Vương quốc Anh: Chính phủ bác bỏ đề nghị về tu chính dự luật cấm thu hoạch nội tạng
Lily Zhou
Hôm 13/09, chính phủ đã ngăn chặn dự luật do các Thượng nghị sĩ đưa ra nhằm cấm các công ty cung cấp hàng hóa của Vương quốc Anh không được dính dáng đến tệ nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Đây là lần thứ hai các dân biểu [của đảng cầm quyền] đã loại nội dung tu chính cấm dính líu đến thu hoạch nội tạng cưỡng bức ra khỏi luật Mua Sắm – sau khi các thượng nghị sĩ lại một lần nữa đưa tu chính này vào dự luật hôm 11/09.
Nếu trở thành luật thì điều khoản này sẽ cho phép một bên ký hợp đồng loại bỏ các nhà cung cấp bị phát hiện có can dự đến nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức – vốn được định nghĩa là “sát hại một người mà không có sự đồng ý của họ để lấy nội tạng và cấy ghép cho người khác”.
Các nhà cung cấp liên quan đến việc kinh doanh bất kỳ thiết bị, dụng cụ, hoặc dịch vụ nào liên quan đến thu hoạch nội tạng cưỡng bức cũng sẽ bị loại ra khỏi hợp đồng.
Nhưng các bộ trưởng kiên quyết nói rằng luật vốn đã loại trừ nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức như hành vi sai trái về nghiệp vụ rồi.
Chính phủ Đảng Bảo Thủ hiện chiếm thế đa số với 60 ghế đã chiến thắng với 80 phiếu bầu bất chấp sự phản đối của Đảng Lao Động và Đảng Quốc Gia Scotland. Có thể các Thượng nghị sĩ sẽ thực hiện nỗ lực cuối cùng để lại đưa khoản tu chính này vào dự luật một lần nữa.
Nói trước cuộc bỏ phiếu, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Alex Burghart cho biết mọi người đều đồng ý rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức kinh hoàng này “hoàn toàn không được chấp nhận” trong các hệ thống cung ứng công cộng của Vương quốc Anh, thế nên điều khoản tu chính này là không cần thiết.
Ông Burghart nói: “Chúng tôi tin rằng cơ sở loại trừ hiện có dựa trên hành vi sai trái nghề nghiệp có bao gồm điều này và sẽ giúp các cơ quan ký hợp đồng thực hiện trách nhiệm của mình để bảo đảm rằng chúng ta không có nhà cung cấp nào trong chuỗi cung ứng của mình tham gia vào các tệ nạn khủng khiếp này.”
Dân Biểu thuộc Đảng Lao Động, bà Marie Rimmer, phản bác tuyên bố trên và cho biết rằng ”các điều khoản hiện hành liên quan đến hành vi sai trái về nghiệp vụ sẽ không hoàn toàn kiểm soát được một số hành vi nào đó.”
Bà nói: “Hệ thống cung ứng sản phẩm có thể là phức tạp, và hành vi sai trái lại thường ở ngoài lằn ranh tội phạm trước khi các yếu tố về hành vi sai trái nghề nghiệp được chứng minh.”
Bà nói thêm: “Chỉ bằng cách có một điều khoản cụ thể về thu hoạch nội tạng cưỡng bức, thì chúng ta mới bảo đảm được rẳng tiền đóng thuế của người Anh không tài trợ cho hoạt động buôn bán khủng khiếp này. Nếu không, các công ty sẽ dễ dàng núp sau các chuỗi cung ứng phức tạp.”
Nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn
Nghị Sĩ Hunt – bá tước xứ Kings Heath – đã đề nghị điều khoản sửa đổi này tại Thượng viện. Ông đã dẫn đầu nỗ lực chống lại sự đồng lõa trong nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc, nơi nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước hậu thuẫn bị nghi ngờ đã sát hại hàng trăm ngàn người bằng cách lấy nội tạng từ các tù nhân lương tâm, chẳng hạn như học viên Pháp Luân Công và các nhóm dân tộc thiểu số, trong đó có người Duy Ngô Nhĩ.
Quy mô lớn của tệ nạn này cùng với sự phụ thuộc của thế giới vào các sản phẩm Trung Quốc và thị trường Trung Quốc có nghĩa là rất khó để xác định được nhà cung cấp y tế nào không tham gia vào hoạt động này – một cách vô tình hoặc do sơ suất.
Để phản đối nội dung tu chính trên, ông Burghart khẳng định việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức không được xem là nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng công cộng của Vương quốc Anh vì chính phủ không thấy có bất kỳ nhà cung cấp nào tham gia vào việc này.
Ông cũng lập luận rằng việc yêu cầu các doanh nghiệp nhỏ hơn bảo đảm rằng họ không dính líu đến nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng sẽ đặt gánh nặng “không cân xứng” và “vô lý” lên vai họ.
