Vua Charles I và bức tượng bán thân của ngài
JAMES BARESEL
Năm 1636, ông Gian Lorenzo Bernini đã nhận được một bức tranh khác thường – “Chân dung vua Charles I ở ba góc độ” do họa sĩ Anthony van Dyck vẽ. Trung tâm bức tranh là chân dung nhà vua ở hướng chính diện. Ở hai bên, ông được vẽ ở góc nghiêng và ở góc khuôn mặt ba phần tư. Đây là một màn thể hiện tài năng kỳ lạ chăng? Hay chỉ là ngẫu hứng? Không đâu! Bức tranh độc đáo này được dùng để làm mẫu tạc tượng người yêu nghệ thuật hoàng gia vĩ đại nhất trong lịch sử.
Vua Charles I của Anh nổi danh cả về bảo trợ nghệ thuật cũng như vai trò của ông trong cuộc nội chiến. Ông đặc biệt mến mộ những nghệ sĩ trường phái Flemish như Sir Peter Paul Rubens và Anthony van Dyck, cũng như kiến trúc sư người Anh Inigo Jones. Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Vua Charles là người tinh tế hơn cả những người tinh tế. Những cống hiến của ông cho cái đẹp đã khiến nước Anh trở thành một trung tâm về đời sống nghệ thuật Âu Châu.
Khi vua Charles đăng quang năm 1625, kiến trúc và văn học là hai bộ môn nghệ thuật giữ vị trí chủ đạo trong nền văn hóa Anh. Nhà biên kịch Shakespeare đã qua đời chưa đầy một thập niên, nhà viết kịch kiêm nhà thơ nổi danh hàng đầu người Anh sau Shakespeare là Ben Jonson đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Inigo Jones (1573–1652) là kiến trúc sư vĩ đại đầu tiên của nước Anh và là người đầu tiên sử dụng các quy luật cổ điển về tỷ lệ và đối xứng trong các kiến trúc của mình. Thiết kế dinh thự Nữ hoàng của ông Inigo Jones đã trở thành hình mẫu cho những bước phát triển thẩm mỹ tiếp theo ở miền Tây nước Anh. Tuy nhiên, không có nghệ sĩ nổi tiếng nào dành thời gian dài ở Anh quốc sau họa sĩ Hans Holbein Con (1497–1543). Ngay cả những nghệ sĩ trẻ tài năng cũng rất hiếm có ở Anh. Có ít tác phẩm của những bậc thầy người Ý từng được nhập cảng vào quốc gia này.
Những ảnh hưởng nghệ thuật
Tuy nhiên, những người đam mê nghệ thuật Anh đã yêu mến các nghệ sĩ Flemish từ lâu. Vì thế, Sir Peter Paul Rubens và Anthony van Dyck bắt đầu ảnh hưởng đến thị hiếu của người Anh. Cả hai đều là những nhà tiên phong của phong trào Baroque Ý. Kiến trúc sư Inigo Jones đồng thời cũng giới thiệu phong cách kiến trúc Ý.
Việc yêu thích những họa sĩ này đã giúp vua Charles nhận thức được mỹ thuật trong chuyến đến Tây Ban Nha năm 1623. Vua Philip IV của Tây Ban Nha sở hữu một trong những bộ sưu tập nghệ thuật tuyệt vời nhất Âu Châu, mà chủ yếu là những bức tranh sơn dầu tráng lệ thời Phục hưng của Ý.
Vua Charles ấp ủ theo hình mẫu đó. Ông đã mua nhiều tác phẩm của danh họa Raphael, Leonardo da Vinci, Titian và của những người khác. Các nhà môi giới thậm chí còn tìm những bức tượng La Mã cổ đại [đưa vào bộ sưu tập]. Chỉ sau một thập niên rưỡi, bộ sưu tập của ông lên tới 2,000 phẩm vật, tương đương với những gì vua Tây Ban Nha đã sưu tập trong một thế kỷ.
Vua Charles I không dừng lại ở việc sưu tầm các tác phẩm của các bậc thầy trước đó. Ông cũng tận tâm với việc phát triển những cái tác phẩm mới. Đến năm 1628, ông là nhà bảo trợ chính của ông Orazio Gentileschi, một trong những nghệ sĩ Baroque quan trọng nhất của Ý. Một năm sau, Sir Peter Paul Rubens, nghệ sĩ xuất sắc Âu Châu vào thời điểm đó, đã đến thăm Anh quốc. Nhà vua đã ủy quyền cho ông vẽ một loạt bức bích họa trần nhà của Phòng tiệc tại Cung điện Whitehall.
Năm 1632, Anh quốc chứng kiến sự xuất hiện của Anthony van Dyck và sự khởi đầu của một trong những mối quan hệ giữa nghệ sĩ và người bảo trợ quan trọng nhất trong lịch sử. Tác phẩm của Van Dyck không chỉ đơn thuần là của một bậc thầy vĩ đại, cũng không phải chỉ về khổ tranh cỡ lớn, mà ở việc truyền tải tinh thần cuộc sống trong triều đình của Vua Charles một cách nguyên bản nhất. Trước đây, các vị vua được khắc họa ở tư thế hoặc những vị trí ngụ ý quyền lực mạnh mẽ. Nhiều bức tranh của van Dyck về vua Charles I đã duy trì truyền thống này. Nhiều bức khác ghi lại khung cảnh từ cuộc sống thường nhật của hoàng gia. Những bức tranh “Vua Charles I đi săn”, “Hoàng hậu Henrietta Maria và Sir Jeffrey Hudson”, “Năm người con lớn của vua Charles I” đều giống như ảnh chụp những người “quay về phía máy ảnh” trong các hoạt động bình thường của họ. Một bức chân dung Van Dyck vẽ Vua Charles I và Hoàng hậu Henrietta Maria ghi lại sự ân cần ấm áp dành cho nhau hiếm thấy trước đây trong các bức tranh của những cặp vợ chồng hoàng gia.
Bức tượng bán thân truyền kỳ
Mặc dù thực tế là bộ sưu tập bao gồm những tác phẩm mới ấn tượng như vậy cùng với các tuyệt tác của những bậc thầy vĩ đại nhất, nhưng vẫn còn một số khoảng trống đáng kể. Vua Charles chưa bao giờ được miêu tả trong điêu khắc. Và ông không có kiệt tác nào của ông Bernini – nhà điêu khắc xuất sắc nhất sau nghệ thuật gia Michelangelo và là đối thủ duy nhất của ông ta. Việc để Bernini tạc tượng nhà vua sẽ lấp đầy cả hai khoảng trống này. Nhưng vấn đề là ông Bernini đang làm việc cho Giáo hoàng Urban VIII. Rời Rome trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của ông. Vua Charles cũng không thể rời khỏi vương quốc của mình trừ phi có lý do chính trị hoặc quân sự cấp bách.
Gạt những trở ngại đó qua một bên, cả ông Bernini và Giáo hoàng Urban đều nóng lòng muốn giúp nhà vua thực hiện mong muốn. Đối với ông Bernini, để nhận nhiệm vụ này từ một vị vua danh tiếng như vậy quả là đặc biệt hãnh diện – và chắc chắn sẽ rất xứng đáng. Giáo hoàng có lý do mạnh mẽ hơn. Mặc dù không thể bãi bỏ các luật chống Công giáo mà không cần sự phê chuẩn của nghị viện thiếu thiện chí, vua Charles, người theo Anh giáo đã giảm đáng kể việc bắt bớ các tín đồ Công giáo.
Ông Bernini đã đồng ý thực hiện điều mà chưa một nhà điêu khắc nào từng làm trước đây. Điêu khắc chân dung một ai đó bằng đá cẩm thạch khó hơn nhiều so với vẽ bằng cọ vẽ. Không chỉ vậy, ông Bernini còn tạc một người mà ông chưa từng gặp mặt trước đây. Ông cần những bức vẽ chân dung của vua để làm mẫu, và rõ ràng họa sĩ Van Dyck đã hợp tác tốt đẹp trong kế hoạch này. Bên cạnh việc là họa sĩ vẽ chân dung vua Charles, van Dyck cũng đã thân quen ông Bernini khi làm việc ở Rome.
Bức tượng bán thân đã thành công. Ngay lập tức tác phẩm nổi tiếng khắp Âu Châu, và ông Bernini được mời lặp lại màn trình diễn này bốn năm sau đó, tạc tượng bán thân của Đức Hồng y Richelieu ở Pháp từ một bức vẽ chân dung ba góc độ khác nhau. Đáng tiếc thay, chúng ta phải dựa vào các nghiên cứu sau này để biết Bernini đã điêu khắc vị vua người Anh xuất sắc như thế nào. Mặc dù các bản sao chép kém hơn vẫn tồn tại, bức tượng bán thân vua Charles đã bị hủy hoại một cách bi thảm trong trận hỏa hoạn tại cung điện Whitehall năm 1698.
Tác giả James Baresel là một nhà văn tự do, ông viết bài cho các tạp chí như Fine Art Connoisseur, Military History, Claremont Review of Books, New Eastern Europe.