Virus Trung Cộng dựng tạo lại thế giới theo hình ảnh của Trung Quốc
Tương lai trở nên tăm tối khi sự khác biệt giữa phương Tây và chế độ độc tài kỹ trị của Trung Quốc nhanh chóng bị xóa nhòa
Năm 1992, nhà sử học Francis Fukuyama đã viết rằng sự sụp đổ của Liên Xô báo hiệu “ngày tàn của lịch sử.”
Chủ nghĩa tư bản đã chiến thắng chủ nghĩa Marx
Mặc dù có đôi chút khác biệt trong học thuyết Fukuyama, nhưng về căn bản, thuyết này cho rằng trong cuộc chiến giữa chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa tư bản, thì chủ nghĩa Marx đã thất bại. Các quốc gia cộng sản từ Cuba đến Trung Quốc và mọi quốc gia nằm ở giữa đều là những chế độ sát nhân hung ác, đều nghèo khổ bần hàn với những thất bại kinh tế, và cũng là những kẻ gây ô nhiễm khủng khiếp. Những nơi đó chính là những hố địa ngục khiến ai nấy đều chán ghét. Hệ thống cộng sản áp bức, phản Thần, từ trên xuống dưới đều không làm tròn những lời hứa của mình trên mọi phương diện.
Ngược lại, các quốc gia tư bản tự do thuộc mọi loại hình đã hoạt động tương đối tốt trong hầu hết mọi phương diện quan trọng – trong mức sống, trong sự tự do cho mọi người dưới mọi hình thức, trong đổi mới công nghệ, trong cách thể hiện nghệ thuật và chính trị, trong vấn đề nhân quyền, và thậm chí cả trong vấn đề giảm ô nhiễm. Theo thuyết Fukuyama, một thiếu sót duy nhất đó là hoạt động quản lý kỹ thuật về việc đưa các quốc gia theo chủ nghĩa Marx thất bại này du nhập vào nền kinh tế toàn cầu tư bản chủ nghĩa.
Định hướng Trung Quốc theo hình ảnh của chúng ta – hay ngược lại?
Nhưng một điều không mấy vui đã xảy ra trên con đường đi đến “ngày tàn của lịch sử.” Một thập niên trước khi chủ nghĩa cộng sản Liên Xô sụp đổ, phương Tây – mà dẫn đầu là Hoa Kỳ – đã quyết định rằng việc kết nối với Trung Cộng sẽ không chỉ là một đối trọng với Liên Xô, mà còn có thể dẫn đến việc Trung Quốc trở nên giống phương Tây tư bản tự do hơn.
Tư tưởng này được thể hiện rằng nếu như chúng ta giao phó tiền bạc, nhà máy, công nghệ, và thị trường cho người Trung Quốc cộng sản, thì chúng ta có thể biến quốc gia đông dân nhất thế giới này thành một xã hội giống như xã hội của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã thành công, nhưng cuộc thảm sát 10,000 sinh viên trẻ năm 1989 ở Quảng trường Thiên An Môn đã chấm dứt ảo tưởng đó.
Sau màn phô bày tàn nhẫn đó của Trung Cộng, Hoa Kỳ đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt yếu ớt. Sau đó, vào năm 2000, Hoa Kỳ đã mời Trung Cộng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Từ năm 1980 đến năm 2020, Trung Quốc từ một quốc gia nông nghiệp lạc hậu không thể tự nuôi sống mình đã trở thành địch thủ của Hoa Kỳ về công nghệ, sức mạnh kinh tế, và sức ảnh hưởng toàn cầu. Trong những năm đó, những thứ mà Trung Quốc đã không giành được một cách hợp pháp về sở hữu trí tuệ và công nghệ, thì họ đã đánh cắp từ phương Tây, bằng cách này hay cách khác. Thông lệ đó hiện vẫn đang tiếp diễn.
Hệ thống tín dụng xã hội xuất hiện
Cách đây không lâu, Trung Cộng đã đạt được năng lực công nghệ – từ nhận dạng khuôn mặt đến camera, thiết bị ghi âm, thiết bị định vị GPS, và các thiết bị khác – để tạo ra một hệ thống giám sát kỹ thuật số để kiểm tra, theo dõi, xác định, bắt giữ, giam giữ, và trừ khử những cá nhân nào có thể hoặc có khả năng gây ra mối đe dọa cho đất nước. Hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc đã ra đời.
Sau đó, Trung Cộng đã đóng gói công nghệ giám sát của họ, quảng bá công nghệ này là công nghệ “thành phố thông minh,” và đem bán cho các chế độ độc tài khác khắp năm châu bốn bể. Trung Cộng chắc chắn đã không phát minh ra sự giám sát bằng công nghệ thông minh – Anh Quốc nằm trong số những xã hội được giám sát nhiều nhất trên Trái Đất trong nhiều thập niên – nhưng Trung Quốc đã đưa hoạt động này lên một tầm cao mới.
Virus Trung Cộng mang theo chủ nghĩa toàn trị
Bàn về sự kiểm duyệt và tuyên truyền, giới truyền thông và học thuật Hoa Kỳ đã đấu tranh với chính phủ cựu tổng thống Trump cũng như những người ủng hộ chính phủ này ở một mức độ mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Các sự kiện tiêu cực được phóng đại và thậm chí được thêu dệt thành một câu chuyện hoàn toàn mới, trong khi bất kỳ sự kiện tích cực nào chỉ đơn giản là được báo cáo không đầy đủ, bị bóp méo, hoặc hoàn toàn không được báo cáo.
Nhưng tất cả những các diễn biến đó chỉ là tiền đề cho những gì sẽ xảy đến trong tương lai với sự xuất hiện lần đầu của virus Trung Cộng vào năm 2019. Virus Trung Cộng là mầm bệnh gây ra COVID-19.
Hóa ra, chúng ta ở Hoa Kỳ có một dòng người bản quốc theo chủ nghĩa toàn trị, những người đã sẵn sàng bắt đầu hành động. Rõ ràng đối với các ông trùm công nghệ lớn của Hoa Kỳ, thì tiền rừng bạc bể vẫn chưa làm họ thỏa mãn.
Họ muốn có quyền lực vĩ đại, và thực ra, họ đang sở hữu quyền lực đó.
Chủ nghĩa độc tài trong y khoa
Đáng buồn thay, sự phối hợp giữa các ông trùm công nghệ và chính phủ liên bang nhằm kiểm duyệt bất kỳ ý tưởng nào mâu thuẫn với cách đưa tin chính thức về virus Trung Cộng ở Hoa Kỳ giống với mối liên hệ giữa Trung Cộng và các phương tiện truyền thông nhà nước ở Trung Quốc. Các công ty truyền thông xã hội, cùng với chính phủ liên bang, đang sử dụng virus Trung Cộng để biện minh cho việc vi phạm các quyền hiến pháp của chúng ta dưới chiêu bài “an toàn.”
Chuyện này như thể là Bản Tuyên ngôn Nhân quyền – vốn không chỉ bảo đảm các quyền công dân và tự do của cá nhân chúng ta, mà còn hạn chế thẩm quyền của chính phủ liên bang – đã tự mình không chống chọi được với con virus này và được thay thế bằng chủ nghĩa độc tài cảm ứng trong y khoa.
Đó là bởi vì con virus này có [mang theo chủ nghĩa độc tài đó].
Sức mạnh của sự sợ hãi
Đáng buồn thay, quá ít người dân ở Hoa Kỳ cảm thấy chuyện đó là phiền hà. Tất nhiên, ai có thể tranh luận rằng tước bỏ các quyền của chúng ta nhân danh sự an toàn trong y khoa là không hợp pháp hay không khôn ngoan? Rất ít, bởi vì nếu quý vị làm vậy, quý vị sẽ bị kiểm duyệt. Bị chỉ trích công khai. Bị thất nghiệp. Bị tẩy chay.
Thực tế là sự sợ hãi được nhồi nhét vào [tư tưởng] chúng ta ngày này qua tháng khác suốt 18 tháng nay, bảo chúng ta cần phải chấp nhận rằng chúng ta quá dễ bị tổn thương, quá yếu ớt, cũng như quá e dè để đối mặt với thế giới, để đương đầu một căn bệnh với tỷ lệ sống sót 99%, mà không phải sống dưới sự bảo hộ của nhà nước.
Và Trung Quốc hiện diện ở đâu trong tất cả những điều này?
Ở khắp mọi nơi.
Trung Quốc giành quyền kiểm soát Hoa Kỳ
Trên thực tế, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã đang mua phần lớn ngành công nghiệp của Hoa Kỳ – từ đất nông nghiệp và các nhà máy chế biến thịt lớn nhất của chúng ta cho đến các rạp chiếu phim AMC và các kênh thông tấn chủ đạo. Hậu quả của việc này thật rùng mình: Trung Cộng đang có được sức ảnh hưởng lớn đến những gì chúng ta đưa vào cơ thể và vào trong tâm trí của mình. Đó đơn thuần là loại quyền lực mà Trung Cộng muốn có.
Hơn nữa, tất cả những đại công ty công nghệ đó đã kiếm được hàng tỷ dollar ở Trung Quốc và vẫn liên hệ mật thiết với nhà cầm quyền cộng sản này. Một sự tình cờ khác. Nhưng ai thực sự có thể oán trách họ? Rốt cuộc, điều tương tự có thể được nói về gia đình ông Biden.
Nhưng điều đó đã đặt người Mỹ ở vị trí nào?
Quay về với đế chế của thuở xưa?
Trong nhiều thập kỷ, sự áp bức người dân Trung Quốc của Trung Cộng được thế giới này coi là một hành vi lệch lạc tối tăm của lịch sử – một đứa con riêng phản địa đàng tồi tệ của chế độ độc tài Liên Xô cũ. Giả định rằng Trung Quốc sẽ dần phát triển thành một quốc gia theo phong cách phương Tây nhiều hơn đã được chứng minh là liều lĩnh. Thay vào đó, các xu hướng hiện tại cho thấy Trung Quốc là một đế chế đang cường thịnh với khả năng và tham vọng toàn cầu, với hành động khinh thị các quốc gia phương Tây; và rằng những yếu tố đó đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của nhà cầm quyền này.
Đứng trên quan điểm của ngày hôm nay, có lẽ chính Hoa Kỳ đang biến mất trước mắt chúng ta và là một sự sai lệch của lịch sử. Có phải lịch sử, phần lớn được khắc họa bởi lực lượng bạo tàn và sự chuyên chế vốn đã ấn định từ đế chế này sang đế chế khác, giờ đây đang định hình trở lại?
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông James R. Gorrie là tác giả của “The China Crisis” (Cuộc Khủng Hoảng Trung Quốc) (Wiley, 2013) và viết bài trên blog TheBananaRepublican.com của mình. Ông sống tại Nam California.