Ông nói, điều này có nghĩa là “chính quyền địa phương hoặc bệnh viện trong Hệ Thống Y Tế Công Cộng (NHS) cần phải tiến hành thẩm định kỹ lưỡng” khi mua những sản phẩm như mặt nạ dưỡng khí hoặc thiết bị công nghệ thông tin hầu bảo đảm toàn bộ chuỗi cung ứng không liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức, và các doanh nghiệp nhỏ đang muốn lãnh thầu với chính phủ sẽ phải biết rằng không có khách hàng nào của họ tạo điều kiện cho tệ nạn này.
Tuy nhiên, những người phản đối cho biết có bằng chứng cho thấy tiền của người nộp thuế ở Anh có thể đã dính vào nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Bà Rimmer nói: “Có những công ty thực sự hoạt động ở Anh đang cung cấp thuốc ức chế miễn dịch cho các ca cấy ghép ở Trung Quốc. Có bằng chứng cho thấy thị phần của các công ty này đã tăng đáng kể tại thị trường Trung Quốc trong vài năm qua.”
Bà nói thêm: “Các nguồn tin nặc danh tiết lộ CellCept, một loại thuốc ức chế miễn dịch, đã được sử dụng cho các tù nhân Trung Quốc trong các ca cấy ghép, không có bằng chứng nào cho thấy những cá nhân này đồng ý [hiến nội tạng của họ].”
Bà cũng phản bác ý kiến cho rằng dự luật được đề nghị gây ra nhiều gánh nặng, và nói rằng nội dung dự luật hiện tại “chỉ đơn giản là dựa vào sự thận trọng tại chỗ để loại trừ nhà cung cấp khỏi một hợp đồng mua sắm nếu có liên quan đến nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.”
Thành viên cao cấp của Đảng Bảo Thủ, ông Iain Duncan Smith, cho biết mặc dầu ông hiểu “những khó khăn do tu chính này đưa ra” và lập luận phản bác của chính phủ, nhưng có những công ty chuyên kiểm tra thẩm định trong lãnh vực này, vậy nên điều khoản này “sẽ không quá nặng nề” để chính phủ thực hiện các cuộc kiểm tra bất ngờ thông qua việc sử dụng các công ty đó.
Hệ thống camera Trung Quốc ở những địa điểm ‘nhạy cảm’
Cũng trong ngày 11/09, các thượng nghị sĩ đã tranh luận về một sửa đổi khác nhắm vào các thương hiệu camera giám sát của Trung Quốc như Hikvision và Dahua – vốn được biết đến với vai trò giám sát hàng loạt, trong đó có ở các trại lao động ở Tân Cương.
Giống như bất kỳ tổ chức nào ở Trung Quốc, các công ty này cũng phải tuân theo luật an ninh quốc gia do chế độ cộng sản quy định, trong đó yêu cầu các cá nhân và tổ chức phải “ủng hộ, giúp đỡ, và hợp tác với các nỗ lực tình báo quốc gia,” làm dấy lên những lo ngại về an ninh.
Trước đây, chính phủ Anh đã cấm lắp đặt camera mới của Trung Quốc tại các tòa nhà công cộng “nhạy cảm,” nhưng theo bản tu chính đã bị loại bỏ do Thượng nghị sĩ Alton của Liverpool đề nghị, các bộ trưởng phải công bố lịch trình loại bỏ các thiết bị đó – có thể là hàng chục ngàn chiếc – ra khỏi tất cả các tòa nhà công cộng.
Mặc dù điều khoản này đã bị các dân biểu trong Hạ Viện loại bỏ khỏi dự luật hồi tháng Hai, nhưng sau đó chính phủ đã nhượng bộ và đồng ý công bố mốc thời gian để loại bỏ camera khỏi “các địa điểm nhạy cảm của chính phủ trung ương”.
Thảo luận về vấn đề này tại Thượng viện hôm 11/09, Nữ nam tước Neville-Rolfe đã đưa ra lời giải thích rõ ràng về “các địa điểm nhạy cảm” bao gồm “bất kỳ tòa nhà hoặc khu phức hợp nào thường xuyên lưu giữ tài liệu cơ mật hoặc trên mức cơ mật; bất kỳ địa điểm nào là nơi hội họp của các quan chức có giấy phép kiểm tra bảo mật cao cấp; bất kỳ địa điểm nào được các bộ trưởng thường xuyên sử dụng; và bất kỳ địa điểm nào của chính phủ được bảo vệ theo Đạo luật Cảnh sát và Tội phạm Nghiêm trọng Có tổ chức năm 2005.”
Vị bộ trưởng này còn nhượng bộ hơn nữa khi đồng ý trình báo cáo thường niên lên Quốc hội về tiến độ loại bỏ hệ thống camera Trung Quốc khỏi các địa điểm nhạy cảm.