Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cần thời gian, tiền bạc để dẫn trước quân đội Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là cường quốc quân sự số 1 thế giới, còn Trung Quốc thì đang đứng thứ 3. Để bắt kịp Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ cần duy trì một mức tăng trưởng kinh tế nhất định. Tuy nhiên, xét đến nền kinh tế đang chững lại và thách thức về nhân khẩu học, Quỹ Carnegie dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP trong dài hạn của Trung Quốc sẽ không vượt quá 2–3%.
“Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên chiến tranh mới, một cuộc chiến có sự tích hợp của công nghệ, các khái niệm, đối tác và hệ thống — chứ không chỉ riêng quy mô hạm đội — sẽ quyết định chiến thắng trong xung đột,” theo Bản cập nhật Kế hoạch Điều hướng của Tham mưu trưởng Hải quân, được phát hành vào ngày 26/07/2022.
Trong khi phần còn lại của thế giới đang gia tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, thì Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) lại cắt giảm lãi suất cho các khoản vay kinh doanh 5 năm cũng như lãi suất thế chấp trong một nỗ lực điên cuồng nhằm kích thích nền kinh tế đang trì trệ. Trung Quốc đang phải đối mặt với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp là 20.8%, xuất cảng sụt giảm, nợ ngày càng nhiều, và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trong khi đó, dân số lại đang già đi. Năm ngoái (2022), số ca tử vong đã vượt quá số ca sinh. Nền kinh tế dậm chân tại chỗ và dân số già hóa có thể phá hỏng tham vọng quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tầm nhìn của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình là hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) vào năm 2035. Trớ trêu thay, vào năm đó, dự kiến dân số trên 60 tuổi sẽ chiếm 30%. Phần còn lại trong tầm nhìn của ông Tập là PLA sẽ trở thành quân đội đẳng cấp thế giới vào năm 2049, có khả năng “chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến.” Đến năm 2050, dân số Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 100 triệu người, và được dự đoán rằng người trên 65 tuổi sẽ chiếm 52% dân số.
Sức mạnh quân sự gắn liền với sức mạnh kinh tế, vì một quốc gia giàu có hơn sẽ chi nhiều tiền hơn cho quân đội của họ. Một quốc gia giàu có hơn cũng có vị thế tốt hơn để viện trợ cho nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra các loại vũ khí và công nghệ thế hệ tiếp theo.
Hiện tại, Hoa Kỳ đang nắm giữ những lợi thế đáng kể hơn so với Trung Quốc trong một số lĩnh vực. Hoa Kỳ chiếm 24% GDP toàn cầu, trong khi Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 15%. Vào năm 2022, Hoa Kỳ đã chi 877 tỷ USD cho quân đội của mình, trong khi Trung Quốc chỉ chi 292 tỷ USD. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ đã chi 19 ngàn tỷ USD cho quân đội, so với 3 ngàn tỷ USD mà Trung Quốc đã chi ra. Khoản chi tiêu này đã mang lại cho Hoa Kỳ khả năng chỉ huy và kiểm soát, cũng như sự vượt trội về kỹ thuật nói chung, gồm các lợi thế về thông tin liên lạc, máy điện toán, tình báo, giám sát, và trinh sát. Hoa Kỳ cũng dẫn đầu về các hệ thống vũ khí trên không, trên mặt biển, và trong lòng đại dương.
Trung Quốc đang ưu tiên tăng cường quy mô hải quân để cạnh tranh với Hoa Kỳ. Hiện Mỹ quốc đang sở hữu 11 hàng không mẫu hạm, trong khi Trung Quốc chỉ có 2 chiếc. Trung Quốc đang đóng tàu với tốc độ nhanh hơn Hoa Kỳ và dự kiến sẽ phát triển quy mô của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân lên đến 400 tàu trong hai năm tới. Điều này giúp PLA sở hữu nhiều tàu chiến hơn so với Hoa Kỳ, nhưng chất lượng và hỏa lực vẫn còn là vấn đề nan giải, vì hầu hết các tàu của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân đều non nớt hơn so với tàu của Hoa Kỳ.
Trung Quốc sở hữu 200 đầu đạn hạt nhân và dự kiến sẽ tăng gấp đôi con số này trong 10 năm tới. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hiện đang sở hữu gần 4,000 đầu đạn hạt nhân tối tân với 1,600 vũ khí chiến lược. Mỗi đầu đạn hạt nhân có giá từ 4.9 triệu đến 8.4 triệu USD, còn mỗi tàu chiến có thể tốn đến 3.4 triệu USD. Hiện đại hóa và mở rộng quân đội sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Hoa Kỳ có một số lợi thế mà Trung Quốc không thể nào mua được. Hoa Thịnh Đốn là thành viên của hai liên minh quân sự lớn nhất và mạnh nhất hành tinh là NATO và AUKUS, trong khi Bắc Kinh chỉ có các thỏa thuận quốc phòng với Bắc Hàn. Quân đội Hoa Kỳ vận hành và duy trì một mạng lưới gồm 516 cơ sở trên 41 quốc gia, thiết lập sự hiện diện đáng kể trên toàn cầu. Hơn nữa, họ duy trì các căn cứ quân sự ở hơn 80 quốc gia, làm nổi bật phạm vi tiếp cận rộng rãi và dấu chân của họ trong cộng đồng quốc tế.
Quân đội Hoa Kỳ cũng có lợi thế về kinh nghiệm chiến đấu. Kể từ Chiến tranh Triều Tiên, một cuộc chiến mà cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều tham gia, Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Afghanistan, và Iraq, đồng thời tiến hành các hoạt động quân sự phối hợp quy mô lớn nhưng trong thời gian ngắn hơn ở Panama, Grenada, Kosovo, và trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Hoa Kỳ cũng đã tham gia vô số các hoạt động quy mô nhỏ hơn ở châu Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á, và châu Âu. Ngoài các cuộc đụng độ nhỏ với Việt Nam và Ấn Độ cũng như một số hoạt động chống hành vi hải tặc và hoạt động trị an của Liên Hiệp Quốc, PLA có rất ít kinh nghiệm chiến đấu.
Với dân số già hóa và nền kinh tế ngày càng giảm sút, người ta nghi ngại rằng liệu Trung Quốc có đạt được mục tiêu chiếm ưu thế về quân sự vượt trội hơn hẳn Hoa Kỳ hay không. Một số chuyên gia tin rằng ĐCSTQ đang trì hoãn cuộc xâm lược Đài Loan chừng nào trình độ hỏa lực của PLA sánh ngang với Hoa Kỳ và các đồng minh. Tuy nhiên vào thời điểm mà họ cần [tài chính] để cải thiện quân đội, thì nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ theo đà suy thoái, còn dân số cũng ngày càng giảm đi. Trong khi đó, Hoa Kỳ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn Trung Quốc năm này qua năm khác, khiến Bắc Kinh ngày càng khó thu hẹp khoảng cách.
Rất có thể ông Tập đã nhận thức được những sự thật này, vì vậy câu hỏi vẫn là: liệu ĐCSTQ sẽ tiến quân vào Đài Loan trước hay họ sẽ cố gắng đợi cho đến khi PLA ở trong điều kiện tối ưu? Mà vấn đề kế nữa là liệu điều kiện tối ưu đó có thể đạt được hay không.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times