Vũ điệu cung đình Trung Quốc (Phần 2): Thời Đông Hán và Tây Hán
Như Chi
Trong thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, âm nhạc và vũ điệu dân gian tiến nhập vào cung đình. Nhã nhạc và vũ điệu cung đình Trung Quốc được khởi xướng từ thời Tây Chu cho đến lúc này vẫn lưu giữ được nét trang trọng và cao nhã của quá khứ, đồng thời bắt đầu tiếp thu âm nhạc và vũ điệu dân gian.
Âm nhạc và vũ điệu dân gian bắt đầu chiếm một vị trí nhất định trong vũ điệu cung đình. Trước hết, nó thể hiện ở việc thiết lập cơ quan quản lý âm nhạc và vũ điệu dân gian.
Trong thời gian thống trị ngắn ngủi của nhà Tần, “Nhạc Phủ” đã sớm xuất hiện để quản lý nhạc vũ dân gian. Tuy nhiên, đến thời Vũ Đế của nhà Tây Hán, cơ quan này mới chính thức hình thành.
Chủng loại nhạc vũ trong Nhạc Phủ rất phong phú, bao gồm nhạc vũ giao tế, nhạc vũ binh pháp, nhạc mừng yến tiệc cung đình, v.v. Về phong cách, có các nhạc vũ từ các vùng miền và dân tộc khác nhau như Giang Nam, Hoài Nam, Tây Nam v.v. Về hình thức, có các hình thức biểu diễn như diễn tấu nhạc khí, ngâm tụng ca xướng, vũ điệu xướng ưu (còn gọi là “diễn hài”). Thành viên của Nhạc Phủ bao gồm các nghệ sĩ dân gian đến từ khắp nơi trên đất nước, cơ cấu rất lớn. Đến thời Hán Ai Đế lên ngôi, số lượng nghệ nhân của Nhạc Phủ đã lên đến hơn 800 người. Vào cuối thời Tây Hán, Nhạc Phủ bị giải tán.
Sau khi nhà Đông Hán được kiến lập, Hoàng đế khôi phục cơ cấu quản lý vũ nhạc thông tục của dân gian, nhưng tên gọi được đổi thành “Hoàng Môn Cổ Xuy Thự”. Văn nhân Thái Ung nói rằng: “Âm nhạc thời Hán có bốn phẩm cấp, thứ nhất là Thái dư nhạc, thứ hai là Nhã tụng nhạc, thứ ba là Hoàng Môn cổ xuy, thứ tư là Đoản tiêu nao ca.”
Các Hoàng đế của nhà Tây Hán và Đông Hán đều rất sùng chuộng nhạc vũ dân gian. Ví dụ, Hoàng đế Hán Vũ Đế của nhà Tây Hán đã dùng nhạc vũ dân gian để chiêu đãi tân khách của “Tứ di” (bốn bộ lạc dân tộc được cho là man di mọi rợ) đến kinh đô triều bái. Theo dấu chân các tân khách này, vũ điệu của các dân tộc thiểu số cũng dần dần hội tụ về kinh đô. Trong “Đông Đô phú” của Ban Cố thời Đông Hán có viết: “Nhạc tấu của Tứ di, có thể đạt đến đức rộng lớn, Cấm, Mại, Đâu, Ly, đều tập hợp đủ cả.” Trong “Ngũ kinh thông nghĩa” viết: “Âm nhạc của Tứ di, minh đức thấm rộng chiếu rọi tứ phía.”
Hình thức vũ điệu của Tứ di là: “Nhạc vũ của Đông Di là múa mâu, nhạc vũ của Tây Nam Di là múa lông vũ, nhạc vũ của Tây Di là múa kích, nhạc vũ của Bắc Di là múa khiên (binh vũ).” Ngoài ra, các điệu múa của Tây Vực cũng bắt đầu lưu hành trong giới quý tộc. Những điệu múa của các dân tộc thiểu số này thâm nhập và giao hòa với nhạc vũ dân gian trong cung đình Trung Quốc.
Nhạc vũ dân gian thời Hán bao gồm múa võ và múa văn. Điệu múa võ mạnh mẽ, tư thế hiên ngang hào khí, khí thế dũng mãnh, có sức cuốn hút và tạo ấn tượng lớn. Ví dụ như múa kiếm, múa côn, múa đao, múa khiên, múa thích. Múa văn có các điệu tay áo dài thắt eo, múa nâng tay lên cao, múa trên mặt trống tròn, v.v. Đặc điểm chính của múa văn là phiêu dật và kỹ thuật đòi hỏi độ khó vô cùng cao. Về sau, múa văn đã chiếm một vị trí quan trọng trong vũ điệu cung đình Trung Quốc.
Thời Lưỡng Hán, số lượng nhạc vũ nhã nhạc ít hơn so với nhạc vũ dân gian. Sách “Hán Thư – Lễ Nhạc Chí” ghi chép: vũ nhạc thanh nhã có “Vũ đức” do Cao Tổ sáng tác (về sau đổi tên thành “Chiêu đức”, “Thịnh đức”), “Chiêu vũ” do Do Thuấn sáng tác và được đổi tên thành “Văn thủy” vào năm Cao Tổ thứ sáu, “Ngũ hành” (vốn là “Chu vũ”, được đổi tên vào năm Tần Thủy Hoàng thứ 26), còn có “Tứ thời” (Hiếu Văn Đế sáng tác, biểu thị thiên hạ an hòa, thái bình), “Chiêu dung nhạc”, “Lễ dung nhạc”.
Các vũ điệu nhã nhạc kể trên chủ yếu được sử dụng để tế lễ. Ví dụ, các vũ điệu “Vũ đức”, “Văn thủy”, và “Ngũ hành” biểu diễn trong miếu thờ của Hán Cao Tổ. Các vũ điệu “Chiêu đức”, “Văn thủy”, “Tứ thời”, “Ngũ hành” biểu diễn trong miếu thờ Hiếu Văn Đế. Các vũ điệu “Thịnh đức”, “Văn thủy”, “Tứ thời”, “Ngũ hành” biểu diễn trong miếu thờ Hiếu Vũ Đế. Trong miếu thờ các vị Hoàng đế thường được biểu diễn các vũ điệu “Văn thủy”, “Tứ thời”, “Ngũ hành vũ”.
Mời độc giả đón đọc phần 3 về Vũ điệu cung đình Trung Quốc thời Thời Ngụy, Tấn và Nam Bắc triều trong số tiếp theo.
Bài viết được đăng lại từ trang trang web Chánh Kiến Net