Xin đùng bôi nhọ những nơi danh thắng
Gặp tiết xuân êm-ả, phần đông chúng ta ai cũng muốn bớt chút giờ nhàn-rỗi, xa phóng tầm mắt, ngắm nhìn những cảnh-vật thiên nhiên, những nơi danh lam, thắng cảnh…
Hết thẩy chúng ta ai cũng muốn có những phút êm-ái dịu-dàng, tâm hồn yên lặng để lãng quên những sự nhỏ-nhen hằn-học của thế-nhân ghen-tị, những cảnh đau lòng “tiền tài hai chữ son khuyên ngược” gây nên bởi nhân-tình điên-đảo, hoặc thế-sự thăng trầm bởi lòng người mù quáng vì danh lợi mà để lương-tâm chôn-vùi dưới lớp bùn nhơ !
Có khi chúng ta hững-hờ với sự-sống nhạt nhẽo của cuộc đời bằng-phẳng bó-buộc vì kế mưu sinh. Có khi chúng ta thèm-thuồng những làn gió lạ hoặc khát khao những bầu không-khí trong-trẻo. Có khi chúng ta đắm-say, mơ-màng những cảnh xuân tươi đẹp, chim non ca hát, trăm hoa chúm nở, nên chúng ta đã từng phen sốt-sắng đáp lại tiếng gọi phiêu-lưu của non cao rừng thẳm, của bể rộng trời xa, mà muốn có một cuộc du ngoạn đó đây để di-dưỡng tính-tình, để thỏa-mạn giang-hồ phiêu-bạt…
Chúng ta có khi đã ra đi với tất cả tấm lòng sốt-sắng của tuổi trẻ, với tất cả sự hăm-hở của tâm-hồn, hoặc với tất cả sự thành-kính của một con chiên, để trước những cảnh đẹp của giang sơn đất Việt, chiêm-ngưỡng và nhắc-nhở những công-nghiệp nghìn xưa của những vị anh hùng cứu quốc đã vì ai bao phen ra tử vào sinh. Cũng có khi đối cảnh sinh tình, trước sự tàn phá khốc liệt của thời-gian, chúng ta đã cảm chuyện giang sơn suy thịnh !
Cạnh đền-đài uy-nghiêm của hai Bà Trưng, chúng ta đã từng nghiêng mình thành kính nhớ ơn hai vị đại nữ anh-hùng mà căm giận quân sài lang Đông-Hán đã làm cho ai có những phen nghiêng ngửa, cuốn cơ-đồ Mi-linh ấy theo giòng Hát-giang !
Trông bia nhà Giám, cỏ mọc rêu phong còn hẳn in nét mực cự thời, ai người không thương tiếc cho những tài-ba lỗi-lạc của đất nước đã quá say mê “bả” khoa danh mà sự-nghiệp muôn đời chỉ thu lại bằng mấy nét rêu mờ trên bia đá cũ.
Trước đền Vạn-kiếp, nhìn làn sóng Bạch-đằng nhịp nhàng cuồn cuộn như ca, như hát, chúng ta đã lấy làm hãnh-diện có một bực tiên tổ, chí-khí hiên-ngang như đức Trần Hưng-Đạo đại-vương bao phen múa kiếm xua đuổi quân Nguyên, làm lừng-lẫy đất Việt, giữ-gìn nổi giang sơn xã tắc, tránh cho trăm họ khỏi bước lầm than !
Hoặc trên đỉnh non cao, trước làn khói tỏa hương trầm nghi-ngút, cạnh bàn thờ đức Hùng-vương, chúng ta lòng đã đắm say vì thờ kính nhớ ơn đức tiên tổ đã dày công gây dựng mới có ngày nay… và vì liên tưởng chúng ta sao khỏi không nhớ công đức Phù-đổng thiên-vương trên mình ngựa sắt thét ra lửa, lấy gộc tre mà phá giặc Ân, cứu được đất nước khỏi cảnh ngửa nghiêng nghiêng ngửa, rồi lánh mình ẩn tích sau dãy Sóc-sơn ! Cũng có khi dạo cảnh Tây-hồ, chúng ta bắt chước người xưa như cụ thượng Trứ :
“Dập-dìu trăng mạn, gió lèo,
Lòng ngâm vân thuỷ, bơi chèo yên ba”
mà khen cho Hoá công đã khéo tô điểm giang sơn gấm vóc : giữa chốn thành thị mà riêng nẩy một áng lâm tuyền !
Đối cảnh sinh tình, hồn thơ lai-láng, nên ngắm ngọn cỏ nghiêng mình trước gió đông, từng phen dục lòng hoài cảm như thương như mến người xưa đã tổn công vun đắp mà trạnh lòng nhớ tới hai câu thơ cũ :
“Kim cổ treo chung tranh thuỷ mạc
Tang thương chớp nhoáng bóng hoàng hôn”
Trong cảnh âm u của hang núi Hương-sơn, khách du-quan đã có phen tưởng mình như đắm-say vẻ huyền bí cao siêu mà những muốn trước bóng từ-bi, nương nhờ bóng Phật để cho lòng lâng lâng khỏi bộn chút trần ai…Vì trước cái cảnh :
“Thỏ-thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lững-lờ khe nước cá nghe kinh”
Hoặc những khi
“Nhác trông lên, ai khéo hoạ nên hình,
Đá ngũ sắc long-lanh như gấm dệt”
Mà cụ Án Chu Mạnh-Trinh đã miêu-tả trong một bài thơ bất hủ, thì chúng ta những khi :
“Thoảng bên tai một tiếng chày kinh,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”
dầu có đắm say cảnh vật thiên nhiên, có mải mê những cảnh trí thanh cao khoáng-đãng, cũng phải tự biết mình chẳng được siêu phàm như ai, đành quay lại với bọn người mê muội bon chen danh lợi !
Xa hơn nữa, cũng đôi phen chúng ta mảng vui đất đế-đô, lãng du thăm viếng chốn sông Hương, núi Ngự. Trước Thiên-thu lăng của đức Gia-long hoặc cạnh Khiêm-lăng của vua Tự-đức, chúng ta đứng trong những toà thành đồ-sộ nguy-nga, cảnh-trí tĩnh-mịch, núi cao huyền-ảo mà ngắm cảnh trời, mây, nước. Tâm hồn chúng ta, trong phút mê-li ấy, như vui vẻ theo làn gió ca hát trên ngọn thông xanh, như mường tượng thấy cái hạc bay về cột hoa, thăm-viếng nhân-dân, thành-quách…
Giấy mực có hạn, chẳng cho tôi nói hết ở đây những thú thanh nhã của những cuộc du xuân, những vẻ đẹp oai nghiêm của đền-đài tráng-lệ. Đi thăm cảnh cũ, nhắc nhở công nghiệp người xưa còn in hẳn dấu-vết trong những danh lam thắng cảnh, lúc trở về khách du quan ai không cảm tình chan chứa, tấc dạ bồi hồi…Trong những cuộc du xuân đó, khi đi chiêm ngưỡng, lúc màng lãng du, chúng ta đã thấy những gì ?
Chúng ta đã lấy làm đau lòng nhận rằng cảnh đẹp thiên-nhiên là của chung non sông đất nước mà lắm kẻ có học-thức hẳn-hoi, tự ra tay sang-sửa một cách lố-bịch, đáng chịu những lưỡi búa rìu trừng phạt !
Họ ngạo-mạn dán coi cảnh đẹp công cộng của đồng-bào là như những vườn núi của nhà họ, tự ý riêng họ muốn làm thế nào thì nên thế ấy…
Độc giả ai đã từng để chân lên núi Thuý-sơn, nơi trồng cúc của Trương Hán-Siêu xưa, tất cũng thấy những sự sửa-sang kỳ-quặc của một vào kẻ “rởm đời” mà nay đã ra người thiên-cổ. Những hòn đá nhấp nhô bị đem xếp lại một cách ngây ngô “làm chỗ như để đánh cờ, làm nơi như để ngồi câu cá”.
Muốn dấu-vết mình cùng nghìn thu trường thọ, có vị tài hèn chí mọn đã cho khắc thơ cùng hai bàn chân to của mình trên tảng đá lớn. Sĩ-phu trong nước đã từng nổi giận bất bình, giễu cợt chua chát trong mấy vần thơ mà trước kia thi sĩ Tản Đà đã từng ghi chép :
“Ai đã năm xưa đục bốn vần,
Ngày nay ai lại đục hai chân.
Khen cho đá cũng già gan nhỉ,
Đứng mãi cho ai đục mấy lần !”
Những hành-vi đáng nực cười ấy, người ta thấy nhan-nhản chẳng cứ riêng gì non Thuý mà ở nhiều chỗ khác nữa. Nào trong động chùa Trầm, trong chùa Hương-tích, nào trong các hang ở vịnh Hạ-long, hoặc cả đến các đình-đài uy-nghiêm, chúng ta cũng thấy biết bao du khách muốn mọi người biết đến, đã bôi nhọ những chỗ đó bằng những câu thơ đầu Ngô, mình Sở !
Nếu không làm thơ thì họ lại khắc tên và địa-chỉ họ nham-nhở lên những tảng đá vô tội bị hành-hạ ! Đây, một cặp uyên-ương đề những lời ân-ái trong chỗ có liên-can đến lịch-sử của đất nước để kỷ-niệm tuần trăng mật của họ ! Dơ dáy thay ! Kia, một vài đồ nho bả láp cũng bập-bẹ lựa vần ghép chữ lên mặt thi-nhân. Hoặc chỗ nọ mấy chàng trai-trẻ chưa qua bậc sơ-học cũng tì-toè răm ba tiếng Pháp ngô-nghê !
Không thể tha thứ được, những hành-vi vô ý thức chỉ làm dơ-bẩn và nhem-nhuốc những cảnh thiên-nhiên của non sông đất nước ! Không thể dong được, lũ giặc trong đám du khách có những cử-chỉ điên cuồng ấy !
Thật không phải nói ngoa, chỉ ở nước ta mới sản-xuất hạng người chí-khí lớn bằng hạt thóc, tài-ba to bằng con kiến như kia, thế mà những muốn tên hèn của mình được ngàn thu biết đến ! Những văn-sĩ nửa mùa vài câu sáo mép đi đâu cũng nghênh ngang tự đắc bắt-chước người xưa ngâm ngâm ngâm vịnh vịnh chỉ tổ làm một trò cười cho người thức giả.
Hôm nay ở đây, tôi lớn tiếng cảnh cáo họ : phải biết tôn trọng cảnh đẹp thiên-nhiên của đất nước, phải kiềm-chế lòng tự-ái không bờ bến, phải bài-trừ những hành-vi lố bịch như trên ! Hãy để yên, đừng bôi nhọ những kỳ-công của Tạo-hoá, đừng làm nhơ nhớp những đền-đài trang-nghiêm vì đó là của báu của người đời muôn thủa.
PHẠM MẠNH PHAN
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)