Cảm lạnh kéo dài: Nghiên cứu phát hiện các bệnh khác có thể có triệu chứng kéo dài

COVID không phải là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp duy nhất có các triệu chứng kéo dài. Một nghiên cứu mới cho thấy cảm lạnh và cúm cũng có biến chứng tương tự.

COVID kéo dài đã được nghiên cứu và thảo luận trong nhiều năm kể từ khi xảy ra đại dịch, nhưng giờ đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Queen Mary University of London (QMUL) đã phát hiện rằng những bệnh thông thường vào mùa lạnh có thể để lại cho chúng ta những triệu chứng kéo dài.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những phát hiện của họ có thể giải thích [vì sao có] những người bị các triệu chứng kéo dài sau khi nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nhưng có kết quả âm tính với COVID-19.

Nghiên cứu trên được công bố vào đầu tháng Mười trên Tập san eClinicalMedicine của Lancet.

Triệu chứng cảm lạnh kéo dài

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 vẫn có thể xuất hiện các triệu chứng kéo dài trong ít nhất một tháng sau khi nhiễm bệnh. Những triệu chứng này bao gồm đau dạ dày, ho và tiêu chảy.

Nghiên cứu này diễn ra từ tháng 05/2020 đến tháng 10/2021 và liên quan đến hơn 10,000 trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính được xác nhận là COVID-19. Nghiên cứu cũng bao gồm các trường hợp bệnh nhân bị nhiễm bệnh nhưng có xét nghiệm âm tính với COVID.

Theo các nhà nghiên cứu, cả hai loại nhiễm trùng đều có liên quan đến sự gia tăng số lần xuất hiện và mức độ trầm trọng của các triệu chứng kéo dài so với không nhiễm trùng.

Giáo sư Adrian Martineau, trưởng nhóm nghiên cứu của COVIDENCE UK và là giáo sư lâm sàng về hô hấp nhiễm trùng và miễn dịch tại Đại học Queen Mary University of London, cho biết trong một thông cáo báo chí, “Phát hiện của chúng tôi có thể phù hợp với trải nghiệm của những người bị các triệu chứng kéo dài sau khi nhiễm trùng đường hô hấp mặc dù có xét nghiệm âm tính với COVID-19 trên tăm bông ngoáy mũi hoặc họng.”

Bệnh nặng có nhiều khả năng bị COVID kéo dài hơn

Người ta quan sát thấy những người dương tính với COVID có tỷ lệ nhiễm các triệu chứng COVID kéo dài (như vấn đề về vị giác hoặc khứu giác, chóng mặt hoặc choáng váng…) cao hơn so với những người bị nhiễm trùng đường hô hấp có kết quả xét nghiệm âm tính.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi [triệu chứng] trầm trọng hơn, những người tham gia nghiên cứu dễ bị COVID kéo dài hơn, [với tỷ lệ bị COVID kéo dài] từ gần 6% số người bệnh nhẹ đến khoảng 50% số người được phân loại là bệnh nặng.

Ở cả hai nhóm, các triệu chứng [kéo dài] thường xuất hiện trong thời gian theo dõi ít nhất 4 tuần và tối đa 12 tuần. Đặc biệt là trong những trường hợp có các triệu chứng nặng, với 22% số người tham gia.

Khi so sánh các đặc điểm của người tham gia theo ba mức độ trầm trọng, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi mức độ trầm trọng của triệu chứng tăng lên (từ trung bình đến nặng), những người bị ảnh hưởng thường là nữ giới, có tình trạng kinh tế thấp hơn, những người làm việc ở tuyến đầu, thừa cân hoặc béo phì và có bệnh kinh niên khác.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn