Vua Lê Thánh Tông và những giai thoại tu thân, tề gia, trị quốc
Thánh Tông Thuần Hoàng Đế Lê Tư Thành là bậc minh quân số một trong lịch sử Việt Nam. Ngài đã đưa Đại Việt trở thành bá chủ khu vực Đông Nam Á, khiến cả Trung Hoa cũng phải nể phục, các nước lân bang đều bị chấn nhiếp.
Ngoài tài năng trị quốc thiên bẩm thì thành công đó còn đến từ sự áp dụng hoàn hảo hệ tư tưởng trị quốc của Nho giáo vào tình hình đất nước. Đây cũng là một minh chứng tuyệt vời của những lý thuyết “Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ”, vốn đã từng thành công trước đây vào thời Lý Trần nay lại quật khởi lần nữa sau những năm dài bị đô hộ. May mắn thay những tư tưởng và bài học này vẫn còn lưu lại trong lịch sử, để ngày nay chúng ta có thể hình dung được phong thái của một bậc thiên tử chân chính là như thế nào.
Đức khiêm cung của một vị hoàng đế

Nho giáo đề xuất tu thân, coi việc tu dưỡng bản thân là điều kiện quan trọng, trước cả việc trị quốc. Trong việc tu thân thì đức tính khiêm cung có thể nói là rất khó thực hiện, nhất là với người trên ngôi cửu ngũ chí tôn như hoàng đế.
“Đinh Hợi, [Quang Thuận] năm thứ 8 [1467], (Minh Thành Hóa năm thứ 3)
Mùa đông tháng 10, ngày 16, đại thần và các quan dâng biểu xin vua thêm tôn hiệu. Vua phê rằng:
“Trẫm chưa dám nói đến danh hiệu Hoàng đế. Đối với các khanh, trẫm xưng là Hoàng thượng, đối với Thái miếu, trẫm xưng là Tự hoàng, như thế cũng đủ khác với danh hiệu của các thân vương rồi. Những lời ấy, các khanh nên nghĩ lại. Sau này vài năm nữa, nếu thấy trên thì trời thuận, dưới thì dân yên, mưa gió điều hòa, nước lớn thân thiện, nước nhỏ sợ uy, mới có thể bàn đến tôn hiệu. Các khanh nghĩ kỹ lại xem.”
Ngày 19, đại thần và các quan văn võ lại dâng biểu xin thêm tôn hiệu. Tờ biểu viết: Bệ hạ đã lên ngôi chí tôn, nên xưng là Hoàng đế. Vua không nghe.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Lời bàn:
Bao vị vua xưa nay vì thói háo danh mà tự khoác lên mình vô số tôn hiệu hoành tráng, và tạo thành cái cớ cho bề tôi tha hồ tâng bốc nịnh nọt. Tôn hiệu chỉ cao quý khi nó xứng đáng với những thành quả cai trị của một nhà vua có thể làm cho dân no ấm, nước giàu quân mạnh. Nếu không làm được thế thì xưng tôn hiệu có ích gì. Thế nên với trí tuệ của mình, Lê Thánh Tông dĩ nhiên là không làm việc vô nghĩa đó.
Sự bác học đa tài của Lê Thánh Tông

Vua Lê Thánh Tông ngoài tài trị quốc ra còn có rất nhiều tài năng thiên bẩm khác có thể làm kinh ngạc nhiều người, vì không ai nghĩ rằng một vị vua bận rộn chính sự mà vẫn có thể học hỏi và có thể lĩnh hội được nhiều kiến thức với độ khó cao như vậy.
“Canh Dần [Hồng Đức] năm thứ 2 [1471], (Minh Thành Hóa năm thứ 6)
Ngày 25 đêm ấy, Đỗ Nhuận hầu trước mặt vua. Nhân nói đến hai chữ ‘Đạo lý’, vua bảo rằng:
“Đạo là việc đương nhiên, rõ ràng dễ hiểu, lý là cớ dĩ nhiên, mầu nhiệm khó thấy. Ta từng làm bài thơ về hai chữ ấy, lâu ngày mới xong.”
Nhuận thưa rằng:
“Lý học của đức vua rất sáng tỏ uyên bác; trong chỗ hỗn nhiên mà phân biệt rất rõ ràng, rất tinh vi hàm súc, thể hiện ra ở lời thơ, không phải người học vấn tầm thường có thể mong mà theo kịp được.”
Vua lại nói về thiên văn học, chỉ ra rằng sự vận hành của Nhị thập bát tú và Ngũ tinh đều có xâm phạm tới nhau. Nếu sao nọ phạm vào sao nào đó thì ứng với một việc nào đó.”
Xem thế, có thể thấy được đôi nét về tầm học rộng hiểu sâu của vua.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Lời bàn:
Đạo và Lý là lẽ huyền diệu trong kinh sách xưa nay. Sự vận hành khế hợp của tinh tượng ứng với việc nhân gian là một pháp lý sâu xa khó cảm nhận. Tất cả những điều này không phải một trí thức thông thường chỉ nghiên cứu học tập lại có thể ngộ được chỉ trong một đời. Ấy vậy mà Lê Thánh Tông lại có thể chỉ trong vài câu nói mà đưa ra nhận thức thấu triệt như thế, quả thực là trí huệ Trời ban, không phải là việc của con người thông thường có thể đạt đến vậy. Nên những thành tựu phi thường của vua Lê Thánh Tông ắt phải là thiên mệnh, do trời ban cho mới có thể đạt đến, không phải sức người muốn là được đâu.
Hoàng đế mong nghe lời can gián để sửa mình
Lê Thánh Tông cũng khuyến khích các quan thẳng thắn khuyên can mình.
“Giáp Thân [Quang Thuận] năm thứ 5 [1464], (Minh Thiên Thuận năm thứ 8)
Tháng 8, sắc dụ Hình bộ tả thị lang Nguyễn Mậu rằng:
“Ngươi chăm lo việc nước, điều gì hay thì quy về cho vua, không kém gì Như Hối, Huyền Linh. Đến như Đái Trụ xử việc phức tạp khó khăn, Ngạn Bác tâu bày rõ ràng, tường tận, so với hai người đó cũng có khá hơn một chút. Làm bầy tôi như vậy thực đáng khen ngợi lắm, nên ban cho bạc lạng. Khi nào bạc ban đến nơi, ngươi càng nên mài giũa thêm lòng son vốn có mong cho ta tới cõi trị bình. Ta có lỗi lầm gì hãy thẳng thắn chỉ ra, hãy cứng như Đổng Tuyên, chớ như Tô Uy quen thói giấu giếm.”
(Chú thích: Như Hối: tức Đỗ Như Hối. Huyền Linh: là Phòng Huyền Linh, đều là bề tôi giỏi của Đường Thái Tông. Đái Trụ: là người minh mẫn, cương trực, rất giỏi xử việc rối rắm phức tạp làm đến Kiểm hiệu Lại bộ thượng thư cho Đường Thái Tông. Ngạn Bác: tức là Ôn Ngạn Bác, giỏi việc tâu bày, làm Thượng thư hữu bộc xạ đời Đường Thái Tông. Đổng Tuyên: là quan lệnh ở Lạc Dương, tính cứng cỏi, thẳng thắn, khi xử vụ án giết người đầu bếp của Hồ Dương công chúa, Hán Vũ Đế bắt Tuyên phải lạy tạ công chúa, Tuyên chống hai tay xuống đất, nhất định không chịu lạy. Tô Uy: là trọng thần của nhà Tùy mất, Uy sống tùy thời, triều nào lên cũng xin thờ phụng và đều được trọng dụng. Đến khi Đường Thái Tông đương nước, Uy xin yết kiến, không được Thái Tông chấp nhận).
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Lời bàn:
Cổ nhân có câu “Kẻ thù lớn nhất của mỗi người là chính mình”, hay nói đúng ra “kẻ thù” đó chính là cái sĩ diện của bản thân. Nhưng sai lầm thì không chừa một ai kể cả Thiên tử, mà Thiên tử sai lầm thì hậu quả là cả thiên hạ. Nên bậc minh quân ngày xưa đều hạ mình xuống, bỏ đi sự cao ngạo mà cầu nghe lời phải từ gián quan (các quan khuyên can vua) hay các bậc hiền nhân nghĩa sĩ để có thể cai trị ít sai lầm hơn. Có câu “không cầu lập công, chỉ cầu đừng sai lầm”, thật đúng với trường hợp này. Có lẽ ức vạn bá tính ắt cũng chỉ mong điều nhỏ nhoi ấy nơi bậc quân vương mà thôi.