Truyền thông nhà nước VN đưa tin rằng, giới chức trách tỉnh Hà Tĩnh đang điều tra vụ nhà thầu nâng khống gói thiết bị y tế là bộ máy giặt, máy sấy trị giá hơn 2 tỷ đồng lên 12 tỷ đồng, rồi bán cho 4 bệnh viện ở tỉnh này.

Việt Nam xuất hiện hàng loạt việc nâng khống giá thiết bị y tế
Các trang thiết bị y tế bị nâng khống giá: Máy xét nghiệm, máy giặt, máy sấy… (Ảnh antv.gov.vn)

Đơn vị đang bị điều tra là Công ty cổ phần đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh, địa chỉ số 85, đường Hải Thượng Lãn Ông, TP. Hà Tĩnh.

Từ tháng 8 đến tháng 12/2018, công ty này mua 4 bộ máy giặt, máy sấy công nghiệp của Công ty Cổ phần The One Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội. Giá trị mỗi bộ máy giặt, máy sấy là hơn 523 triệu đồng sau thuế. Tổng trị giá 4 bộ trang thiết bị này là gần 2.1 tỷ đồng.

Thế nhưng, chỉ có 1 bộ máy giặt, máy sấy bán cho Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Hà là được hai công ty trên ký hợp đồng kinh tế số 08082018/HĐKT/TBG/HT-TO ngày 8/8/2018. Riêng 3 bộ còn lại được cung cấp cho Bệnh viện huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Can Lộc lại không được ký hợp đồng.

Các thiết bị này được hợp thức đầu vào bằng cách Công ty Cổ phần Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh ký hợp đồng với một công ty thứ ba là Công ty Cổ phần thiết bị y tế Bảo Anh (Hà Nội) và giá trị đã được nâng lên 10 tỷ đồng.

Sau đó, công ty Cổ phần Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh bán cho 4 bệnh viện ở Hà Tĩnh với tổng số tiền 12 tỷ đồng. Như vậy, các thiết bị này đã bị nâng khống từ gần 2.1 tỷ đồng lên tới 12 tỷ đồng.

Trước đó, hồi đầu tháng 9/2020, Truyền thông nhà nước VN cũng đưa tin liên quan đến vụ kê khống giá thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị liên quan. Vụ án này được Bộ Công an Việt Nam xác định có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đó, máy robot Rosa ở bệnh viện Bạch Mai chỉ với giá 7.6 tỷ đồng nhưng đã bị kê khống lên thành gần 40 tỷ đồng, và lấy đó làm căn cứ thu tiền bệnh nhân để tính khấu hao thiết bị. Từ đó, thay vì trả 4 triệu đồng cho 1 ca phẫu thuật, thì người bệnh phải trả số tiền lên đến 23 triệu đồng.

Còn trong đợt mua sắm thiết bị phòng chống dịch, hàng loạt tỉnh thành ở Việt Nam cũng có tên trong danh sách thanh tra, điều tra của các cơ quan chức năng, bao gồm: Tp. Hà Nội, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình…

Như vậy, câu chuyện nâng khống giá thiết bị y tế đã xảy ra quá phổ biến, nhưng câu hỏi “có thể ngăn” được không vẫn còn chưa có lời giải, phải chăng vì có sự đan xen lợi ích của các nhà quản lý ở trong đây?

Tác giả: Phạm Toàn

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn