‘Wikipedia ngày càng phiến diện hơn bao giờ hết’
Ông Larry Sanger, nhà đồng sáng lập Wikipedia, cảnh báo rằng bách khoa toàn thư trực tuyến này “mang tính phiến diện hơn bao giờ hết” dựa trên các mục nhập (entry) của trang web này về Black Lives Matter, cuộc bầu cử năm 2020, hai lần đàn hặc cựu Tổng thống Donald Trump, và các chủ đề gây tranh cãi khác.
Đặc biệt, ông Sanger đã đặt vấn đề với cách dẫn nguồn của một số mục nhập Wikipedia.
Ông viết trong một bài báo trên trang web của mình: “Tóm lại, và với một vài trường hợp ngoại lệ, chỉ những nguồn chính thức cấp tiến theo chủ nghĩa toàn cầu – và những nguồn thân thiện với chủ nghĩa cấp tiến toàn cầu – mới được chấp thuận.”
Ông nói, một số hãng thông tấn trung lập như The Daily Telegraph, The Wall Street Journal, và The Weekly Standard đôi khi được phép dẫn nguồn, nhưng các biên tập viên của Wikipedia “cẩn thận đừng bao giờ rời khỏi Cửa sổ Overton hiện tại của tư tưởng cấp tiến.” (Overton Window: một lý thuyết chính trị mô tả ranh giới của các ý tưởng có thể được xã hội chấp nhận)
Không giống như Facebook Inc. và Twitter – những trang mạng xã hội có cách tiếp cận từ trên xuống trong việc kiểm duyệt nội dung – Wikipedia, đã tròn 20 tuổi hồi đầu năm nay, phần lớn dựa vào các tình nguyện viên không được trả lương để giải quyết các vấn đề quanh hành vi của người dùng, chỉnh sửa mục nhập, và các khía cạnh khác của việc quản trị trang web.
Theo một bài báo của Reuters, Wikipedia có 230,000 biên tập viên tình nguyện làm việc trên các bài báo có nguồn lực từ cộng đồng, và hơn 3,500 “quản trị viên” có thể thực hiện các hành động như chặn tài khoản hoặc hạn chế chỉnh sửa trên một số trang nào đó.
Hơn nữa, ông Sanger gợi ý, các biên tập viên của Wikipedia đã “thanh lọc một cách có hệ thống các nguồn truyền thông theo phái bảo tồn truyền thống” bởi vì các biên tập viên của trang này “không muốn những gì họ loại bỏ như ‘thông tin sai lệch’ hoặc ‘thuyết âm mưu’, v.v. khiến phải đối diện với bất kỳ phiên điều trần nào. Nói như vậy, họ (và các tổ chức thiên vị tương tự) rõ ràng đang tuyên bố độc quyền kiểm soát những gì người ta có thể nghĩ. Họ muốn thiết lập ranh giới của cuộc tranh luận, và họ muốn dạy quý vị nên suy nghĩ thế nào.”
Ông Sanger lưu ý rằng Wikipedia đã cấm trích nguồn báo cáo chính trị của Fox News, New York Post, và Daily Mail.
Theo một trang Wikipedia về các nguồn có thể được sử dụng, các trang web của phái truyền thống khác như Breitbart, The Blaze, The Daily Wire, The Gateway Pundit, và Newsmax cũng bị cấm.
Ông nói thêm: “Nhiều nguồn có quan điểm bảo tồn truyền thống, tự do hoặc đối lập cũng bị cấm trên Wikipedia, bao gồm Quillette, The Federalist, và Daily Caller. Những nguồn đó có thể là thiểu số, truyền thống, hoặc không phải là ‘cấp tiến’; nhưng chúng vẫn là thông tin dòng chính. Vậy thì làm thế nào mà những quan điểm như vậy lại có thể được công khai thảo luận trên Wikipedia? Lời đáp: thường thì, những quan điểm này không thể, nếu không có sẵn ‘nguồn đáng tin cậy’ để báo cáo về chúng.”
Ông Sanger viết trong phần kết trên trang web của mình, “Không quá đáng khi nói rằng Wikipedia, giống như nhiều tổ chức khác có thành kiến sâu sắc về thế giới kỹ thuật số mới dũng cảm của chúng ta, đã tự biến mình thành một loại cảnh sát tư tưởng mà trên thực tế, đã phong bế các quan điểm bảo tồn truyền thống họ không đồng ý. Nền dân chủ không thể phát triển trong những điều kiện như vậy: Tôi khẳng định rằng Wikipedia đã trở thành một đối thủ của nền dân chủ mạnh mẽ.”
Về nền dân chủ, ông lập luận, “các cử tri được cung cấp đầy đủ những quan điểm về các vấn đề gây tranh cãi, để họ có thể tự quyết định.”
Ông Sanger và một nhà đồng sáng lập khác, Jimmy Wales, đã sáng lập Wikipedia – mà ông Sanger là người đặt tên cho trang này – vào năm 2001. Một năm sau, ông Sanger đã rời khỏi dự án này và, và trong nhiều năm, ông đã chỉ trích trang web này.
The Epoch Times đã liên hệ với Wikipedia để yêu cầu bình luận.