, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã tăng trưởng mạnh về số lượng. Theo công bố của Bộ Tài chính, giá trị phát hành TPDN cuối năm 2019 chiếm 10.38% GDP, tương đương khoảng 640,000 tỷ đồng (khoảng 27 tỷ USD). Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có đến 130 doanh nghiệp chào bán trái phiếu, huy động 6.6 tỷ USD, tăng 70% so với cùng thời kỳ 2019, bỏ xa mức tăng trưởng 37% trong năm 2019. Điều này đẩy quy mô thị trường TPDN đạt quy mô khoảng 33 tỷ USD, tương đương 12.9% GDP.

Sở dĩ thị trường sôi động như vậy là do quy định của Ngân hàng nhà nước (NHNN) về “hạn mức” cho vay tối đa đối với ngân hàng thương mại. “Hạn mức” này được hiểu là một ngân hàng thương mại chỉ được cho vay một tỷ lệ vốn nhất định đối với ngành bất động sản; có dư nguồn tiền, cũng không được cho vay thêm. Do đó, khi các doanh nghiệp bất động sản không thể tiếp cận vốn ngân hàng theo hình thức tín dụng đành tìm cách huy động tiền thông qua phát hành trái phiếu. Ngoài ra, theo quy định hiện tại về phát hành là Nghị định 163/2018 thì không có giới hạn về quy mô phát hành, số lần phát hành, không phải thực hiện theo các yêu cầu kiểm duyệt về phương án phát hành... khiến doanh nghiệp khá dễ dàng gọi vốn bằng hình thức này. 

Vậy ai là người phát hành trái phiếu chính trên thị trường? Câu trả lời là các ngân hàng thương mại (40%), chính họ cần thu hút thêm nguồn vốn nhằm bảo đảm các yêu cầu an toàn vốn của NHNN và tiếp theo là các doanh nghiệp bất động sản (19%). Các công ty chứng khoán chỉ chiếm phần nhỏ (2,5%) và tất cả các doanh nghiệp thuộc các ngành còn lại khác chiếm 38,5 %, theo số liệu ngày 19/5/2020 của Bộ Tài chính. Theo báo cáo tháng 8 của Công ty Chứng khoán VNdirect, mức lãi suất được công bố của một số trái phiếu doanh nghiệp đã lên tới mức là 13% một năm.

Bên mua lại cũng chủ yếu là các tổ chức tín dụng và các công ty chứng khoán (chiếm 63% khối lượng phát hành sơ cấp)… và các cá nhân trong nước. Điểm đáng lưu ý là, số lượng nhà đầu tư cá nhân đã tăng mạnh mẽ; nếu như năm 2019, tổng dư nợ trái phiếu mà nhà đầu tư cá nhân mua chỉ chiếm 8.8% giá trị toàn thị trường, thì theo Công ty Chứng khoán SSI, hiện nay là khoảng 27%.

Về lãi suất, chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu và lãi suất tiết kiệm gửi ngân hàng trung bình là 2%, thậm chí lên đến 3%, 4% hoặc cao hơn (do một số doanh nghiệp bất động sản có lãi suất trái phiếu lên đến 12%–14% một năm), trong khi mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng giảm chỉ còn trong khoảng từ trên 6% đến trên 7% một năm, đã khiến TPDN trở nên rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, tổ chức, và cá nhân.

Lãi suất cao, rủi ro cao?

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà nội (HNX), riêng trong năm 2019, tại thời điểm phát hành, có 28 trong 217 doanh nghiệp phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu (gồm vốn góp ban đầu và lợi nhuận tích lũy các năm); trong đó 11 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt 50 lần vốn chủ sở hữu, đặc biệt có tới 6 doanh nghiệp ghi nhận khối lượng phát hành vượt tới 100 lần vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng liên tục huy động bằng cách chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và tăng mức lãi suất để thu hút các nhà đầu tư cá nhân nhỏ. Đầu năm 2020, theo Công ty Chứng khoán BVSC, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam thực hiện tới 60 đợt phát hành, huy động tổng cộng 125 triệu USD.

Việc quy định phát hành trái phiếu không giới hạn mức tối đa nêu trên dễ dẫn đến việc doanh nghiệp không tính toán cẩn trọng khi sử dụng đòn bẩy tài chính này. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nguồn vốn bị sử dụng sai mục đích vay, không nhằm phát triển mở rộng hoạt động kinh doanh. Đồng thời việc nhiều doanh nghiệp vay vượt xa vốn chủ sở hữu sẽ dẫn đến rủi ro “vỡ nợ” nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không hiệu quả, mà câu chuyện xảy ra với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc gần đây là một minh chứng.

Sự thiếu vắng các tổ chức xếp hạng định mức tín nhiệm doanh nghiệp và các thông tin về xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (chỉ một vài ngân hàng lớn được các tổ chức như Moody’s, S&P công bố xếp hạng) cũng khiến cho việc nhận định cơ hội đầu tư không chính xác khi thông tin không đầy đủ.

Nhà đầu tư trái phiếu là cá nhân nên làm gì?

Trong bối cảnh này, so với các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp (là những nhà đầu tư có khả năng phân tích và chấp nhận rủi ro khi đầu tư trái phiếu hoặc có những mục đích cụ thể đặc thù) thì nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa có năng lực phân tích và kinh nghiệm đầu tư. Họ không tự đánh giá được và cũng chưa quan tâm tới tình hình kinh doanh và triển vọng của doanh nghiệp; thậm chí không phân biệt được rõ giữa bảo lãnh phát hành (không có sự bảo đảm hoàn vốn) và bảo lãnh thanh toán (có sự bảo đảm hoàn vốn).

Kết quả là họ rất dễ rơi vào thế bất lợi, vì chỉ mải quan tâm đến lãi suất cao trước mắt mà để sự hấp dẫn này che mờ những rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư vào TPDN. Họ quên mất rằng lãi suất cao tất nhiên sẽ đi kèm với rủi ro cao hơn, đặc biệt là tại các doanh nghiệp bất động sản phát hành với lãi suất lên đến 13%, 14% một năm. Và nếu như không có điều kiện bảo lãnh thanh toán, nếu doanh nghiệp (không minh bạch kia) gặp khó khăn tài chính, thì khi chưa đáo hạn TPDN, nhà đầu tư có thể mất hoàn toàn cả gốc và lãi. Chưa kể là nếu muốn bán trái phiếu trước hạn cũng rất dễ gặp khó khăn bởi tính thanh khoản thấp của thị trường, cũng như chưa có hệ thống giao dịch và thanh toán tập trung chuẩn.

Trong khi chờ đợi khung pháp lý được sửa đổi để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân, lời khuyên cho họ trước khi quyết định mua trái phiếu là nên yêu cầu tổ chức phát hành, tổ chức phân phối và tư vấn cung cấp thông tin đầy đủ; tìm hiểu kỹ càng về trái phiếu được phát hành như: mục đích; có tài sản bảo đảm hay không có tài sản đảm bảo; phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. 

Nên lưu ý rằng rủi ro có thể luôn xảy ra và câu hỏi quan trọng trước khi quyết định là: “Đến ngày đáo hạn trái phiếu mà mình có ý định nắm giữ, thì doanh nghiệp đó còn tồn tại và hoạt động hiệu quả hay không?”  Đây là điều các nhà đầu tư cá nhân nên luôn ghi nhớ.

Thanh Tâm

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn