Võ là một nhà đại – nho trong thế kỷ mười tám. Thế mà sử sách chỉ chép sơ qua, ngày nay ít người biết tới !

Võ là người ở Bình Dương thuộc Gia Định (Nam – Kỳ).

Tài cao, học rộng, Võ có chí cao – khiết, theo đòi thánh hiền đời xưa. Gặp lúc Tây Sơn quật khởi, trong nước có cuộc nội tranh, Võ lánh ẩn về quê, dạy học có đến mấy trăm học trò. Nhiều danh thần vua Gia  Long (1802 – 1819) như Trịnh Hoài Đức, Ngô Tùng Chu, Phạm Đăng Hưng, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh đều là cao đệ của Võ tiên sinh đó. Cả đến hai dật sĩ Chiêu và Trúc cũng được Võ đào tạo cho hết.

Khi vua Gia Long ở Gia Định, ngài thường vời Võ vào bệ – kiến bàn – luận về Kinh – điển.

Khi Võ mất, vua Cao Hoàng rất thương tiếc, ban tiên hiệu cho tiên sinh là “Gia – Định xữ – sĩ Sùng – đức Võ tiên sinh”, để khắc bia dựng ở mộ.

Tiên sinh không có con giai, chỉ có một con gái. Người con nuôi tên là Trúc được triều đình miễn sưu, không phải đi lính, để ở nhà giữ việc thờ tự. Tiên sinh lại còn có một người cháu tên là Võ Tài Toàn, đến tháng 9 năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18, cũng được miễn sưu.

Tháng giêng năm Tự Đức thứ 5, vì có quan Kinh lược Nguyễn Tri Phương tâu xin, nên có sắc nhà vua sai dựng phường tinh biểu ở quê tiên sinh: Thôn Hòa Hưng, huyện Bình Dương.

Dưới đây là bia (nguyên văn bằng chữ Hán) của cụ Phan Thanh Giản đề ở mộ tiên sinh tại làng Bảo Thạnh gần quận Batri (Bến tre) do bạn Thọ Xuân chép gởi cho và do bạn Trúc Khê lược dịch sang tiếng Việt.

 Nguyễn Triệu

Mộ chí Võ Trường Toản

tiên sinh

(BẢN DỊCH)

Tiên sinh họ Võ, huý Trường Toản, Tiên thế hoặc nói là người làng Thanh Kệ hạt Quảng Đức, hoặc nói là người làng Bình Dương hạt Gia Định, uyên nguyên khó tường. Tiên sinh học sâu, biết rộng, gặp đời loạn Tây Sơn, ở ẩn, dạy học trò hàng mấy trăm người. Hạng học trò cao thì như Ngô Tòng Chu. Thứ đến Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhân Tĩnh v.v. Hạng danh sĩ thì như Chiêu và Trúc đều là hai tay dật dân. Còn những người khác không kể xiết. Các ông trên này gặp hội gió mây, ra làm bậc hiền tá ở đời Trung – hưng (chỉ triều Gia Long), đều có công liệt rỡ ràng ở đời.

Hồi vua Thế Tổ ngự ở Gia – định, tiên sinh thường vời vào hỏi chuyện.

Lại nghe, tiên sinh học rộng các kinh, và sở trường về bộ tứ thư.

Dật Nhân Chiêu vốn người túc học, chỉ theo tiên sinh mà nhận lĩnh được cái nghĩa “tri ngôn, dưỡng khí”. Từng thấy trong sách tiên sinh còn sót lại có nói: “Sách Đại học một nghìn bảy trăm chữ, tan ra, vô số việc; thu lại, chỉ hai trăm chữ; lại thu nữa, chỉ một chữ; lại thu hẳn lại, một chữ cũng không”. Ấy cái học của tiên sinh đã đến tận chỗ lớn lao và tinh vi là như vậy. Dẫu đem cách học ấy mà đọc nghìn vạn kinh sách cũng được lắm.

Tiên sinh không xuất chính, nên không được thấy sơ sự nghiệp về chính trị của tiên sinh.

Từ khi tiên sinh đem cái học nghĩa – lý ra dạy người, chẳng những đương thời nung đúc được nhiều nhân tài, mà do sự truyền thuật giảng dụ mài rửa, đến giờ, dân Lục tỉnh trung nghĩa cảm phát, liều chẳng tiếc mình, tuy vì thâm nhân hận trạch của triều đình cố kết lòng người, nhưng cũng há chẳng do công khai đạo của tiên sinh từ xưa để lại mới được như thế ư ?

Ngày 9, tháng 6, năm Nhâm Tý (1792), tiên sinh mất, vua rất thương cảm, ban hiệu là “Gia – Định xử – sĩ Sùng đức Võ tiên – sinh” để khắc vào bia ở mộ.

Sau hồi đại định, các ông học trò của tiên sinh dần dần tan tác, không ai biểu dương.

Năm Tự Đức thứ 5, Hoàng thượng sai dựng phường để tinh biểu ở thôn Hòa Hưng huyện Bình Dương.

Bọn chúng tôi lại góp tiền lập đền và tậu ruộng để dùng vào việc cúng tế.

Gần đây, nhân binh biến, phường và đền đều bị tàn phá, thành ra miếng đất hoang quạnh. Mồ cũ để lâu ở đó, cũng e không tiện, tôi nhân cùng bạn đồng quận là ông Nguyễn Thông, đốc học Vĩnh Long họp các thân sĩ mưu thiên đi nơi khác. Chúng tôi thông báo với quan Hiến sứ An giang là Phạm Hữu Chính cùng tỉnh Hà Tiên (?) cũng đều đồng ý, bèn uỷ bọn ông tú tài Võ – gia Hội hợp với những người đàn anh ở thôn Hòa Hưng kính khai huyệt lên, đổi bỏ ván cũ thay sang ván mới.

Mọi người cử Nguyễn Thông làm chủ tang, tang phục theo lối trở thầy đời xưa.

Chọn ngày 28, tháng 3 năm nay (1867), rước di hài tiên sinh đem táng ở đồng thôn Bảo Thạnh huyện Bảo An…

Đem bà Thục – thận nhụ – nhân hợp táng và người con gái bé tòng táng.

Ngôi đất này dựa vào gò cao và trông ra một vùng cây cối, trước mặt rộng rãi um tùm, cảnh trí khá đẹp. Trước mộ mười trượng dựng đền, trước đền 7 trượng dựng phường.

Công việc này, các quan – liêu ở tỉnh, các chức phủ, huyện, giáo, huấn và các học trò cùng thân sĩ hai tỉnh An, Hà, luôn với nhân – sĩ lưu – ngụ ở ba tỉnh Gia Định đều dự cả.

Cát táng xong, tâu xin tinh – biểu như cũ, lại xin mộ 5 tên dân, một tên phu trưởng coi việc canh giữ, quét tước.

Ngày 28, tháng 3 năm Tự Đức 20 (1867), vãn sinh Phan Thanh Giản cẩn minh.

Lại lập bài vị để thờ ở Tụy – văn – lân. Nhưng khi đương thuê thợ khắc bài vị thì chợt gặp quan quân Lãng – sa kéo đến. Sau đến năm nhâm thân (1872) mới lại thuê thợ trùng tu….

(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn