Xét nguyên-uỷ câu: “Hăm mốt Lê-Lai, hăm hai Lê-Lợi”
Trong Tri Tân số 19, bạn Sùng Thanh có bài “Tục-ngữ, ca-dao về ngày kỵ vua Lê Thái-Tổ“, vì chú trọng về ngày giỗ đức Lê Lợi, nên mới lược bỏ ông Lê Lai. Nay ông Hương Sắc “nhân dịp đi chiêm ngưỡng lăng vua Lê Thái-Tổ và thăm làng Lam sơn, được ông lý làng Lam sơn, một trang sinh ở đoàn Võ Tánh, Thanh-Hoá, cho xem bộ Lam Sơn Thực Lục chép về việc 10 năm bình Minh”. Ông Hương Sắc bèn nhặt lượm tài liệu trong bộ sách ấy mà viết bài sau đây nói thêm về chuyện Lê Lai. Vậy bản chí xin lục đăng để hiến các bạn đọc thân yêu thích nghiên cứu về ca-dao và quốc-sử.
Mượn tiếng hưng Trần, diệt Hồ, quân Minh chiếm-cứ đất đai Nam-Việt. Lòng người oán-thán.
Lê Lợi, người Lam-sơn, ngấm ngầm thu dụng nhân tài, chiêu tập binh-sĩ. Năm 1418, thấy lòng người ghét quân Tàu đến cực-điểm, ngài bèn dựng cờ nghĩa, đuổi quân Minh.
Buổi đầu quân chưa quen chinh-chiến, nên thường phải nếm “mùi” thất bại, bao lần gian-nan khổ-sở !
Một hôm sau một trận kịch-chiến, quân bị tan-tác, ngài bĩ thế, cùng ít tàn quân, lui về Linh-sơn, nơi trú chân của ngài mấy lần nguy-khốn trước. Song lần này, quân Tàu định bắt cho kỳ được, nên vây kỹ lắm. Tình-thế vô cùng nguy ngập : quân một ngày một mòn, lương mỗi bữa mỗi cạn ; thoát ra cực khó mà thủ hiểm cũng chẳng hơn gì ! Bình-định-vương hội tướng-tá lại, bán tính một mưu cuối cùng : Dốc toàn lực ra tử chiến một dịp, thoát được càng hay, bằng không, da ngựa bọc thây cũng hả.
Nhưng Lê Lai, tên chính là Nguyễn-Thận, (vì muốn che mắt quân Tàu trước khi khởi nghĩa, nhiều người, theo lệnh của đức Lê Lợi, đã đổi tên và cải trang theo họ Lê), tiến lên, cất giọng run-run, nén sự cảm-động, tâu : “Thân vương là trọng, cả nước muôn mắt trông một, ví bằng mất đi, thì lòng người xao-xuyến, sao đuổi cho được lũ người Minh ra khỏi bờ cõi ? Lai này xin tự hiến thân, trá hình làm minh-chủ, may ra đánh lừa được bọn chúng nó”.
Thấy kế phải, Lê Lợi chịu theo và cảm động vì lòng hi-sinh của Lê Lai, gạt nước mắt, rút gươm vạch xuống đất mà rằng : “Sau này dẫu thành hay bại, ngươi sẽ được tiên-hưởng”.
Hai người trao đổi y-phục cho nhau, rồi Lê Lợi cùng với ít tuỳ-tùng, đổi dạng làm tiều phu, men đường hẻm, tìm cách trút xuống sau núi. Trong khi đó, Lê Lai mang cờ lệnh, uy nghi nhẩy lên ngựa, thúc quân lính quyết một trận sinh tử.
Quân Minh thấy quân vua Lê liều chết chực phá vây, tưởng Lê Lai là Lê Lợi, liền trút cả quân vây vào một mặt để săn cho kỳ được. Nhờ thế Lê Lợi mới lẩn trốn thoát.
Cầm chắc cái chết ở trong tay, Lê Lai và quân Nam liều đánh rất hăng, cố dằng dai giữ cho được lâu và xô quân tàu về phía mặt trước núi. Quân Minh thiệt hại khá nhiều.
Song sức người có hạn, Lê Lai yếu lần lần và cuối cùng, bị một vết thương nặng vào sườn, ngã ngựa, vội quay mũi kiếm thích vào cổ mà tự tử, cạnh con ngựa phục vị xuống vì mệt, mình đẫm máu.
Lê Lai chết ! Nhưng Lê Lợi đã chạy thoát, và chấn-chỉnh lại binh-bị, đánh bại quân Tàu, vây khốn Vương Thông, đánh lui Mộc Thạch, chém chết Liễu Thăng, thu phục lại sơn hà và lên ngôi cửu ngũ.
Công thành, vua Lê Thái Tổ không quên vị tướng đã liều thân để cứu mình xưa, mới truy tặng Lê Lai và định rằng sau này, khi ngài mất đi, trước hôm giỗ, phải cúng Lê Lai đã, đúng như câu tiên-hưởng đã nói trên Linh-sơn.
Ngày 22, tháng 8, niên-hiệu Thuận-thiên thứ sáu, 1433, Lê Thái-Tổ băng.
Theo lời dặn trước, các vua kế vị cứ mỗi lần kỵ Thái-Tổ vào hôm 22 thì 21 phải cúng Lê Lai đã.
Theo lẽ ấy, ở dân – gian mới có câu “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi” như ông Sùng Thanh đã viết. Hiện nay ở làng Lam sơn vẫn còn lệ này.
HƯƠNG-SẮC